Trung Quốc nói gì giữa luồng thông tin “rò rỉ” phóng xạ kiểu Chernobyl ở Đài Sơn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chính thức lên tiếng về nhà máy điện nguyên tử Đài Sơn, sau khi nhiều hãng truyền thông Mỹ đưa tin về vụ "rò rỉ" nghiêm trọng ở nhà máy này.
Nhà máy điện nguyên tử Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (Ảnh: SCMP)
Nhà máy điện nguyên tử Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Vào cuối ngày 14/6, giới truyền thông Mỹ đã đưa tin rằng giới chức ở Washington đã bỏ ra nguyên cả tuần lễ để đánh giá một bản báo cáo về khả năng rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn (Taishan) ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, sau khi một công ty Pháp cảnh báo về “mối đe dọa phóng xạ sắp xảy đến”.

Phản ứng trước thông tin trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định rằng mức phóng xạ ở nhà máy điện Đài Sơn là bình thường và không có vấn đề quan ngại nào về an toàn để báo cáo.

“Không có điều gì bất thường trong mức phóng xạ xung quanh nhà máy điện nguyên tử này, và an toàn vẫn được đảm bảo” – ông Triệu nói trong cuộc họp báo ngày 15/6 – “Theo thông tin mà các cấp chính quyền hữu quan cung cấp, tình hình hiện tại ở Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật”.

Ông cũng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh chú ý sát sao tới các vấn đề an toàn hạt nhân và có một hệ thống kiểm soát/quản lý an toàn hạt nhân đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế và trong nước.

Ông Triệu đưa ra tuyên bố trên sau khi kênh CNN của Mỹ hôm đầu tuần này đưa tin rằng, Hội đồng Bảo an LHQ đã bỏ ra một tuần lễ để đánh giá bản báo cáo về nguy cơ “rò rỉ” phóng xạ tại Đài Sơn và đã tổ chức “nhiều” cuộc họp về vấn đề này.

Framatome – một hãng chế tạo lò phản ứng hạt nhân của Pháp, nắm giữ cổ phần nhà máy Đài Sơn – được cho là đã cảnh báo bên có thẩm quyền tại Bộ Năng lượng Mỹ thông qua một bức thư nói về “mối đe dọa rò rỉ phóng xạ sắp xảy đến” và cáo buộc chính quyền Trung Quốc nâng mức phóng xạ cho phép để tránh phải đóng cửa nhà máy điện này.

Theo một bản ghi nhớ mà CNN dẫn lại, Framatome đã gửi thư thỉnh cầu tới Washington nhằm được Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt., Được biết, ngành công nghiệp năng lượng nguyên tử của Trung Quốc đã bị Mỹ áp nhiều lệnh giới hạn kể từ năm 2019, do những quan ngại về mối quan hệ giữa ngành này với quân đội Trung Quốc. Bắc Kinh đã chỉ trích quyết định của Mỹ, trong khi một số nhà quan sát cho rằng lệnh trừng phạt có động cơ chính trị.

Hôm Chủ nhật vừa qua, nhà máy Đài Sớn cũng đưa ra một tuyên bố chỉ ra rằng mức độ phóng xạ ở bên trong và xung quanh nhà máy là “bình thường” và các lò phản ứng của họ vẫn vận hành tốt. “Tất cả các chỉ số vận hành của 2 đơn vị đều đáp ứng các quy định an toàn hạt nhân và các quy định về kỹ thuật của nhà máy” – tuyên bố cho hay.

Thứ Sáu tuần trước, Framatome đưa ra một tuyên bố nói rằng “theo dữ liệu sản có, nhà máy này đang vận hành dưới các chỉ số an toàn”.

Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố này, một số hãng truyền thông Mỹ vẫn tiếp tục đưa tin về tình hình ở Đài Sơn, trong đó tạp chí Newsweek đăng tải bài viết có tựa đề “Rò rỉ ở nhà máy điện nguyên tử Trung Quốc gợi nhớ sự kiện Chernobyl, trong khi Đài Sơn khẳng định nó an toàn”. Bài viết này còn cho rằng có nhiều báo cáo chỉ ra rằng Đài Sơn làm gợi nhớ lại “những ký ức về thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986, khi Liên Xô giảm nhẹ vấn đề mức độ phóng xạ tại một trong số các nhà máy điện hạt nhân của họ”.

Một số hãng khác, bao gồm cả Bloomberg, cũng gợi nhớ lại sự kiện Chernobyl khi đưa tin về Đài Sơn.

Tập đoàn năng lượng Electricite de France (EDF) của Pháp – công ty mẹ của Framatome – sở hữu 30% cổ phần ở nhà máy Đài Sơn, cùng với Tổng công ty Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc. Nhà máy gồm hai lò phản ứng này đặt ở miền Nam Trung Quốc, cách Macao khoảng 75 km, cách Hong Kong 140 km về phía Tây. Nhà máy này bắt đầu vận hành trong khoảng 2018 – 2019 và được cho là “thế hệ mới” của công nghệ lò phản ứng hạt nhân.

Theo Sputnik