Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 26/10 dẫn nguồn tin từ giới hàng không Nga tiết lộ Công ty xuất khẩu sản phẩm quốc phòng Nga (Rosoboronexport) gần đây đã ký kết với Trung Quốc một hợp đồng mới xuất khẩu cho Trung Quốc các động cơ AL-31 và D-30. Bắc Kinh sẽ nhận được khoảng 100 chiếc cho mỗi loại động cơ nêu trên trong 3 năm tới.
Theo tính toán của Konstantin Makiyenko, Phó chủ nhiệm Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga, hợp động quy mô như vậy thì kim ngạch sẽ đạt tới khoảng 1 tỷ USD. Riêng đơn giá của động cơ AL-31 đã trên 5 triệu USD, trong khi động cơ D-30 sẽ không thấp hơn. Rosoboronexport từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này.
Từ năm 2010, Trung Quốc bắt đầu mua sắm động cơ phản lực D-30. Theo tuyên bố chính thức của tổ hợp nghiên cứu, sản xuất NPO Saturn Nga, tổng số lượng xuất khẩu cho Trung Quốc của họ đã lên tới 239 chiếc.
Động cơ này được lắp cho máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc. Trong khi đó, H-6K là phiên bản cải tiến mới nhất của máy bay ném bom Tu-16 do Liên Xô đưa ra vào thập niên 1950, là máy bay ném bom tầm xa tự chế duy nhất có thể lắp tên lửa hành trình hiện nay của Trung Quốc.
Ngoài ra, động cơ D-30 Nga còn được lắp cho máy bay vận tải tầm xa Y-20 Trung Quốc. Loại máy bay này do Cục thiết kế Antonov Ukraine hỗ trợ nghiên cứu phát triển, "tiếp cận" với máy bay vận tải IL-76 của Nga về thông số tính năng.
Từ năm 1992 đến nay, Nga xuất khẩu cho Trung Quốc tổng cộng 273 máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30, trong đó 105 máy bay chiến đấu Su-27 được lắp ráp ở Trung Quốc theo giấy phép của Nga.
Từ thập niên 1990 trở đi, Nga bắt đầu cung cấp động cơ AL-30 cho Trung Quốc, ban đầu lắp trên các máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30.
Từ năm 2000 trở đi, chúng cũng bắt đầu lắp cho máy bay chiến đấu J-10, loại máy bay do Trung Quốc tự sản xuất.
Đồng thời, Bắc Kinh cũng tuyên truyền rùm beng về việc nghiên cứu phát triển động cơ WS-10 và phát triển động cơ cho máy bay vận tải Y-20 tự chế, có thể thay thế động cơ D-30 của Nga.
Chuyên gia Vasilii Cashin từ Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông, Viện Khoa học Nga cho rằng Trung Quốc tiếp tục mua sắm động cơ của Nga để lắp cho các máy bay quân sự của họ, cho thấy công nghiệp quốc phòng nước này mặc dù đã có những nỗ lực to lớn, nhưng vẫn khó có thể phát triển được động cơ có thể sánh ngang với sản phẩm tương tự của Nga.
Vasilii Cashin cho rằng động cơ AL-31 Bắc Kinh nhập khẩu lần này có thể sẽ dùng để thay thế cho các động cơ cũ của các máy bay chiến đấu do Nga chế tạo đang phục vụ trong Quân đội Trung Quốc, đồng thời lắp cho máy bay chiến đấu mới do Trung Quốc tự chế tạo.
Trong thời kỳ hòa bình, động cơ Nga với tính năng tin cậy hơn, tuổi thọ dài hơn sẽ thích hợp nhất cho thực hiện các nhiệm vụ và tiến hành huấn luyện.
Còn với động cơ D-30, sản lượng máy bay ném bom H-6K và máy bay vận tải Y-20 theo kế hoạch đều trên 100 chiếc. Chúng hiện chủ yếu dựa vào động cơ do Nga chế tạo.
Chuyên gia Vasilii Cashin cho rằng hợp đồng mua sắm mới có lẽ cũng đã cho thấy Trung Quốc hoàn toàn không hài lòng với chất lượng động cơ của máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư tự chế.
Điều này có nghĩa là tồn tại khả năng hợp tác với Nga để phát triển động cơ của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.
Hiện nay, máy bay chiến đấu mới nhất J-20 của Trung Quốc đang được đồng thời lắp cả động cơ tự chế và động cơ AL-31 mua của Nga để tiến hành bay thử.