Trung Quốc tranh hùng với Mỹ bằng "công nghệ nhái" từ thời Liên Xô

VietTimes -- Trung Quốc đang học chiến lược chống tiếp cận của Liên Xô trước đây, cố tạo ra một pháo đài cho hạm đội tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo bằng cách xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, phát triển hệ thống thủy lôi tiên tiến, triển khai các hệ thống cảm biến dưới nước và tác chiến chống tàu ngầm hiện đại, The Strategist phân tích.
Trung Quốc đang cố gắng xây dựng chiến lược chống tiếp cận nhằm không cho Mỹ tiếp cận khu vực duyên hải và xa hơn nữa là Tây Thái Bình Dương
Trung Quốc đang cố gắng xây dựng chiến lược chống tiếp cận nhằm không cho Mỹ tiếp cận khu vực duyên hải và xa hơn nữa là Tây Thái Bình Dương

Chống tiếp cận (A2/AD) đã trở thành chủ đề nóng trong những năm gần đây. Nhiều người đã vạch ra chi tiết những mối đe dọa mà hệ thống vũ khí A2/AD đặt ra đối với quân đội Mỹ, đặc biệt là các tàu sân bay của nước này. Nhưng những mối đe dọa này không có gì mới, các chiến dịch chống tiếp cận đã được tiến hành kể từ chiến tranh Hy Lạp- Ba Tư. Chúng cũng không phải là những đe dọa mới với các tàu sân bay Mỹ vì Mỹ từng đối mặt với mối đe dọa tương tự từ Hải quân Liên Xô trong Chiến tranh lạnh.

Hải quân Liên Xô có hai mục đích chính trong suốt Chiến tranh lạnh. Một là để bảo vệ các tàu ngầm chở tên lửa đạn đạo của Liên Xô (SSBN) để bảo đảm sự tồn tại của những tàu ngầm này như nền tảng tấn công hạt nhân đáng tin cậy. Mục đích khác là để bảo vệ Liên Xô khỏi các cuộc tấn công từ tàu sân bay và tàu ngầm Liên Xô.

Strategist phân tích, nhìn qua bản đồ là thấy thách thức mà Hải quân Liên Xô phải đối mặt để đạt được những mục tiêu này. Trong khi Liên Xô trải dài trên cả hai lục địa Á lẫn Âu nhưng nước này vẫn hạn chế trong khả năng tiếp cận Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Cả biển Baltic và biển Đen đều có hạm đội của Liên Xô đóng quân nhưng mỗi biển chỉ có một lối đi riêng, tạo ra các điểm huyết mạch dễ dàng bị kiểm soát bởi NATO. Về phía bắc, các tàu thuộc Hạm đội Phương Bắc của Liên Xô phải xuyên qua biển Barents và biển Na Uy, những khu vực hoạt động của hải quân NATO và sau đó lại xuyên qua Greenland- Iceland- Vương quốc Anh trước khi đến Đại Tây Dương. Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô đi ra biển dễ hơn nhờ các căn cứ ở Petropavlovsk – Kamchatska, nhưng các tàu đóng tại Vladivostok lại phải đi qua biển Nhật Bản để tiến vào Thái Bình Dương.

Theo Strategist, đây vừa là một điều may mắn lại vừa là một lời nguyền cho Liên Xô. May mắn là các tàu hải quân của NATO phải đi một quãng đường dài đến vùng duyên hải của Liên Xô mới có thể đe dọa lãnh thổ Liên Xô hay các thành trì của tàu ngầm hạt nhân. Những vị trí này cũng nằm trong tầm tác chiến của máy bay không quân hải quân Liên xô. Mặt khác, khoảng cách xa xôi cũng khiến Hải quân Liên Xô khó triển khai sức mạnh bằng các tàu thuyền.

Học thuyết hải quân Liên Xô trong thời kỳ đầu Chiến tranh lạnh kêu gọi Hải quân Liên Xô thách thức tàu NATO kiểm soát vùng biển mở. Tuy nhiên, những phát triển đa dạng đã buộc Hải quân Liên Xô trở lại với chiến lược chống tiếp cận. Để bảo vệ lãnh thổ trên cạn và bảo đảm khả năng của thành trì tàu ngầm trong xung đột, Hải quân Liên Xô đã lên kế hoạch bác bỏ quyền tiếp cận của NATO tới khu vực ven biển và khu vực hoạt động của các tàu ngầm hạt nhân bằng cách tạo ra một vành đai phòng thủ lên tới 3.000 km tính từ đất liền.

