Trung Quốc: Sử dụng công nghệ hiện đại làm sống lại chiến binh đất nung thời Tần

VietTimes - Một lập trình viên của Trung Quốc đã sử dụng công nghệ AI để làm sống lại những nhân vật lịch sử của Trung Quốc, trong đó có các chiến binh thời Tần, vua Chu Nguyên Chương và người đẹp Lâm Đại Ngọc.
Những khuôn mặt được làm sống lại trong video của lập trình viên Trung Quốc
Những khuôn mặt được làm sống lại trong video của lập trình viên Trung Quốc

Những chiến binh đất nung cổ đại của Trung Quốc có tuổi đời hơn 2000 năm. Bây giờ, chúng đã được làm sống lại nhờ công nghệ trí thông minh nhân tạo.

Một nhà lập trình game người Trung Quốc có tên là Hu Wengu đã sử dụng AI để tạo ra các khuôn mặt chuyển động thực tế của các nhân vật có thật cũng như các nhân vật hư cấu trong lịch sử Trung Quốc. Những nhân vật này được tái tạo dựa trên các bức tranh hoặc ảnh của các tác phẩm điêu khắc.

Một trong những hình ảnh được làm sống lại là của một chiến binh đất nung. Chúng ta không lạ gì các tượng chiến binh đất nung, có niên đại từ năm 221 đến 207 trước Công nguyên. Những bức tượng người lính này được chôn cùng với hoàng đế nhà Tần để bảo vệ ông ta ở thế giới bên kia.

Để tái tạo một khuôn mặt sống động cho người chiến binh, Hu Wengu đã sử dụng Photoshop để thay thế phần da mặt xỉn màu giống như kim loại ban đầu trên bức ảnh bằng màu da người. Sau đó anh sử dụng Artbreeder, một công cụ trực tuyến giúp tạo chân dung để tạo ra hình ảnh khuôn mặt thực tế cho chiến binh. Sau một số hiệu chỉnh nhỏ, Hu xử lý bức ảnh với thuật toán First Order Model để tạo hình ảnh động.

Kết quả là Hu đã tạo ra được hình ảnh sống của nhân vật. Nó đã gây ấn tượng mạnh với người xem, mặc dù một số chuyển động trên khuôn mặt chưa được mượt mà. Hu nói với truyền thông Trung Quốc rằng tỷ lệ thành công khi tạo những video này không cao lắm và anh đã từng thất bại nhiều lần. Anh đã dành 2 tháng để tạo ra video dài gần 4 phút trong thời gian rảnh rỗi.

Trong video của Hu, ngoài các chiến binh đất nung, anh còn tái tạo vị hoàng đế sáng lập nhà Minh là Chu Nguyên Chương (Zhu Yuanzhang). Anh cũng tái tạo một người đẹp trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng là Lâm Đại Ngọc (Lin Daiyu). Trong khi nhiều cư dân mạng cho biết họ vô cùng ngạc nhiên trước đoạn video, một số người lại cho rằng hình ảnh Lâm Đại Ngọc được tái tạo từ bức tranh phục chế năm 1988 bị làm đẹp quá mức, không đúng với vẻ đẹp quyến rũ ban đầu của cô.

Nhân vật Lâm Đại Ngọc trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng của nhà văn Tào Tuyết Cần
Nhân vật Lâm Đại Ngọc trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng của nhà văn Tào Tuyết Cần

Ngoài các công cụ kể trên, Hu cũng sử dụng các công cụ khác như Stylegan Art và Realistic Neural Talking Head Models để làm nhân vật trở nên sống động. Để làm cho chuyển động khuôn mặt mượt mà hơn, anh đã sử dụng thuật toán DAIN để bổ sung các khung hình nhân tạo. Công cụ Topaz Labs được dùng để làm sắc nét hình ảnh.

Hu từng sử dụng AI để khôi phục màu sắc cho những cảnh quay đen trắng về Bắc Kinh những năm 1920. Hu cho biết video của mình lấy cảm hứng từ YouTuber Denis Shiryaev – người đã biến Mona Lisa của Leonardo da Vinci, Thần vệ nữ của Sandro Botticelli và các bức tranh nổi tiếng khác thành những khuôn mặt chuyển động.