Trung Quốc tập trận quy mô "chưa từng có" nhằm vào ai?

VietTimes -- Đa Chiều cho rằng Trung Quốc tập trận trước phán quyết PCA không nhằm vào các nước có thực lực yếu hơn như Philippines và Việt Nam mà là nhằm vào "nước lớn ngoài khu vực có thể sẽ can dự" - tức Mỹ, Nhật.
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc.
Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc.

Đa Chiều ngày 4/7 có bài viết cho rằng trước thềm Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) công bố kết quả phán quyết, Trung Quốc tuyên bố sẽ tiến hành tập trận (bất hợp pháp) ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), hơn nữa cuộc tập trận này kéo dài đến một tuần, kết thúc một ngày trước khi PCA công bố phán quyết, ý đồ đối phó rất rõ ràng.

Nhằm thẳng vào Mỹ, Nhật?

Hơn nữa, quy mô cuộc tập trận này của Quân đội Trung Quốc là chưa từng có. Đa Chiều cho rằng đối tượng của cuộc tập trận lần này hoàn toàn không phải là bản thân trọng tài Biển Đông, cũng không phải là các nước có tranh chấp xung quanh có thực lực quân sự yếu hơn nhiều, mà là "nước lớn ngoài khu vực có thể sẽ can dự" - Đa Chiều nhận định.
 
Cục Hàng hải Trung Quốc ngày 4/7 thông báo Quân đội Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc tập trận từ ngày 5 đến ngày 11/7/2016. Nhìn vào các tọa độ do cơ quan này thông báo thì địa điểm cuộc tập trận gồm vùng biển phía đông đảo Hải Nam và vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Đối với vấn đề này, trong ngày 4/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng cho biết cuộc tập trận này của Quân đội Trung Quốc đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: "Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này”.

Trước đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc dẫn báo chí quốc tế cho biết, ngày 30/6, nhiều tàu chiến chủ lực của ba hạm đội lớn Hải quân Trung Quốc đã tập kết ở quân cảng Tam Á, đảo Hải Nam – cực nam Trung Quốc. 

Về vị trí địa lý, quân cảng Tam Á cách khu vực diễn tập rất gần, cộng với thời gian trùng hợp rất cao. Trong cuộc tập trận lần này có thể suy đoán ba hạm đội lớn Hải quân Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận ở toàn bộ vùng biển quần đảo Hoàng Sa, quy mô chưa từng có.

Điều trùng hợp là, ngày thứ hai kết thúc diễn tập của Quân đội Trung Quốc, cũng chính là ngày PCA công bố phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Quy mô như vậy cộng với thời điểm tập trận trùng hợp có thể khẳng định, cuộc tập trận lần này của Quân đội Trung Quốc không chỉ là "diễn tập thường niên, thường lệ" như Bắc Kinh nói, mà ở mức độ nào đó có thể coi là một hành động "chuẩn bị quân sự", một phản ứng của Trung Quốc. 

Hoạt động của Hải quân Mỹ

Hai cụm tấn công tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông (Ảnh tư liệu).
Hai cụm tấn công tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông (Ảnh tư liệu).

Như vậy, Trung Quốc tiến hành tập trận nhằm vào ai? Đa Chiều cho rằng rõ ràng đối tượng sẽ không phải là các nước có thực lực yếu hơn như Philippines và Việt Nam. Bởi vì, Đa Chiều cho là điều này không phù hợp với phương châm "láng giềng hữu nghị" mà Trung Quốc thường tuyên truyền.

Trong cùng thời gian, ở Tây Thái Bình Dương, hai cụm tấn công tàu sân bay Hải quân Mỹ đang sát cánh triển khai hành động. 

Một tuyên bố của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ có trụ sở ở Hawaii cho biết, các tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Ronald Reagan phối hợp với 6 tàu chiến khác, 140 máy bay và hơn 12.000 binh sĩ (hai cụm tấn công tàu sân bay) đang song hành ở phía đông Philippines. Kết hợp với cuộc tập trận trên biển liên hợp Mỹ - Philippines trước đó, tất cả đều đã rõ ràng.

Đúng như Thời báo Hoàn Cầu đánh giá: "Thông điệp diễn tập của hai cụm tấn công tàu sân bay Mỹ rất rõ ràng, thời cơ cũng được (Mỹ) cố tình lựa chọn". 

Xuất phát từ sự cân nhắc trên hai phương diện gồm chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương và ký kết hợp tác phòng thủ với nhiều nước chủ trương chủ quyền và quyền lợi biển ở Biển Đông, Mỹ luôn "đứng đằng sau" tranh chấp Biển Đông -- Đa Chiều bình luận.

Trong khi đó từ tháng 10/2015, tàu khu trục USS Lassen Mỹ đã đi vào vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo do Trung Quốc tiến hành xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông, tình hình đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông đã lập tức nóng lên. 

Đón đọc phần tiếp theo: Doãn Trác: Chiến tranh với các nước nhỏ ở Biển Đông, Bắc Kinh không cần dùng nhiều sức mạnh