Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 sắp đi đến hồi kết (Ảnh: Getty)
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 sắp đi đến hồi kết (Ảnh: Getty)

E-magazine Những điều cần biết về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuộc đua vào Nhà Trắng 2024 giữa hai ứng cử viên nổi bật bà Kamala Harris và ông Donald Trump đang dần đi đến hồi kết.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 60 đang dần đến hồi kết, người dân sẽ lựa chọn ra tổng thống và phó tổng thống mà mình mong muốn. Không chỉ với Mỹ, đây là cuộc bầu cử quan trọng toàn thế giới bởi ngoài sự ảnh hưởng đến cục diện nước Mỹ trong những năm tiếp theo, nó có những tác động và ảnh hưởng mang tính toàn cầu.

Cuộc chạy đua vào nhà trắng năm nay được các chính khách chi số tiền khổng lồ vào các chiến dịch, quảng cáo từ truyền hình, báo chí, đến các nền tảng trực tuyến và podcast.

Đây là bước chuyển mới về công cụ truyền thông với sự nổi lên của podcast như một kênh vận động đặc biệt hiệu quả. Đáng chú ý nhất là chiến lược của ông Donald Trump khi chủ động tránh các phương tiện truyền thông chính thống nhưng tích cực xuất hiện trong các podcast đa dạng từ thể thao đến hài kịch, thu hút hơn 50 triệu lượt xem chỉ tính riêng trên YouTube.

du-doan-bau-cu-8044.jpg
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa Donald Trump và Kamala Harris sẽ là cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ (Ảnh: Sohu)

Người dân Mỹ đi bỏ phiếu như thế nào?

Khái niệm “ngày bầu cử” giờ đây dường như đã lỗi thời khi hàng chục triệu người Mỹ đã lựa chọn bỏ phiếu sớm, qua thư hoặc trực tiếp, để tránh cảnh xếp hàng dài, thời tiết xấu hay những bất tiện khác. Theo các quan chức tiểu bang, ngày bỏ phiếu sớm đầu tiên ở Georgia đã phá kỷ lục. Tại Wisconsin, hơn 97.000 người đã tham gia bỏ phiếu ngay trong ngày đầu tiên, một con số chưa từng có tiền lệ.

Trong cuộc bầu cử năm 2020, khi cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, đảng Dân chủ khuyến khích mọi người bỏ phiếu qua thư để tránh tiếp xúc, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, ông Trump tuyên bố hình thức bầu cử này sẽ khiến kết quả không đảm bảo được tính công khai, minh bạch.

121343-6307.png
Ông Donald Trump trong cuộc phỏng vấn tại Glendale, Arizona (Ảnh: Rolling Stone)

Theo Hội nghị Quốc gia các Cơ quan Lập pháp Tiểu bang cho biết, ngoại trừ Alabama, Mississippi và New Hampshire, tất cả các tiểu bang đều cho cử tri bỏ phiếu trực tiếp tại một địa điểm bỏ phiếu trước ngày bầu cử.

Hầu hết các tiểu bang sẽ kiểm phiếu vào ngày bầu cử và yêu cầu quan chức phải đợi cho đến khi bắt đầu kiểm phiếu. Một số tiểu bang cung cấp một phiên bản bỏ phiếu sớm được gọi là bỏ phiếu vắng mặt trực tiếp, trong đó cử tri có thể lấy và nộp phiếu vắng mặt trực tiếp tại địa điểm bỏ phiếu trước ngày bầu cử.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 gồm hai loại phiếu là phiếu bầu trực tiếp tại các điểm bỏ phiếu trong ngày bầu cử và phiếu bầu vắng mặt hoặc được gửi qua đường bưu điện.

Do quá trình kiểm đếm phiếu bầu qua thư rất tốn thời gian nên không loại trừ khả năng sau ngày bầu cử 5/11, nước Mỹ phải chờ đợi thêm nhiều ngày để xác định vị Tổng thống mới.

Con đường dẫn đến chiến thắng là gì?

