Trung Quốc thời ông Tập Cận Bình lấy "cảm hứng" từ tổng thống Putin?

VietTimes -- Những phân tích về sự tôn sùng cá nhân luôn so sánh ông Tập Cận Bình với nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông. Nhưng một số nhà quan sát phương Tây lại cho rằng có lẽ hình ảnh cá nhân của ông Tập có rất nhiều nét tương đồng với tổng thống Nga Vladimir Putin, chuyên trang địa chính trị RCL nhận định.
Theo Sohu News trong một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga Trung năm 2013, ông Tập Cận Bình đã nói với ông Putin rằng: "Tôi cảm thấy chúng ta có những tính cách tương đồng". Nhưng tính cách của họ không chỉ tương đồng mà sự tôn sùng ông Tập Cận Bình và những khẩu hiệu tuyên truyền quanh ông hầu hết có "cảm hứng" Putin với một sự khác biệt rất nhỏ.
Những quan sát này cho thấy sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc ngày nay và một sự kết hợp phong cách Putin với một đất nước Trung Quốc đang mạnh lên cả về kinh tế và quân sự có thể là một thách thức tiềm tàng.
Trung Quốc thời ông Tập Cận Bình lấy "cảm hứng" từ tổng thống Putin? ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình và chủ nghĩa dân tộc

Kể từ năm 1989, chủ nghĩa dân tộc trở thành nền móng của Trung Quốc chống lại những ảnh hưởng ngoài ý muốn. Nhưng chủ nghĩa dân tộc vẫn là một trong những hệ tư tưởng khó dự đoán và đầy tính cảm hứng. Có những rủi ro tiềm tàng trong việc quản lý đất nước khi nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc. Khi chủ nghĩa dân tộc được coi là ngọn nguồn của tính chính thống, việc không kiểm soát được tư tưởng của những người theo chủ nghĩa dân tộc có thể sẽ khiến họ có những hành động khó lường. 

Chủ nghĩa dân tộc đã được sử dụng để tạo nên các chính sách trong và ngoài nước, loại bỏ những rủi ro tiềm tàng bằng cách đưa đất nước Trung Quốc đi "gây sự" với những đất nước khác. Chẳng hạn với các sự việc đơn phương thiết lập vùng nhận diện phòng không trên khu vực quần đảo Sensaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) cùng việc xây dựng các cơ sở quân sự trái phép trên Biển Đông, xung đột dọc biên giới với Ấn Độ, cùng những chiến dịch gây sức ép với Hàn Quốc và Đài Loan cho thấy một nước Trung Quốc có vẻ thực dụng và có những hành động đầy tính toán. Nhưng thực ra đây lại là những quyết định đầy cảm hứng. Nhiều báo cáo cho thấy có rất nhiều chính sách được quyết định và chỉ đạo bởi một mình ông Tập Cận Bình.

Trung Quốc thời ông Tập Cận Bình lấy "cảm hứng" từ tổng thống Putin? ảnh 2Ông Tập Cận Bình chủ trương "Mỹ hóa" quân đội để biến quân đội Trung Quốc trở thành mạnh nhất thế giới.

Dù hầu hết các nhà bình luận quốc tế đều biết những ý tưởng về Trung Quốc của ông Tập Cận Bình là để tập trung quyền lực và tái cơ cấu hệ thống chính trị, rất nhiều người theo chủ nghĩa dân tộc thuần túy coi "giấc mơ Trung Hoa" của ông cũng là của chính bản thân họ. Những người theo chủ nghĩa dân tộc trước đây không hài lòng với những lãnh đạo ít năng lượng như ông Hồ Cẩm Đào giờ đã tìm thấy lãnh tụ Tập Cận Bình của họ.

Ông Tập Cận Bình không phải là một nhà cải cách, nhiều nhà bình luận vẫn chủ yếu so sánh ông với ông Mao Trạch Đông. Những so sánh này cho phép biện giải về triều đại mới của ông Tập. Nhưng một góc so sánh chính xác hơn và nguồn cảm hứng chính cho việc tôn sùng ông Tập Cận Bình có thể tìm thấy trong cách ông Putin làm cho người Nga tôn sùng.

Từ sự sụp đổ của Liên Xô cho tới quyền lực ông Putin

"Liên Xô của hôm nay sẽ là tương lai của chúng ta" - Đây là câu khẩu hiệu có từ 6 thập kỷ trước của Trung Quốc. Nó là nguồn cảm hứng và hoài bão của Mao Trạch Đông. Nhưng năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ đã cho Trung Quốc thấy một bi kịch cần phải tránh: Sự mất ổn định, hỗn loạn xã hội đối lập với sự ổn định và phát triển nhanh về kinh tế tại Trung Quốc trong những năm gần đây dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc (theo Nhân Dân Nhật Báo 12.12.2014).
Chỉ có sự trỗi dậy quyền lực của  tổng thống Nga Vladimir Putin và sự quay về với chủ nghĩa chuyên chính tạo ra danh tiếng về một Putin mạnh mẽ, một lãnh đạo có quyền quyết định - người tạo ra sự ổn định và phồn vinh cho dân tộc của mình đồng thời đứng lên chống lại phương Tây (theo Nhân Dân Nhật Báo 7.9.2005).
Trung Quốc thời ông Tập Cận Bình lấy "cảm hứng" từ tổng thống Putin? ảnh 3Ông Putin và ông Tập Cận Bình đều có những bài tuyên bố dài trên truyền hình.

