|
Tàu lượn không người lái ngoài mục đích nghiên cứu khảo sát biển,còn được sử dụng như phương tiện tuần tra và vũ khí chiến đấu trên biển |
Tân Hoa xã cho biết, chiếc tàu lượn mới lập kỷ lục là loại Tàu lượn dưới nước tầm xa Hải Yến-L (Haiyan-L, số hiệu CHC03). Model tàu lượn này là hạng mục trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu phát triển công nghệ và trang bị biển sâu, do Đại học Thiên Tân và Phòng thực nghiệm thí điểm khoa học kỹ thuật hải dương Thanh Đảo phối hợp nghiên cứu chế tạo.
Được biết, chiếc tàu này đã được thu hồi an toàn hồi cuối tháng 11 tại phía bắc Biển Đông, hoàn thành một cách thuận lợi việc thử nghiệm trên biển giai đoạn giữa. Nó đã hoạt động liên tục không có trục trặc trong 141 ngày, độ sâu công tác lớn nhất là 1.010 mét, hành trình liên tục đạt 3.619,6km. Những thông số này phá sâu kỷ lục của một loại tàu lượn khác trước đó. Hồi nửa đầu năm nay, chiếc tàu Haiyan-L số hiệu CHC01 đã hoạt động liên tục 119 ngày, hành trình đạt 2.272,4km.
|
Tàu Haiyan-X đang được thả xuống biển.
|
Trong năm 2018, loại tàu lượn biển sâu Haiyan-X cũng đã tiến hành khảo sát thử ở khu vực phụ cận khe vực Mariana sâu nhất thế giới (10.971m) ở tây bắc Thái Bình Dương và được thu hồi thành công. Độ sâu cực đại mà tàu xuống được là 8.213m, lập kỷ lục thế giới về độ sâu tàu lượn dưới biển có thể xuống được.
|
Chiếc Haiyan-L đang hoạt động.
|
Tân Hoa xã cho biết, đội ngũ những người nghiên cứu trang thiết bị thông minh biển sâu của hai cơ quan trên đây được sự ủng hộ mạnh mẽ của các bộ, ủy ban, hiện đã có năng lực nghiên cứu, chế tạo và trợ giúp kỹ thuật một hệ thống các loại tàu lượn dưới biển mang tên Hải Yến có thể hoạt động tại các độ sâu 200m, 1.000m, 4.000m và 10.000m.Trong năm 2018, đội ngũ này đã cung cấp hơn 50 lượt tàu làm dịch vụ kỹ thuật cho 12 khách hàng trong cả nước, hoàn thành khảo sát 7.807 mặt cắt, giúp hoạt động dùng tàu lượn dưới biển để quan trắc, khảo sát của Trung Quốc trở nên thường xuyên.
|
Một số mẫu Haiyan trên tàu nghiên cứu.
|
Thời báo Hoàn cầu cho biết, tàu lượn không người lái dưới nước do các kỹ sư trường Đại học Thiên Tân Trung Quốc phát triển mang tên Hải Yến được biết đã hoàn thành cuộc thử nghiệm đầu tiên hồi tháng 6.2014 tại khu vực phía bắc Biển Đông. Báo này viết, Hải Yến có thể sẽ trở thành thiết bị tuần tra hay vũ khí chiến đấu dưới nước thế hệ mới của Hải quân Trung Quốc. Hải Yến được ví như “một con cá mập dưới biển, có nhiệm vụ bảo vệ các tàu và các giàn khoan của Trung Quốc”.
|
Lắp ráp Haiyan trong phân xưởng chế tạo.
|
Thiết bị không người lái dưới nước Hải Yến, hay còn gọi tắt là AUV sử dụng công nghệ động cơ đẩy dưới nước mới nhất, có thể hoạt động liên tục dưới nước dài ngày với tốc độ 6km/h. Hình dáng Hải Yến gần giống quả ngư lôi, dài 1,8m, đường kính 0,3m, nặng khoảng 70kg.
Hải Yến còn có thể được sử dụng như một vũ khí tác chiến và có thể sẽ được sản xuất hàng loạt. Phương tiện không người lái dưới nước này được trang bị thiết bị cảm biến, có thể thăm dò phát hiện các người nhái, thủy lôi, tàu ngầm đối phương từ khoảng cách xa. Do đó, năng lực chống ngầm của Hải quân Trung Quốc cũng được tăng cao. Ngoài ra, loại thiết bị này còn thể mang theo vũ khí nên có thể sử dụng cho các nhiệm vụ cả bảo vệ lẫn tấn công.
|
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin về tàu Haiyan lập kỷ lục mới.
|
Trung Quốc không giấu giếm mục đích nghiên cứu chế tạo loại thiết bị tàu lượn không người lái dưới nước là nhằm đối phó với Việt Nam ở Biển Đông. Mạng China.com hồi tháng 7.2014 đã dăng bài “PLA dùng người máy chiến đấu để săn người nhái Việt Nam, bảo vệ giàn khoan dầu”. Báo này viết, Trung Quốc đã chỉ trích Việt Nam đưa người nhái tới vùng biển tranh chấp thả nhiều vật cản như lưới bắt cá, vật trôi nổi để cản trở tàu thuyền Trung Quốc. Tới đây, các phiên bản Hải Yến vũ trang xuất hiện sẽ triệt để vô hiệu hóa chiến thuật dùng người nhái cản trở của Việt Nam. Các tàu Hải Yến chiến đấu không người lái này sẽ tuần tra xung quanh giàn khoan như đàn cá mập. Nếu phát hiện thấy người nhái Việt Nam đến gần, nó sẽ tự động triển khai tấn công (!?).