Hơn 200 chính trị gia phản đối dự luật an ninh của Trung Quốc

VietTimes – Hơn 200 chính trị gia đến từ 23 quốc gia trên thế giới đã đưa ra một tuyên bố chung phản đối việc Trung Quốc đưa ra dự luật an ninh quốc gia tại Hong Kong và kêu gọi chính phủ các nước khác lên tiếng chống lại dự luật này.
Các chính trị gia cho rằng dự luật an ninh mới của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới tương lai của Hong Kong (Ảnh: SCMP)
Các chính trị gia cho rằng dự luật an ninh mới của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới tương lai của Hong Kong (Ảnh: SCMP)

Các chính trị gia đã thể hiện rõ mối quan ngại về nghị quyết mà Bắc Kinh đưa ra tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội tổ chức hôm thứ Sáu vừa qua. Nghị quyết này có mục đích "ngăn chặn, chống lại và trừng phạt" những mối đe dọa tới an ninh quốc gia gây ra bởi những hành động lu khai trái phép, chủ nghĩa khủng bố ở Hong Kong.

Dự luật này sẽ yêu cầu chính quyền Hong Kong thiết lập các thể chế mới để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc và cho phép các cơ quan của đại lục hoạt động trong thành phố này khi cần thiết.

Dự luật được công bố đã lập tức làm dấy lên cuộc tranh luận về số phận của hệ thống "Một quốc gia, hai chế độ" ở Hong Kong kể từ khi được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.

Tuyên bố chung này do cựu Thống đốc Hong Kong thời thuộc Anh, ông Christopher Patten, và cựu ngoại trưởng Anh Malcolm Rifkind đứng ra thực hiện. Các thành viên Quốc hội Mỹ cũng tham gia ký tên, trong đó có các thượng nghị sĩ Ted Cruz, Josh Hawley, Marco Rubio...hàng chục nghĩ sĩ Anh cũng như nghị sĩ đến từ châu Âu, New Zealand, Canada, Australia, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Malaysia.

Trong tuyên bố chung, họ thể hiện mối quan ngại sâu sắc về "việc đơn phương công bố dự luật an ninh quốc gia" tại Hong Kong của Trung Quốc.

"Đây là một đòn tấn công toàn diện nhằm vào quyền tự trị của thành phố này, thượng tôn pháp luật và quyền tự do cơ bản" - họ viết.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng) trong hôm 23/5 đã đảm bảo rằng dự luật mới sẽ chỉ nhắm vào "một nhóm người nhỏ" để vá một lỗ hổng pháp lý từng bị phơi bày trong bối cảnh tình trạng biểu tình bạo lực chống chính quyền ở Hong Kong hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, những người ký tên vào tuyên bố chung nói rằng các cuộc biểu tình xuất phát từ sự bất bình của những người dân thường Hong Kong.

"Những điều luật hà khắc sẽ chỉ khiến tình hình thêm xấu đi, phá hỏng tương lai của Hong Kong với diện mạo một thành phố quốc tế cởi mở của Trung Quốc" - họ nói.

Trước đó, Ngoại trưởng các nước Anh, Australia và Canada cũng đưa ra một tuyên bố chung trong đó nhấn mạnh rằng Tuyên bố chung Trung-Anh - thỏa thuận ký bởi Anh và Trung Quốc năm 1984 dọn đường cho việc trao trả Hong Kong - vẫn có tính ràng buộc pháp lý, và Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi đảm bảo quyền tự trị của thành phố này.