Trung Quốc phóng 6 tên lửa “Sát thủ tàu sân bay” ra Biển Đông để dằn mặt Mỹ?

VietTimes-- Biển Đông một lần nữa trở thành nơi đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ. Trước điều mà Trung Quốc cho rằng sự leo thang trong hoạt động trên Biển Đông núp bóng “tự do hàng hải” của quân đội Mỹ, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã “buộc phải không thể kiên nhẫn thêm”, lần đầu tiên phô trương thứ vũ khí giết người đáng sợ ở Biển Đông. Giống như trong cuộc chiến thương mại, Bắc Kinh cũng đã bắt đầu ra tay “phản kích” Washington trong lĩnh vực quốc phòng.
Hành động phóng 6 tên lửa đạn đạo từ lục địa Trung Quốc ra Biển Đông được coi là để dằn mặt Mỹ. Ảnh: Tên lửa đạn đạo Trung Quốc trong một cuộc diễn tập
Hành động phóng 6 tên lửa đạn đạo từ lục địa Trung Quốc ra Biển Đông được coi là để dằn mặt Mỹ. Ảnh: Tên lửa đạn đạo Trung Quốc trong một cuộc diễn tập

Sự kiện quân đội Trung Quốc thiết lập một khu vực cấm rộng lớn ở trung tâm Biển Đông để huấn luyện quân sự vẫn đang thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế. Sau khi cơ quan tình báo quân đội Mỹ xác nhận quân đội Trung Quốc tiến hành một cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo chống hạm trong khu vực biển cấm; Đài truyền hình NHK của Nhật ngày 4 tháng 7 đã tiết lộ thêm các thông tin về nội tình sự kiện. Bản tin dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, quân đội Trung Quốc đã phóng cả thảy 6 quả tên lửa đạn đạo từ nội địa Trung Quốc ra Biển Đông vào ngày 30 tháng 6, nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên Trung Quốc phóng tên lửa từ lục địa ra Biển Đông. Quân đội Mỹ hiện đang phân tích kiểu loại các tên lửa đã phóng.

Đối với vụ phóng này, Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó đã thể hiện thái độ, nói động thái này rất đáng lo ngại và Trung Quốc đã vi phạm cam kết không quân sự hóa Biển Đông. Mỹ cũng tuyên bố rằng việc Trung Quốc phóng tên lửa vào Biển Đông đã đe dọa đến an ninh của các quốc gia xung quanh. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 3/7 cho biết họ muốn nhắc nhở thế giới bên ngoài rằng chính Mỹ đã đưa tàu sân bay tới Biển Đông. Theo Bắc Kinh, “rốt cục ai đang quân sự hóa, ai đang gây nên sóng gió ở Biển Đông thì cộng đồng quốc tế đều thấy rõ”.

Ông Tập Cận Bình thăm một căn cứ tên lửa chiến lược
Ông Tập Cận Bình thăm một căn cứ tên lửa chiến lược

Trung – Mỹ đọ sức ở Biển Đông, Bắc Kinh không nhẫn nhịn nữa

Đối với lần phóng tên lửa đạn đạo lần này, các nhà phân tích thời cuộc thông thạo việc triển khai của quân đội Trung Quốc nói rằng động thái này được thực hiện bởi Lực tượng tên lửa chiến lược của PLA, địa điểm phóng có thể từ vùng núi Quý Châu và Chiết Giang. Kiểu loại tên lửa được phóng là Đông Phong-21D (DF-21D) và Đông Phong-26 (DF-26). Cả hai loại tên lửa này đã xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc diễu binh vào Ngày Chiến thắng năm 2015. Chúng đều có khả năng tấn công chính xác các tàu cỡ lớn và trung bình trên biển.

Vấn đề là, tại sao quân đội Trung Quốc lại lần đầu tiên phóng tên lửa “Sát thủ tàu sân bay” DF-21D hoặc DF-26 ra Biển Đông vào thời điểm này? Các nhà quan sát chỉ ra rằng xét từ thái độ của Bắc Kinh, giống như việc sử dụng đậu tương, đất hiếm chống lại Mỹ và phát động chiến tranh dư luận trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, quân đội Trung Quốc đã nhận được chỉ đạo từ giới lãnh đạo cấp cao của Quân ủy, không chọn cách nhẫn nhịn trước người Mỹ nữa.

Tên lửa DF-21D "Sát thủ tàu sân bay"
Tên lửa DF-21D "Sát thủ tàu sân bay"

Nguyên nhân trực tiếp nhất của việc không nhẫn nhịn là siêu tàu sân bay “Ronald Reagan” của Mỹ và chiếc tàu đổ bộ trực thăng “Izumo” của Nhật Bản đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự chung trong một thời gian dài ở Biển Đông. Và đây chỉ là một phần nhỏ trong hành động “tự do hàng hải” do Mỹ tuyên bố. Kể từ sau năm 2017, các hành động tuần tra định kỳ hóa của quân đội Mỹ ở Biển Đông đã không ngừng gia tăng.

