Trung Quốc nhìn nhận về xung đột Israel-Palestine như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tình hình căng thẳng hiện tại dần cho thấy Bắc Kinh khó có thể duy trì chính sách làm bạn với tất cả các bên.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn trong chuyến thăm Jerusalem ngày 24/10/208 (Ảnh: ForeignPolicy)
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn trong chuyến thăm Jerusalem ngày 24/10/208 (Ảnh: ForeignPolicy)

Israel và Palestine đang xảy ra cuộc xung đột nghiêm trọng nhất kể từ từ năm 2014. Hơn 3.000 trái rocket đã được phóng từ Gaza – thậm chí là từ Lebanon và Syria – vào Israel trong tuần này. Israel đã đáp trả bằng vũ lực, trong đó có hàng loạt vụ không kích nhằm vào thủ lĩnh cấp cao của phong trào Hamas, những đường hầm được sử dụng để tuồn các loại pháo hạng nặng vào Dải Gaza và những kho vũ khí được giấu bên trong các cơ sở dân sự.

Vào ngày 16/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị - với tư cách đại diện nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ – đã chủ trì một cuộc tranh luận mở về tình trạng căng thẳng leo thang giữa Israel và người Palestine.

Ngày hôm sau, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói với báo giới rằng “ông Vương Nghị đã đưa ra một đề xuất 4 điểm liên quan tới tình hình Palestine-Israel, chỉ ra rằng lệnh ngừng bắn và ngừng tình trạng bạo lực là ưu tiên hàng đầu; và tất cả các bên, đặc biệt là Israel, được hối thúc kiềm chế và ngừng ngay các hành động thù địch”.

Mặc dù ngôn ngữ được lựa chọn trong tuyên bố này là tinh tế, nhưng thông điệp thì rất rõ ràng: “đặc biệt là Israel”. Ông Vương Nghị nói rằng “đặc biệt, Israel nên kiềm chế, và … chấm dứt tình trạng bạo lực, những lời đe dọa và hành động khiêu khích nhằm vào người Hồi giáo; duy trì và tôn trọng hiện trạng lịch sử của những địa điểm thiêng liêng ở Jerusalem”.

Việc chỉ đích danh Israel – trong khi trên thực tế thì “tất cả các bên” đều gây ra tình trạng bạo lực đối với bên còn lại – có lẽ không có gì bất ngờ. Sau cùng, vào tháng 7/2020, đặc phái viên Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun từng nói trước Hội đồng Bảo an rằng “Trung Quốc là một người bạn thực chất của người Palestine. Người Palestine có thể luôn tin tưởng vào sự ủng hộ của Trung Quốc đối với mục đích chính đáng và quyền hợp pháp của họ”.

Đại sứ Palestine tại LHQ Riyad Mansourvà Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Ma Zhaoxu bắt tay nhau trước một cuộc họp Hội đồng Bảo an về Trung Đông ngày 18/10/2018 (Ảnh: AFP)

Đại sứ Palestine tại LHQ Riyad Mansourvà Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Ma Zhaoxu bắt tay nhau trước một cuộc họp Hội đồng Bảo an về Trung Đông ngày 18/10/2018 (Ảnh: AFP)

Những khoản đầu tư của Trung Quốc ở Israel

Trong khi, tình bằng hữu Israel-Trung Quốc đã đơm hoa kết trái trong thập kỷ qua. Trở lại năm 1992, khi hai quốc gia lần đầu tiên thiết lập quan hệ chính thức, thương mại song phương chỉ ở mức 50 triệu USD.

Ngày nay, con số đó đã đạt gần 11 tỉ USD. Không chỉ về thương mại, Trung Quốc còn đầu tư nhiều tỉ USD vào lĩnh vực công nghiệp của Israel và cũng là một đối tác quan trọng trong các dự án cơ sở hạ tầng – trong khuôn khổ của siêu dự án cơ sở hạ tầng, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của họ.

Nhiều nghiên cứu của Israel đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường đại học trên khắp Trung Quốc, và hơn 150.000 du khách Trung Quốc đã tới thăm Nhà nước Do Thái chỉ tính riêng trong năm 2019.

