Xung đột nội bộ đối với Hồng Kông và cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ; hành động bắt nạt các nước ở biển Đông; che giấu và trục lợi từ đại dịch; và những nỗ lực không đâu vào đâu để tấn công ông Trump và nước Mỹ đã gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng mà nước này bấy lâu dày công tạo dựng.
Có lẽ, Trung Quốc đã "tự đưa bóng vào lưới nhà" trong nỗ lực thống lĩnh toàn cầu của mình – Nhận định của Tiến sĩ Terry Buss, Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ.
Phần 1: Đối đầu Mỹ - Trung: Ai sẽ là người thắng cuộc?
Đại dịch Covid-19 ập đến
Hậu quả nhãn tiền của đại dịch là cả Trung Quốc và Mỹ đều bị suy yếu trong nỗ lực theo đuổi các tham vọng toàn cầu của mình, chưa kể đến việc mỗi quan hệ hai nước diễn biến theo chiều hướng nay càng xấu và đang tiệm cận dần đến điểm xung đột.
Hai nước đối đầu chan chát ở mọi phương diện liên quan đến đại dịch, từ nguồn gốc virus đến ứng phó khủng hoảng và tác động của đại dịch.
Mỹ tuyên bố đại dịch chết người bắt nguồn từ Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố căn bệnh này xuất phát từ châu Âu hoặc Mỹ. Mỹ tuyên bố Trung Quốc che giấu nguồn gốc virus, thậm chí còn phá hủy các mẫu virus cần thiết để phát triển các phương pháp điều trị và vắc-xin.
Sau khi phủ nhận chán chê, Trung Quốc công khai thừa nhận đã phá hủy mẫu virus. Trung Quốc vẫn không thừa nhận đã kiểm duyệt thông tin từ các báo cáo về virus ở giai đoạn đầu mà các nhà khoa học và bác sĩ Trung Quốc đưa ra.
Hoa Kỳ tuyên bố Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã không một mực yêu cầu Trung Quốc cho phép các nhà điều tra của tổ chức này đến các phòng thí nghiệm nghiên cứu Virus ở Vũ Hán để tìm hiểu thực chất về loại virus này. Trung Quốc đã ngăn chặn các nhà điều tra quốc tế và từ chối đề nghị của Mỹ gửi các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đến hỗ trợ nước này.
Mỹ tuyên bố WHO đã đồng ý chấp nhận các thông tin tuyên truyền của Trung Quốc về virus, từ nguồn gốc đến phương thức lây lan… Cũng chính WHO đã lên tiếng chỉ trích lệnh cấm đi lại từ Trung Quốc của chính quyền Mỹ trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch.
Tổ chức này tuyên bố virus này không lây truyền từ người sang người; và đặt trọn lòng tin vào những nghiên cứu không chính xác của Trung Quốc về virus. Trong khi đó, Trung Quốc đã ngăn chặn Đài Loan tham gia vào nỗ lực chống đại dịch.
Trung Quốc tuyên bố họ đã điều tra tất cả những chỉ trích về vai trò của nước này trong việc ngăn chặn đại dịch và kết luận rằng sự ứng phó của Trung Quốc là chuẩn mực. WHO đồng ý với kết luận này.
Mỹ tuyên bố Trung Quốc đã báo cáo sai số ca nhiễm và tử vong. Trung Quốc muốn WHO điều tra các cáo buộc chống lại nước này. Úc kêu gọi mở cuộc điều tra độc lập về trách nhiệm pháp lý của Trung Quốc: ngay lập tức Úc đã nhận được những lời đe dọa và trả đũa kinh tế từ phía Trung Quốc sau khi đưa ra tuyên bố này.
Trung Quốc công khai thừa nhận đã phá hủy mẫu virus tại các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán (Ảnh: Internet)
|
Tháng trước, ông Trump đã dừng khoản đóng góp hàng năm cho WHO trị giá 400 triệu đô la Mỹ trong khi chờ đợi một cuộc điều tra về sự yếu kém năng lực và thiên vị của WHO trong đại dịch. Cuộc điều tra, hoàn thành vào ngày 19 tháng 5, đã đưa ra kết luận yêu cầu WHO tự cải tổ hoặc đối mặt với việc ngân sách sẽ bị cắt giảm mạnh.