Thể thức bầu cử ở Mỹ quy định cử tri không bầu trực tiếp Tổng thống mà chỉ bầu đại cử tri tại tiểu bang mình cư trú, trong khi việc bầu Tổng thống sẽ thuộc về trách nhiệm của cử tri đoàn gồm 538 người, còn gọi là các đại cử tri.

Để trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ trong cuộc bầu cử năm nay, ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa hoặc ứng cử viên Kamala Harris của Đảng Dân chủ phải đạt được ít nhất 270/538 phiếu đại cử tri.

Thực tế cho thấy, hầu hết tiểu bang ở Mỹ có truyền thống nghiêng hẳn về đảng Dân chủ hoặc đảng Cộng hòa. Do đó, kết quả bầu cử tổng thống thường được quyết định dựa trên kết quả ở các bang mà cả hai đảng không nắm chắc phần thắng, còn gọi là bang chiến trường.

1-8299.png
Phó Tổng thống Kamala Harris (Ảnh: CNBC)

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay có 7 bang chiến trường với số phiếu đại cử tri lớn, bao gồm: Arizona (11 phiếu), Georgia (16 phiếu), Michigan (15 phiếu), Nevada (6 phiếu), North Carolina (16 phiếu), Pennsylvania (19 phiếu) và Wisconsin (10 phiếu). Đây được dự đoán là các bang đóng vai trò “chìa khóa” để mở cánh cửa vào Nhà Trắng, nói cách khác là quyết định ông Donald Trump hay bà Kamala Harris sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.

Pennsylvania, nơi có 19 phiếu bầu của đại cử tri đoàn, là đơn vị cuối cùng và là tâm điểm của nhiều chiến dịch. Tuy nhiên, càng gần ngày bầu cử thì các cuộc thăm dò dư luận càng cho thấy sự cạnh tranh gay gắt giữa hai ứng cử viên tại các bang quan trọng này. Cùng với Michigan và Wisconsin, nó tạo thành một "bức tường xanh" mà Barack Obama đã thắng, Hillary Clinton thua và Joe Biden đã thắng. Trump đang nhắm mục tiêu vào các cử tri khu vực nông thôn; Harris đang nhắm đến các cử tri da ở các thành phố lớn.

Trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ, sự phân cực chính trị phản ánh rõ nét qua từng cuộc bầu cử và ngày càng trở nên sâu sắc. Từ những tranh cãi gay gắt về kết quả bầu cử năm 2000 giữa ông George W. Bush và ông Al Gore, đến cuộc bầu cử 2020 với các cáo buộc gian lận và vụ tấn công điện Capitol ngày 6/1/2021, mức độ chia rẽ trong xã hội Mỹ đã lên đến mức báo động, thể hiện qua khảo sát của Viện chính trị và dịch vụ công Georgetown sau bầu cử giữa kỳ 2022 với điểm số 71/100 về mức độ chia rẽ chính trị.

untitled-3754.png
Hai ứng viên đều tập trung vào các vấn đề chính sách đang được người dân quan tâm (Ảnh: Reuters)

Những chính sách được quan tâm

Phá thai: Đây là cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên kể từ khi Tòa án Tối cao lật ngược phán quyết lịch sử vụ kiện Roe và Wade năm 1973, vốn công nhận quyền phá thai theo Hiến pháp. Sau quyết định này, nhiều bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo đã ban hành lệnh cấm phá thai.

Phó Tổng thống Harris đã biến quyền sinh sản và tự do cá nhân thành lời kêu gọi mạnh mẽ, thúc đẩy luật liên bang để bảo vệ quyền tiếp cận phá thai an toàn. Ngược lại, cựu Tổng thống Trump chật vật định hình lập trường, cho rằng đây là vấn đề của các bang và gần đây đã loại trừ ý tưởng cấm phá thai ở cấp quốc gia.

Trong cuộc bầu cử này, 10 bang sẽ bỏ phiếu về việc sửa đổi Hiến pháp bảo vệ hoặc mở rộng quyền phá thai, tạo động lực để đảng Dân chủ hy vọng tăng cường tỷ lệ cử tri đi bầu.