Truyền thông Trung Quốc tường thuật về hậu khủng hoảng Liên Xô và quyền lực của ông Putin cho thấy tính hợp lý của việc quay lại sự chuyên chính. Nhưng truyền thông Trung Quốc đã gây ra các hiệu ứng không mong muốn với dư luận tại Trung Quốc. Những người theo chủ nghĩa dân tộc coi tổng thống Nga Putin là người đàn ông thực thụ, đứng lên chống lại phương Tây mạnh mẽ hơn các nhà lãnh đạo Trung Quốc (theo Hoàn cầu thời báo 11.1.2014, 7.3.2014 và 15.12.2017). Điều tra của Pew Global cho biết Trung Quốc là đất nước duy nhất trong 2 đất nước ngoài Nga có 54% (số người được hỏi) ủng hộ Putin (theo Pew Global 5.8.2015). Một điều tra khác của In Touch Today - trang tin tức online của Trung Quốc cho biết có tới 92% độc giả được hỏi ủng hộ Putin. 

Truyền thông Trung Quốc cũng tường thuật con đường của Nga hậu Liên Xô khi có ý định giải thích cho việc tiếp tục chủ nghĩa chuyên chính dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc đã gặp một hiệu ứng không mong muốn là việc gia tăng đòi hỏi các lãnh đạo đứng đầu đảng cũng phải cứng rắn và quyết đoán theo phong cách Putin. Và sự tôn sùng ông Tập Cận Bình kể từ năm 2012 đã đáp ứng đòi hỏi này.
Ông Tập Cận Bình phong cách Putin
Sự tập trung quyền lực chính trị của ông Tập Cận Bình và sự tôn sùng cá nhân ông cũng tương tự như ông Putin. Ông Putin đã đến với quyền lực ở thời điểm quyết định nhất, ông hứa gột rửa nước Nga sau cuộc khủng hoảng những năm 1990, chống lại tham nhũng và sự điều khiển của các tập đoàn đầu sỏ chính trị: khi tham nhũng không bị trừng trị sẽ chẳng có ai có nguồn cảm hứng cần thiết để trung thành với ông.
Ông Tập Cận Bình cũng có quyền lực ở thời điểm ông quyết tâm làm trong sạch đảng và lập lại trật tự với tuyên bố: "Tham nhũng sẽ làm sụp đổ đảng và đất nước". Quá trình này giúp việc tập trung quyền lực rất nhanh chóng: "trong khi tham nhũng tiêu diệt, mọi người trong đảng đều bày tỏ trung thành với ông Tập Cận Bình".
Sự tương đồng giữa hai lãnh đạo là họ đều chứng minh mình là những lãnh đạo mạnh mẽ. Qua truyền thông chúng ta có thể thấy sự giống nhau kỳ lạ về sự tôn sùng hai vị lãnh đạo này:
- Năm 2002, một bài hát "Một người đàn ông như Putin" nhanh chóng leo lên "top" các bảng xếp hạng của Nga. Bài hát nói về một cô gái than phiền về thói xấu của bạn trai và tự làm khuây khỏa với ý tưởng sẽ kiếm một người đàn ông giống Putin. Năm 2016, một bài hát có tên "Bạn hãy lấy một người đàn ông như Tập Cận Bình" cũng được hàng triệu lượt click trên mạng internet tại Trung Quốc. Lời bài hát có đoạn "Hãy lấy một người đàn ông như Tập Cận Bình. Một người đàn ông đầy kiêu hãnh với xương làm bằng thép".
- Tháng 12.2013, truyền thông Trung Quốc đưa tin về việc ông Tập Cận Bình đang ăn một bữa ăn với bánh bao nhỏ có giá 21 nhân dân tệ tại một nhà hàng địa phương. Năm 2006, giới truyền thông đưa tin ông Putin đang đứng một mình tại một góc phố thưởng thức cà phê và bánh ngọt tại Dresden, Đức.
- Ngày 26.12.2016, xuất hiện một bài hát ca ngợi ông Tập Cận Bình cũng gần tương tự với bài hát của Tajikistan ca ngợi vị lãnh đạo Nga với tiêu đề "VVP" - viết tắt tên của ông Putin.  
Trung Quốc thời ông Tập Cận Bình lấy "cảm hứng" từ tổng thống Putin? ảnh 4Một phóng viên nâng cao khẩu hiệu Papa Putin trong cuộc họp báo.