Tuy nhiên, dường như tình bằng hữu này lại không thể lan tới được các vấn đề chính trị. Trung Quốc liên tục bỏ phiếu chống lại Israel tại LHQ. Israel cũng thất bại trong việc thuyết phục Trung Quốc ngừng ủng hộ Iran – một quốc gia hậu thuẫn cho những hoạt động của Hamas và nhóm Jihad Hồi giáo người Palestine.

Hơn nữa, Trung Quốc từ chối liệt Hamas vào danh sách các tổ chức khủng bố và có lần từng gọi phong trào này là “đại diện được lựa chọn của người dân Palestine”. Mặc dù Hamas giành quyền kiểm soát Gaza bằng vũ lực thay vì thông qua bầu cử.

Ngoại trưởng Vương Nghị cũng tái khẳng định về kết luận mà họ đưa ra từ lâu rằng “vấn đề của người Palestine luôn là gốc rễ của vấn đề Trung Đông”.

Tuyên bố này đã bỏ qua thực tế rằng phong trào Mùa xuân Arab năm 2011 có ảnh hưởng nhiều hơn tới các vấn đề chính trị, xã hội ở các quốc gia tương ứng, hơn là do cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Tuyên bố này cũng không nhận thức được sự phức tạp của cuộc chiến tranh lạnh kéo dài giữa Iran và Arab Saudi, vốn đã lan rộng san các nước láng giềng và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo kinh hoàng ở Yemen.

Tuy nhiên, Trung Quốc giờ vẫn tận dụng cơ hội,sử dụng cuộc xung đột hiện tại đê rneue lại quan điểm từ lâu của họ là xung đột Israel-Palestine chính là gốc rễ của mọi vấn đề trong khu vực.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 21/3/2017 (Ảnh: AFP)

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 21/3/2017 (Ảnh: AFP)

Bình thường hóa các mối quan hệ

Thái độ của Trung Quốc với Israel, và với xung đột Israel-Palestine bắt nguồn từ lịch sử hiện đại.

Vào năm 1950, Israel là quốc gia đầu tiên ở Trung Đông công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không làm tương tự với Israel.

Thời điểm đó, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đang tìm cách thu hút các đối tác từ cộng đồng Arab và Hồi giáo để gia nhập vào “mặt trận thống nhất” chống lại “chủ nghĩa đế quốc phương Tây”. Theo đó, Trung Quốc tỏ ra thương cảm với người Palestine và có quan điểm công khai chỉ trích Israel.

Quan hệ Trung Quốc-Liên Xô rạn nứt cùng việc bình thường hóa quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ vào năm 1972 dần dần dọn đường cho lần tiếp xúc đầu tiên giữa hai nước. Israel lúc đó vừa giành chiến thắng sau hàng loạt cuộc chiến ác liệt với các nước láng giềng Arab, và muốn tìm cách bán một số hệ thống vũ khí Liên Xô chế tạo mà họ thu giữ được.

Trung Quốc, vốn có nhiều vu khí của Liên Xô, trở thành khách hàng chính. Mong muốn ngăn chặn tầm ảnh hưởng ủa Liên Xô ở châu Á, Mỹ đã trừng phạt các thương vụ vũ khí này.

Sự sụp đổ của Liên Xô đã làm thay đổi về cơ bản mối quan hệ Trung Quốc-Israel, dọn đường cho việc thiết lập quan hệ chính thức chỉ 1 năm sau đó. Năm 1991, Tổng thống Mỹ George H.W Bush đưa ra sáng kiến tổ chức Hội thảo Hòa bình Madrid giữa Israel và phần lớn thế giới Arab, trong đó có Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).

Sauk hi các nước Arab ngồi xuống bàn đàm phán với Israel, chả có lý do gì mà Trung Quốc không làm theo.

Mặc dù Trung Quốc đã tăng cường được đáng kể mối quan hệ với Israel về mặt kinh tế, nhưng họ vẫn do dự trong việc thay đổi quan điểm chính trị với Israel và cuộc xung đột Israel-Palestine. Trung Quốc có một vài lý do để không muốn thay đổi.