Nền dân chủ: Ứng viên đảng Dân chủ cảnh báo ông Trump là mối đe dọa đối với nền dân chủ, nhấn mạnh vai trò của ông trong cuộc nổi dậy ngày 6/1/2021 và cáo buộc ông có ý định trở thành nhà độc tài. Bà Harris còn gọi ông Trump là "kẻ phát xít" và ngay lập tức nhận lời đáp trả.

Ông Trump cho rằng điều bà Harris nói không có bằng chứng, vị Phó Tổng thống mới là mối đe dọa với các cáo buộc kiểm duyệt trực tuyến và các vụ án chống lại ông. Cựu Tổng thống Donald Trump từ chối cam kết chấp nhận kết quả bầu cử 2024.

Kinh tế. Tạp chí The Economist cho biết nền kinh tế Mỹ như một tượng đài khiến các nước khác thèm muốn. Dù kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát ổn định, ông Biden và bà Harris vẫn bị ông Trump dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận.

Kế hoạch kinh tế của bà Harris nhấn mạnh vào việc giảm thuế cho hầu hết người dân, cấm tăng giá bất hợp lý, phát triển nhà ở giá rẻ, mở rộng tín dụng thuế trẻ em, và thúc đẩy sản xuất nội địa. Về phía Trump, ông cam kết giảm thuế, đánh thuế mạnh lên hàng nhập khẩu, bảo vệ an sinh xã hội và chương trình chăm sóc y tế Medicare.

Nhập cư. Đây là vấn đề định hình trong các chiến dịch tranh cử của ông Trump, kể từ khi ông khởi động cuộc tranh cử Tổng thống đầu tiên của mình vào tháng 6/2015.

Lần này, dù số người qua biên giới đã giảm về mức năm 2020, nhưng ông Trump vẫn cam kết sẽ thực hiện "hoạt động trục xuất lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ". Ông còn dùng ngôn từ gây tranh cãi khi gọi những người nhập cư không có giấy tờ là "động vật", mang "gen xấu" và "đầu độc máu của đất nước".

Còn với bà Harris đã chuyển sang trung tâm về vấn đề này, nhấn mạnh sự ủng hộ của cô ấy đối với một đề xuất lưỡng đảng tại Quốc hội sẽ thuê hàng ngàn nhân viên an ninh biên giới mới và đóng cửa biên giới nếu các cửa khẩu trung bình hơn 5.000 người/ngày hàng tuần.

333.png
Cử tri đi bỏ phiếu sớm ở một số bang của nước Mỹ (Ảnh: Reuters)

"Exit poll" là gì? Có được thực hiện ở Mỹ?

Các cuộc thăm dò ý kiến ngay sau khi cử tri rời phòng bỏ phiếu, còn được gọi là "exit poll".

Các mạng tin tức lớn như CNN, ABC và Fox News sử dụng chúng để đưa ra các dự đoán ban đầu về khả năng chiến thắng của các ứng viên, mặc dù những dự đoán này có thể được thay đổi từ số phiếu bầu thực tế. Các phương tiện truyền thông không công bố dữ liệu thăm dò ý kiến trước khi tất cả các điểm bỏ phiếu đã đóng cửa để tránh ảnh hưởng đến những người vẫn đang bỏ phiếu.

Cử tri rời khỏi các điểm bỏ phiếu được yêu cầu tự nguyện hoàn thành bảng câu hỏi ẩn danh bao gồm ứng cử viên mà họ đã bỏ phiếu, các vấn đề chính và thông tin nhân khẩu học. Những người phỏng vấn thường gọi điện thoại để xem kết quả 3 lần/ngày.

Dữ liệu thăm dò ý kiến sẽ được chuyên gia phân tích nhanh chóng để tạo ra thông tin chi tiết về cơ sở cử tri, chẳng hạn như ai đang giành chiến thắng trong các nhóm nhân khẩu học nhất định.

Các cuộc thăm dò ý kiến bao gồm các cử tri vắng mặt được thực hiện qua các cuộc khảo sát trên điện thoại, văn bản và email. Ở các tiểu bang có tỷ lệ cử tri bỏ phiếu trực tiếp sớm cao, các cuộc thăm dò kiểu này được thực hiện vài tuần trước ngày bầu cử khi những cử tri này rời khỏi địa điểm bỏ phiếu. Kết quả sau đó được kết hợp với dữ liệu từ ngày bầu cử.