Năm 2018, Mỹ đã tăng đáng kể tần suất và cường độ của các hành động tự do hàng hải, về cơ bản duy trì tần suất 8 tuần một lần, lại còn cơ động với tốc độ cao, huấn luyện diễn tập và các hoạt động có tính kích động khác trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã chiếm giữ và tôn tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Dữ liệu cho thấy năm 2018, quân đội Mỹ lần lượt đưa 4 biên đội tàu sân bay tấn công, 4 nhóm tàu đổ bộ và  nhiều tàu ngầm hạt nhân và 30 lượt chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52H để thực hiện các hoạt động răn đe chiến lược ở Biển Đông.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, hiện nay tình hình tranh chấp Biển Đông  giữa Trung Quốc với các nước láng giềng đã tạm thời được gác lại, mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định và hòa bình ở Biển Đông đến từ Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Điều này có thể thấy được từ phản ứng của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Bộ Tư lệnh chiến trường phía Nam của PLA về sự có mặt của tàu chiến Mỹ vào vùng lãnh hải của các bãi đá trên Biển Đông mà Trung Quốc nhận là của họ.

Tàu sân bay "Ronald Reagan" của Mỹ và tàu chở trực thăng "Izumo" của Nhật phối hợp huấn luyện trên Biển Đông được cho là nguyên nhân trực tiếp khiến Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo ra Biển Đông
Tàu sân bay "Ronald Reagan" của Mỹ và tàu chở trực thăng "Izumo" của Nhật phối hợp huấn luyện trên Biển Đông được cho là nguyên nhân trực tiếp khiến Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo ra Biển Đông

Vì sao Trung Quốc tung ra loại tên lửa “sát thủ tàu sân bay”?

Trên thực tế, để thực hiện đều mà họ gọi là “duy trì sự ổn định” ở Biển Đông và tăng cường yêu sách chủ quyền đối với các đảo và rạn san hô, Trung Quốc gần đây đã tích cực triển khai lực lượng quân sự ở Biển Đông - mặc dù điều này thường xuyên bị dư luận quốc tế chỉ trích là quân sự hóa Biển Đông. Một trong những hành động đó là thực hiện các hoạt động lấp biển tạo đảo nhân tạo quy mô lớn và xây dựng các đường băng mang sắc thái quân sự cho máy bay loại lớn và bến cảng; sau đó đến lượt đưa các máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và tàu tên lửa đến.

Thứ hai là lực lượng hải quân, không quân và cảnh sát biển Trung Quốc đã thiết lập một chế độ tuần tra định kỳ ở Biển Đông. Loại máy bay ném bom chiến lược H-6K của không quân đã bay qua các đảo, bãi  tranh chấp như Scaborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) và James Shoal (Trung Quốc gọi là Bãi ngầm Tăng Mẫu). Hải quân và Cảnh sát biển Trung Quốc đã cho tàu tấn công các tàu cá của nước khác và bám đuôi theo dõi tàu của bên thứ ba...

Thứ ba là tiến hành các cuộc diễn tập quy mô lớn để đối phó với các trường hợp khẩn cấp. Vào tháng 7 năm 2016, để đối phó với vụ kiện trọng tài Biển Đông và các tàu Hải quân Mỹ hoạt động trên Biển Đông; 4 viên Thượng tướng của 3 quân chủng PLA đã chủ trì một cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn ở Biển Đông. Vào thời điểm đó, hàng chục tên lửa đạn đạo của quân chủng Tên lửa chiến lược cũng đã ở trong trạng thái chờ lệnh phóng.

Mặc dù những động thái này của quân đội Trung Quốc có thể dọa được các nước xung quanh Biển Đông, nhưng đối với quân đội Mỹ có lợi thế hơn rõ ràng, thì ngay cả khi biên đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc lần đầu tiên tuần tra Biển Đông vào giữa tháng 6, thì những động thái này của quân đội Trung Quốc cũng không đủ để hù dọa người Mỹ bởi vì khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ trong lực lượng thông thường vẫn còn rất lớn. Do đó, Bắc Kinh mới tung ra một ưu thế bất đối xứng – đó là các tên lửa đạn đạo chống hạm có khả năng phá hủy các tàu lớn và vừa của Mỹ, bao gồm cả siêu tàu sân bay.

Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 của Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 của Trung Quốc

Đây cũng là ưu thế của Trung Quốc mà người Mỹ lo lắng, bởi vì các báo cáo không được công khai cho thấy Hải quân Mỹ cuối cùng đã khuất phục trước mối đe dọa của các tên lửa đạn đạo chống hạm Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Hoàng Hải năm 2010 và cuộc khủng hoảng Biển Đông 2016, nhờ đó tình hình đã lắng xuống. Lần này, việc Trung Quốc thừa nhận huấn luyện phóng tên lửa ở Biển Đông đã khiến thế giới bên ngoài nhận thức được quyết tâm của Bắc Kinh để duy trì sự ổn định ở Biển Đông theo ý họ.

Tuy nhiên, cuộc đọ sức nói trên giữa Trung Quốc và Mỹ đã phá vỡ sự bình yên tạm thời của Biển Đông. Còn việc Trung Quốc sẽ đối phó ra sao với những thách thức của quân đội Mỹ trong tương lai? làm thế nào để xoa dịu sự lo ngại của các quốc gia xung quanh Biển Đông và làm thế nào duy trì sự an toàn của “Con đường tơ lụa trên biển” và “mạch sống trên biển” cũng rất đáng được chú ý./.