Tai họa khi vừa sạc vừa dùng điện thoại và cách phòng tránh hiệu quả

VietTimes – Khi xảy ra các vụ nổ smartphone, cơ quan chức năng xác định do vừa sạc vừa dùng điện thoại. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ sai lầm của người dùng.

Tai họa khi vừa sạc vừa dùng điện thoại và cách phòng tránh hiệu quả. Ảnh: Internet
Tai họa khi vừa sạc vừa dùng điện thoại và cách phòng tránh hiệu quả. Ảnh: Internet

Nhiều năm gần đây, các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng xảy ra nhiều vụ giật điện, cháy nổ vì sử dụng điện thoại khi đang cắm sạc. Tính riêng tại Việt Nam, hai năm gần đây đã có hàng loạt trường hợp điện thoại bị rò điện, cháy nổ trong lúc đang cắm sạc khiến người dùng tử vong.

Theo tờ Dân Trí, gần đây nhất là trường hợp xảy ra vào ngày 15/6 vừa qua tại huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình). Nạn nhân là anh Q.V.A (sinh năm 1993) tử vong vì vừa sạc điện thoại vừa dùng. Khi phát hiện, gia đình thấy trên tai nạn nhân vẫn còn đeo tai nghe, chiếc điện thoại bị nổ dính vào vùng ngực.

Đầu tháng 10/2019, tại huyện Đam Rông (Lâm Đồng), anh Phạm Thế T. (18 tuổi) tử vong bên cạnh chiếc điện thoại iPhone bị nổ, cháy xém. Cơ quan chức năng xác định nạn nhân vừa dùng điện thoại vừa sạc pin, điện thoại bất ngờ phát nổ khiến nạn nhân bị chấn thương nặng dẫn đến tử vong.

Ngoài các trường hợp tai nạn nổ điện thoại do dùng trong khi sạc dẫn đến tử vong còn có nhiều nạn nhân bị dập nát tay, tổn thương cơ thể.

Nguyên nhân sâu xa của các tai nạn này là do đâu?

Khi xảy ra các vụ nổ smartphone, cơ quan chức năng xác định do vừa sạc vừa dùng điện thoại. Tuy nhiên, theo tờ Helino, nguyên nhân sâu xa của các vụ tai nạn này bắt nguồn từ những sai lầm của người sử dụng như sử dụng bộ sạc hay pin không tương thích với dòng điện thoại. Vấn đề cũng phát sinh khi bộ sạc pin không đạt chuẩn, là hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.

Pin điện thoại bị phồng nhưng không được bảo trì, sửa chữa kịp thời là một trong những nguyên nhân khiến dễ dàng xảy ra cháy nổ. Ảnh: Internet
Pin điện thoại bị phồng nhưng không được bảo trì, sửa chữa kịp thời là một trong những nguyên nhân khiến dễ dàng xảy ra cháy nổ. Ảnh: Internet

Theo nghiên cứu của cơ quan Tiêu chuẩn Giao dịch (Trading Standards, Anh quốc), có tới 99% bộ sạc không đạt tiêu chuẩn của Apple được mua bán công khai trên internet, không đạt độ an toàn cơ bản. Thậm chí, hãng công nghệ Apple từng đâm đơn kiện chống lại những người bán hàng online sau khi tiết lộ có tới 90% bộ sạc iPhone bán trên trang Amazon là giả mạo.

Trên tờ Zing.vn, TS. Phùng Anh Tuấn - Phó trưởng bộ môn Thiết bị điện – điện tử Viện Điện - Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết khi dùng pin hay bộ sạc điện thoại không chuẩn thì theo thời gian pin sẽ bị phồng lên đến mức vượt qua giới hạn bền của vật liệu bọc pin và gây ra cháy nổ. Nếu người dùng đang sử dụng điện thoại thì nguy cơ gặp tai nạn càng cao do tiếp xúc gần.

Johnny Sin Kin-on, Giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông còn cho hay bộ sạc tiêu chuẩn sẽ làm biến áp từ nguồn điện dân dụng 220V thành điện áp từ 3 đến 5V ở đầu cắm sạc (tiếp xúc lỗ cắm sạc của điện thoại). Mức giới hạn điện áp có thể gây nguy hiểm cho con người là 36V nên bạn sẽ được an toàn với bộ sạc tiêu chuẩn.

Trong khi đó, với hàng nhái, hàng kém chất lượng thì đầu ra này có thể có điện áp lên tới 220V và vô cùng nguy hiểm cho người dùng.

Các giải pháp tránh nguy hiểm khi vừa sạc vừa dùng điện thoại

Dù các chuyên gia đã cảnh báo về tác hại và chỉ ra nguyên nhân sâu xa của việc vừa dùng điện thoại vừa sạc dễ gây cháy bổ, gây nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn có thói quen này. Thậm chí, trong trường hợp đặc biệt, nhiều người vẫn phải vừa sạc vừa dùng điện thoại. Vậy phải làm thế nào để giảm thiểu các rủi ro?

Để hạn chế cháy nổ hay rò rỉ điện gây nguy hiểm, bạn nên sử dụng pin và bộ sạc tương thích với dòng sản phẩm của mình. Ảnh: Internet
Để hạn chế cháy nổ hay rò rỉ điện gây nguy hiểm, bạn nên sử dụng pin và bộ sạc tương thích với dòng sản phẩm của mình. Ảnh: Internet

Theo Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC), để hạn chế cháy nổ hay rò rỉ điện gây nguy hiểm, bạn nên sử dụng pin và bộ sạc tương thích với dòng sản phẩm của mình. Đó phải là sản phẩm chính hãng có chất lượng, tránh mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng.

Nếu phải dùng pin hay bộ sạc thay thế, bạn cần đảm bảo chúng có trong danh sách được nhà sản xuất cho phép sử dụng để thay thế.

Để đảm bảo nguồn điện ổn định, bạn nên dùng thiết bị chống sốc điện (bộ bảo vệ tăng áp, thiết bị chống sét lan truyền Surge Protection Device - SPD) để hạn chế nguy cơ cháy nổ. Không nên đặt điện thoại trong ô tô, nơi có nhiệt độ cao để tránh hư hại đến pin; nên sạc pin ở nơi thoáng mát, có thể tạm gỡ ốp lưng, bao da, túi đựng... khi sạc.

Khi thấy điện thoại có dấu hiệu phồng lên, máy nóng bất thường khi sạc, bạn nên mang máy đi thay pin tại các trung tâm bảo hành, nơi cung cấp dịch vụ được hãng ủy quyền.

Trong trường hợp không có dấu hiệu bất thường về pin, bạn cũng nên thay pin sau một thời gian sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất để giảm nguy cơ phát nổ của điện thoại.

Để giữ an toàn cho bản thân, bạn không nên sử dụng thiết bị di động khi đang cắm sạc và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. Tốt nhất, bạn nên rút sạc pin trước khi chạm vào điện thoại để trả lời cuộc gọi hay tin nhắn.