Khi nào Tổng thống mới được xướng tên?

Trang tin AP thường dự đoán người chiến thắng vào đêm bầu cử dựa trên phân tích số phiếu bầu đã được kiểm, số phiếu bầu nổi bật và tỷ lệ chênh lệch giữa các ứng cử viên. Tỷ lệ chính xác trang tin này đưa ra lên đến gần như tuyệt đối, với 99,9%. Ứng cử viên thua cuộc thường thừa nhận kết quả vào sáng sớm hôm sau, báo hiệu rằng cuộc đua đã kết thúc.

Tuy nhiên, theo đúng quy trình kiểm kê phiếu chính thức, các quan chức địa phương hoàn thành việc kiểm phiếu trong những ngày sau cuộc bầu cử và gửi kết quả cho các quan chức bang. Họ phê duyệt kết quả và gửi chúng cho các quan chức liên bang. Mỗi tiểu bang phải nêu tên các cá nhân được gọi là cử tri trước ngày 11/12, họ phải có mặt tại thủ đô tiểu bang tương ứng để bỏ phiếu cho Tổng thống và Phó Tổng thống vào ngày 17/12.

Vào ngày 6/1/2025, Hạ viện và Thượng viện sẽ kiểm đếm phiếu bầu cử trong một phiên họp chung. Phó Tổng thống đóng vai trò là Chủ tịch Thượng viện và chính thức chủ trì việc tiếp nhận và kiểm phiếu bầu cử và công bố kết quả. Trong trường hợp này, bà Harris sẽ tuyên bố chiến thắng hoặc thất bại của chính mình.

Các cuộc bầu cử có thể mang lại một số thù lao lớn cho luật sư. Vào ngày 7/11/2000, ứng viên đảng Cộng hòa George W Bush và đảng Dân chủ Al Gore tranh cử, nhưng kết quả phải đến tận ngày 12/12 mới được công bố. Mọi con mắt đều đổ dồn vào Florida, nơi các phiếu bầu được kiểm lại tự động vì kết quả quá sít sao. Tranh chấp đã lan đến tòa án tối cao, nơi các thẩm phán đã bỏ phiếu chấm dứt việc kiểm phiếu lại, khiến ông Al Gore phải thừa nhận thất bại.

Thời điểm các Tổng thống đắc cử sẽ thành lập một tổ chuyên biệt để lên kế hoạch chuyển giao quyền lực. Hội đồng chuyên biệt này sẽ thực hiện việc thiết lập các ưu tiên chính sách, kiểm tra các ứng cử viên cho các vị trí quản lý chủ chốt và phối hợp với chính quyền sắp hết nhiệm kỳ. Tổng thống đắc cử và các thành viên chủ chốt trong nhóm bắt đầu nhận được các cuộc họp giao ban an ninh quốc gia để chuẩn bị xử lý các mối đe dọa toàn cầu đang diễn ra hoặc mới nổi.

Với tỷ lệ ủng hộ sát nhau như hiện nay, chưa biết chừng sự thành bại của hai ứng cử viên sẽ được quyết định chỉ bằng vài lá phiếu, thậm chí là những lá phiếu cuối cùng được kiểm đếm. Điều đó lý giải vì sao bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 được dự báo là một trong những cuộc cạnh tranh gay cấn nhất trong lịch sử chính trường Mỹ thời hiện đại.

Tổng thống đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức vào lúc 12 giờ trưa ngày 20/1/2025 tại Đồi Capitol, Mỹ.

Tổng thống hết nhiệm kỳ thường tham dự lễ nhậm chức như một biểu tượng của việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Tổng thống mới bắt đầu làm việc ngay lập tức, thực hiện ban hành một loạt các sắc lệnh hành pháp để đảo ngược hoặc tiếp tục một số chính sách nhất định và tổ chức các cuộc họp với nhóm của họ.

Theo The Guardian