Trung Quốc đáp lại bằng cam kết quyên góp 2 tỷ đô la trong hai năm tới để tài trợ cho WHO. Trước đó, nước này chỉ đóng góp 40 triệu đô la mỗi năm.
Một cuộc điều tra khác của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết Trung Quốc đã dự trữ thiết bị y tế, quần áo bảo hộ và thuốc men cần thiết để điều trị virus. Sau đó, họ bán các mặt hàng này để kiếm lời hoặc dùng để gây ảnh hưởng đến các quốc gia khác.
Nhiều nước trong đó có Ý, Anh và Tây Ban Nha đã trả lại các mặt hàng lỗi mua của Trung Quốc.
Tại một hội nghị y tế cho WHO tổ chức gần đây, các nước thành viên đã thống nhất rằng cần phải tiến hành một cuộc điều tra độc lập về đại dịch. Không ai chắc liệu việc này có thực sự sẽ diễn ra hay không.
Điều tệ hại hơn mà Trung Quốc đã gây ra không chỉ cho Mỹ mà với toàn thế giới chính là việc nước này đã cấm toàn bộ các chuyến bay nội địa từ Vũ Hán, nơi virus xuất hiện đầu tiên, đến các thành phố khác trong phạm vi lãnh thổ Trung Quốc; nhưng lại vẫn tạo điều kiện thực hiện các chuyến bay quốc tế từ Vũ Hán đến các nơi trên thế giới.
Đại dịch khiến xung đột gia tăng
Chỉ cần một nửa số tuyên bố của Mỹ là chính xác thì đã rõ là Trung Quốc che giấu đại dịch, sau đó lợi dụng đại dịch để thực hiện tham vọng của mình đối với Mỹ. Nước này đã phát động một chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội để đổ lỗi cho Mỹ phải chịu trách nhiệm về đại dịch, cùng lúc thực hiện một chiến dịch song song kêu gọi các nước về phe với mình bởi Mỹ giờ chỉ là một cường quốc đang thất thế.
Trung Quốc nhất định không triệu tập cuộc họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong vai trò chủ trì hội nghị để giải quyết khủng hoảng. Thay vào đó, nước này còn gây áp lực buộc WHO về phe với mình để chống lại Mỹ.
Trong tháng 1 và tháng 2, ông Trump đã lên tiếng khen ngợi công tác ứng phó đại dịch của Trung Quốc và cho rằng đây chính là mô hình hiệu quả và minh bạch cho đến khi những thông tin gây tranh cãi về nỗ lực của Trung Quốc được công khai.
Ông Trump nói rằng cái gọi là “phản ứng chậm chạp” của ông là do ông đã tin lời của WHO và tin vào các thông tin sai lệch về đại dịch do Trung Quốc công bố ngay giai đoạn đầu tiên.
Đảng Dân chủ và ông Biden đã nắm ngay cơ hội do Trung Quốc tạo ra để tiếp tục chỉ trích ông Trump, tấn công ông một cách không thương tiếc. Đảng Dân chủ thậm chí đang nỗ lực nối lại tài trợ cho WHO trong khi ông Trump đang lên kế hoạch cắt giảm.
Đảng Dân chủ tiếp tục khởi xướng nhiều cuộc điều tra tại Quốc hội về công tác ứng phó đại dịch, và đào xới lại những nỗ lực luận tội tổng thống vô căn cứ trước đây. Phe Dân chủ tuyên bố việc ông Trump đổ lỗi cho Trung Quốc chỉ để che đậy sự bất tài của mình.
Đảng Cộng hòa tin rằng Trung Quốc và đảng Dân chủ đang phối hợp với nhau để hạ bệ Tổng thống. Còn ông Trump thì cho rằng phe Dân chủ chỉ mong thấy ông thất bại trước Virus Covid-19.