Tất cả những sự tôn sùng hai ông đều giống nhau: là người đàn ông đích thực mà phụ nữ muốn kết hôn, là người đàn ông của hành động và của nhân dân, những lãnh đạo được mọi tầng lớp nhân dân ưa thích. Đồng thời cũng có những điểm tương đồng của hai ông trong phong cách lãnh đạo:

- Ông Tập Cận Bình có những phát ngôn cứng rắn như của ông Putin.
- Cũng giống như ông Putin, ông Tập có những bài phát ngôn dài trên truyền hình.
- Hai ông đều là những chỉ huy lâu dài của đất nước.
- Ông Tập Cận Bình ủng hộ cho giải pháp con đường Trung Quốc phải chống lại ảnh hưởng của phương Tây giống như con đường nước Nga của Putin.
Mặc dù ông Tập Cận Bình được truyền thông nhắc tới là một lãnh đạo cần thiết, đúng thời điểm của Trung Quốc nhưng các chiến dịch tuyên truyền của ông đều có vẻ giống như của ông Putin với một sự thay đổi rất nhỏ mang tính Trung Quốc. 
Trung Quốc thời ông Tập Cận Bình lấy "cảm hứng" từ tổng thống Putin? ảnh 5Trung Quốc thường gây căng thẳng với các nước trong khu vực.

Để tiếp tục củng cố sự lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc với đất nước Trung Quốc, giới truyền thông nước này cần đưa ra nhu cầu về một lãnh đạo quyền lực "kiểu Putin". Sự tôn sùng ông Tập Cận Bình đã đáp ứng nhu cầu này. Những người theo tư tưởng dân tộc thuần túy đã giúp ông chiến thắng những bè phái tồn tại trong Đảng. Việc hiểu rõ liên hệ giữa sự tôn sùng ông Putin và ông Tập quan hệ mật thiết tới việc hiểu quan hệ của nhà nước với xã hội Trung Quốc và với thế giới. 

Đầu tiên, nghiên cứu mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội cho thấy có một cuộc tranh luận về phương thức đảng cộng sản Trung Quốc dẫn dắt đất nước thông qua những người theo khuynh hướng chính trị chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa dân tộc đang dần dần trở thành nguồn cảm hứng của những tuyên ngôn chính trị Trung Quốc.
Sự tôn sùng một lãnh đạo mạnh mẽ như ông Tập Cận Bình cho thấy có thể cả hai đều là sự thật. Một mặt, sự tôn sùng này chỉ rõ đáp ứng của nhà nước với nhu cầu cấp bách của những người theo chủ nghĩa dân tộc thuần túy. Không chỉ làm trong sạch hệ thống từ trên xuống dưới mà còn đáp ứng nhu cầu dư luận và cho phép các cá nhân có thể bày tỏ lòng trung thành với ông Tập Cận Bình trong đảng, xây dựng viễn cảnh về một lãnh đạo mạnh mẽ mà mọi người tìm kiếm. Nhưng việc đáp ứng dư luận luôn dựa trên mục đích có nhiều quyền lực chính trị hơn.
Trung Quốc thời ông Tập Cận Bình lấy "cảm hứng" từ tổng thống Putin? ảnh 6Đá Vành Khăn tại khu vực Trường Sa trên Biển Đông đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự kiên cố.

Thứ hai, phân tích này chỉ ra vì sao Trung Quốc gia tăng căng thẳng trong quan hệ với thế giới bên ngoài. Thông qua việc làm sạch hệ thống chính trị, chế ngự những phe cánh đối lập và tập trung quyền lực, chế độ của tổng thống Putin đã gia tăng các hành động quân sự như cuộc chiến Nga với Gruzia năm 2008 hay sự sáp nhập Crimea năm 2014. Mỗi chiến dịch quân sự đều nâng điểm của nhà lãnh đạo Nga trong mắt công chúng. Sự theo gương ông Putin của ông Tập Cận Bình dường như cũng vậy và làm cho các nước phải e ngại với những hành động can thiệp và leo thang của Trung Quốc trong khu vực.

Trái lại với những tuyên bố cứng rắn về mặt quân sự trong nhiều thập kỷ, hiện tại các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cho công chúng thấy họ thực dụng hơn. Một sự kết hợp giữa phong cách Putin cùng một nước Trung Quốc ngày càng mạnh về quân sự là một thách thức tiềm tàng. Ông Tập Cận Bình cùng con đường Putin với chủ nghĩa dân tộc đang nói lên "sự thực dụng" trong kỷ nguyên của ông Tập sẽ rất khác trước. Khu vực và thế giới sẽ phải chuẩn bị cho điều mà ông Tập Cận Bình gọi là "kỷ nguyên mới".