Bảo vệ vành đai này liên quan đến  các cuộc tấn công vào căn cứ của NATO trong vùng ngoại vi của Liên Xô, cấm tàu ngầm NATO tiếp cận tới khu vực hoạt động tàu ngầm chiến lược của Liên Xô và tấn công các tàu trên mặt nước và cụm tác chiến tàu sân bay (CBG) của NATO trước khi chúng có thể tiếp cận vùng duyên hải Liên Xô.

Các căn cứ hải quân và không quân NATO bao vây Liên Xô, khiến NATO có thể ra khỏi các căn cứ đổ bộ vào vùng ven biển Xô viết. Tấn công các căn cứ này bằng tên lửa hành trình bắn từ tàu sân bay tầm xa hoặc tàu ngầm, cũng như các cuộc tấn công bởi lực lượng đặc nhiệm được coi là bước khởi đầu tốt đẹp trong nỗ lực hạn chế sự tiếp cận của hải quân NATO.

Mối đe dọa tàu ngầm NATO cũng đòi hỏi các biện pháp đối phó khác nhau. Hải quân Liên Xô đã triển khai các máy bay tuần tra hàng hải và lực lượng tác chiến chống tàu ngầm (ASW), bao gồm các tàu trên mặt nước ASW và các tàu mang máy bay với khả năng chống ngầm để tuần tra các pháo đài của tàu ngầm hạt nhân, trong khi các tàu ngầm tấn công của Liên Xô bảo vệ các lối đi của chúng. Các pháo đài này cũng kết nối với hệ thống cảm biến dưới nước và các trận địa mìn và thủy lôi dày đặc nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của tàu ngầm NATO.

Cận cảnh Đá Subi bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng và các công trình quân sự ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam
Cận cảnh Đá Subi bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng và các công trình quân sự ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam
Chiến hạm hải quân Trung Quốc khai hỏa tên lửa trong một cuộc tập trận gần đây
Chiến hạm hải quân Trung Quốc khai hỏa tên lửa trong một cuộc tập trận gần đây
Trung Quốc từng triển khai tên lửa chống hạm Ỵ-62 tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa
Trung Quốc từng triển khai tên lửa chống hạm Ỵ-62 tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa

Theo dõi cụm tác chiến tàu sân bay trên biển trong chiến tranh lạnh là một nhiệm vụ khó khăn. Để thực hiện điều đó, Hải quân Liên Xô tạo ra một hệ thống giám sát đại dương mở rộng bao gồm các vệ tinh trinh sát biển radar, vệ tinh do thám tình báo đại dương điện tử, các tàu trinh sát trên bề mặt và các tàu tuần tra hàng hải. Những nền tảng này được sử dụng để tạo ra một “chuỗi ám sát”, mồi dữ liệu mục tiêu cho các máy bay tấn công Xô Viết và tàu ngầm có thể tấn công các tàu NATO bằng tên lửa hành trình chống tàu tầm xa (ASCM) và ngư lôi.

Nếu những điều trên đều có vẻ quen thuộc thì đó là vì hiện nay Trung Quốc đang cố gắng làm điều gì đó rất giống chiến lược chống tiếp cận của Liên Xô trước kia nhờ chương trình hiện đại hóa quân sự. Có vẻ như nước này đang cố tạo ra một pháo đài cho hạm đội tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo bằng cách xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, phát triển hệ thống thủy lôi tiên tiến trên biển, triển khai các hệ thống cảm biến dưới nước và đầu tư mạnh vào khả năng tác chiến chống tàu ngầm hiện đại.

Trung Quốc cũng phát triển một loạt các tên lửa đạn đạo chống hạm tầm xa (ASBM) và tên lửa hành trình chống hạm tầm xa để đe dọa lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương và hạn chế Mỹ tiếp cận khu vực ven biển Trung Quốc.

Theo Strategist, về ý tưởng giống nhau, chỉ có công nghệ mới thay đổi khía cạnh thực thi. Có điều sự phát triển công nghệ tên lửa và hệ thống trinh sát hàng hải đã khiến các hệ thống ASBM và ASCM của Trung Quốc chính xác hơn của Liên Xô trước đây. Và các vũ khí không gian mạng và các thiết bị không gian, những thứ trong Chiến tranh lạnh chỉ mới ở trong giai đoạn trứng nước, hiện đóng vai trò ngày càng quan trọng trong xung đột thời hiện đại.

Strategist kết luận, chiến lược chống tiếp cận của Trung Quốc có hiệu quả hay không là điều chỉ có thể nhận diện trong xung đột thực tế. Người ta vẫn chưa biết chiến lược chống tiếp cận của Liên Xô hiệu quả đến mức nào vì nó chưa từng được kiểm chứng qua thực chiến.