Đảng Dân chủ không muốn ông Trump điều tra hai cha con ông Biden và những thỏa thuận bất hợp pháp của cha con ông này với Trung Quốc. Phe này cũng không muốn ông Trump vạch trần những nỗ lực của ông Obama và ông Biden nhằm hủy hoại thân thế sự nghiệp của ông thông qua FBI và các cơ quan tình báo.
Việc cáo buộc và đổ lỗi lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ đã đạt đến ngưỡng chưa từng thấy, tiếp theo đó là sự trả đũa kinh tế.
Hai nước đối đầu chan chát ở mọi phương diện liên quan đến đại dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)
|
Trung Quốc đe dọa sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng y tế của Mỹ xuất phát từ Trung Quốc. Nước này đã ngăn cản một số công ty Mỹ đặt ở Trung Quốc chuyển sản phẩm của họ về Mỹ. Khoảng 70% lượng dược phẩm sử dụng tại Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Phản ứng của Mỹ là đưa ra các động thái để thu hút các công ty Mỹ ở Trung Quốc hồi hương. Các quốc gia khác bao gồm Nhật Bản, Anh và Liên minh châu Âu cũng đang xem xét lại mối quan hệ của họ với Bắc Kinh.
Hoa Kỳ hiện đang điều tra hơn 100 Viện Khổng Tử hoạt động trong các trường đại học Mỹ. Trung Quốc đã chi hàng tỷ đô vào các chương trình dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc tại các viện này. Các Viện Khổng tử đã đào tạo hàng trăm ngàn sinh viên Mỹ. Tuy nhiên, các cơ quan tình báo tin rằng một số Viện Khổng Tử đang có gián điệp Trung Quốc nằm vùng trong nỗ lực chiếm đoạt tài sản trí tuệ của Mỹ.
Theo một số báo cáo, nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc đã bị truy tố. Trong 6 năm vừa qua, ít nhất 29 viện Khổng tử đã phải đóng cửa. Một số thành viên quốc hội đang kêu gọi giảm thị thực du học Trung Quốc vào Mỹ.
Vừa mới đây, Trung Quốc đã đe dọa một số nghị sỹ vì họ chỉ trích các hành động chống Mỹ của nước này. Trung Quốc cũng bị phát hiện đã gửi yêu cầu tới các chính quyền tiểu bang yêu cầu họ hỗ trợ Trung Quốc chống lại các cáo buộc của ông Trump.
Khắp nơi trên nước Mỹ, người ta bắt đầu nói đến việc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc.
Các dịch vụ tình báo Mỹ tuyên bố Trung Quốc và Nga đang bắt tay nhau trong các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tháng 11 tới đây. Nga đã là đối tượng điều tra của nhiều ủy ban quốc hội và cơ quan tình báo liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 – trớ trêu thay với cáo buộc là nước này can thiệp để hỗ trợ ông Trump thắng cử.
Thời gian qua Trung Quốc đã không giữ đúng lời hứa về việc mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ theo thỏa thuận thương mại gần đây. Và giờ đây, cũng chính nước này lại đang yêu cầu Mỹ đàm phán lại thỏa thuận. Mỹ từ chối, nhưng sau đó lại bắt đầu áp đặt các hạn đối với ngành công nghiệp bán dẫn nhắm vào ông lớn viễn thông Trung Quốc: Công ty Huawei.
Mỹ đang đe dọa sẽ tăng mức thuế quan cao hơn cả mức đã khiến nền kinh tế Trung Quốc tê liệt trong hai năm qua. Đáp trả lại, Trung Quốc đe dọa sẽ đưa Apple, Boeing và Cisco vào “Danh sách các thực thể không đáng tin cậy” (“unreliable entities list”).
Mới đây, Mỹ đã vay tới 6 nghìn tỷ đô la để giúp ngăn chặn những tác động tiêu cực của tình trạng thất nghiệp hàng loạt sau khi nền kinh tế Mỹ phải đóng cửa vì đại dịch. Người Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc đã gây ra đại dịch và khủng hoảng kinh tế. Còn đảng Dân chủ, tất nhiên, lại đổ lỗi cho ông Trump.
Hệ quả không ngoài dự đoán là khoản nợ kỷ lục của nước Mỹ ở mức 25 nghìn tỷ đô la tới đây sẽ còn tăng nhiều nữa – điều này có lẽ sẽ khiến Trung Quốc còn hung hăng hơn nữa. Tuy nhiên, bản thân Trung Quốc cũng đang đau đầu với khoản nợ kếch xù.
Tiên lượng
Nếu Tổng thống Trump có thể trụ vững được trước những ngón đòn của phe Dân chủ một mực đổ lỗi cho ông về đại dịch và đóng cửa kinh tế thì ông sẽ là một trở ngại đáng gờm đối với tham vọng toàn cầu của ông Tập Cận Bình. Nếu nền kinh tế Mỹ lội ngược dòng thành công thì ông Trump sẽ còn có vị thế tốt hơn nữa để kiểm soát ông Tập.
Các nước khác sẽ muốn phục vụ thị trường Mỹ và nhận đầu tư của Mỹ. Các dòng doanh thu mới sẽ lại lấp đầy kho bạc của Mỹ, từ đó sẽ lượng đầu tư sẽ tăng nhiều hơn.
Nếu phe Dân chủ chiến thắng, ông Tập sẽ có một sự hậu thuẫn mạnh mẽ ngay trong lòng nước Mỹ cho cuộc tranh đua giành vị thế thống lĩnh toàn cầu.
Chính sách của phe Dân chủ là thỏa hiệp vô nguyên tắc, giống như dưới thời của ông Obama, chứ không cam kết. Phe Dân chủ cũng tìm cách cắt giảm ngân sách quân đội và không có kỹ năng đàm phán thương mại.
Xung đột nội bộ đối với Hồng Kông đã khiến danh tiếng của Trung Quốc bị tổn hại (Ảnh: AFP)
|
Tuy nhiên, nếu đảng Dân chủ thất bại, ông Tập có thể chắc chắn chờ đón một ông Trump trở lại trong thế trả đũa. Có lẽ, ông Tập đã tạo ra cho chính mình một đối thủ đáng gờm. Các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc có thể sẽ rời khỏi nước này hàng loạt.
Ấn Độ đã xây dựng các khu công nghiệp để sẵn sàng chào đón họ chuyển sang. Nhật Bản đang trợ cấp cho các công ty của mình rời khỏi Trung Quốc.
Ngay cả khi ông Trump thắng cử, ông Tập vẫn cần thị trường Mỹ để duy trì nền kinh tế Trung Quốc. Mức thuế quan ông Trump đưa ra khiến nền kinh tế Trung Quốc bị tổn thương nặng nề. Ông Tập có thể tìm các thị trường thay thế, nhưng đừng quên là Mỹ cũng có thể làm như vậy với thị trường Trung Quốc.
Chiến lược của ông Tập chứa đựng nhiều rủi ro. Ông Trump thì vẫn cần ông Tập mở cửa thị trường Trung Quốc cho nông dân và các nhà sản xuất Mỹ.
Theo các nhà nghiên cứu hàng đầu về Trung Quốc, điều Bắc Kinh coi trọng nhất là danh tiếng quốc tế và sẵn sàng làm bất cứ việc gì để bảo vệ điều này. Danh tiếng của Trung Quốc – dù là thực chất hay chỉ là cảm nhận– là điều mấu chốt quan trọng nhất trong chiến lược của quốc gia này.
Tuy nhiên, những hành động gần đây của ông Tập đã khiến danh tiếng của Trung Quốc bị tổn hại.
Xung đột nội bộ đối với Hồng Kông và cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ; hành động bắt nạt các nước ở biển Đông; che giấu và trục lợi từ đại dịch; và những nỗ lực không đâu vào đâu để tấn công ông Trump và nước Mỹ đã gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng mà nước này bấy lâu dày công tạo dựng.
Hiện giờ, khoảng 48% người dân Mỹ nói rằng họ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc do đại dịch.
Có lẽ, Trung Quốc đã tự "đưa bóng vào lưới nhà" trong nỗ lực thống lĩnh toàn cầu của mình.
Ai là người chiến thắng: đầu năm 2021 chúng ta sẽ có câu trả lời.