"Sự cản trở của một quốc gia"

Hơn một nửa nguồn cung năng lượng của Trung Quốc bắt nguồn từ các nước Hồi giáo ở Trung Đông. Thêm vào đó, nhiều quốc gia Hồi giáo trong số này đã công khai ủng hộ các chính sách nội địa của Trung Quốc đối với Tân Cương.

Đằng sau bức màn tranh giành quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ, Bắc Kinh đã tận dụng cuộc xung đột này để bêu xấu Mỹ - nước đã chặn các nỗ lực của Trung Quốc, Na Uy và Tunisia trong việc thông qua một tuyên bố chính thức về cuộc xung đột tại Hội đồng Bảo an.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng “do sự cản trở của một quốc gia, Hội đồng Bảo an đã thất bại trong việc đưa ra một tiếng nói thống nhất. Chúng tôi kêu gọi Mỹ gánh vác trách nhiệm cần có, đưa ra quan điểm công bằng và ủng hộ Hội đồng Bảo an để đóng vai trò tốt trong giảm thang căng thẳng”.

Trong khi đó, Mỹ đáp trả rằng, họ tin rằng một tuyên bố chung như vậy sẽ chỉ làm tăng căng thẳng, gây ảnh hưởng tới các kênh ngoại giao hậu trường của Mỹ vốn nhằm giảm thang tình hình.

Gần đây nhất, một người dẫn chương trình trên kênh truyền hình nhà nước CGTN của TRung Quốc còn nêu ra một số thuyết âm mưu bài Do Thái vào ngày 18/5, trong lúc đang thảo luận về sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel.

Người này nói rằng “những người vận động hành lang mạnh mẽ” cho người Do Thái ở Mỹ phải chịu trách nhiệm vì gây ảnh hưởng và hình thành nên quan điểm của Washington với cuộc khủng hoảng Trung Đông, và rằng “người Do Thái thống trị tài chính, truyền thông và Internet (của Mỹ)”.

Đây là những luận điểm nguy hiểm mà các thực tế bài Do Thái hay đưa ra. Đại sứ quán Israel đã phản ứng bằng một loạt đoạn tweet, nói rằng Israel “thất kinh khi chứng kiến luận điệu bài Do Thái được thể hiện ngay trên hãng truyền thông chính thức của Trung Quốc”.

Họ thêm rằng, “những luận điểm thể hiện trong đoạn video là phân biệt chủng tộc và nguy hiểm, mà các hãng truyền thông có tự trọng nên tránh”.

Những bình luận này đương nhiên không phải điển hình của Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc không có vấn đề gì khi gạt bỏ Israel để đạt đượ mục đích chính trị của họ, nhưng nước này từng thể hiện chủ nghĩa chuộng Do Thái ở một mức độ cao.

Trung Quốc từng tiếp nhận 20.000 người Do Thái chạy trốn khỏi Đức quốc xã trong Thế chiến II và đã thiết lập vô số bảo tàng, trung tâm văn hóa người Do Thái ở đại lục.

Rất nhiều người Trung Quốc ngưỡng mộ người Do Thái vì trí thông minh trong làm ăn kinh doanh, lịch sử vượt qua vô vàn khó khăn và những thành tựu công nghệ/khoa học…

Những bình luận mang tính chất bài Do Thái hiếm thấy trên kênh truyền hình Trung Quốc dường như là nhằm bêu xấu Mỹ hơn là Israel. Tuy nhiên, nó lại gây ảnh hưởng tới quan hệ Israel-Trung Quốc.

Trung Quốc đã kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel-Palestine trong khuôn khổ giải pháp hai nhà nước. Sau cùng thì một khu vực Trung Đông ổn định cũng đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của siêu dự án cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Đáng chú ý, khu vực Trung Đông từng được gọi là nơi giao điểm giữa “Vành đai” và “Con đường”. Trong những năm gần đây, Trung Quốc rất nỗ lực để được xem là nhà trung gian hòa giải trong cuộc xung đột. Để đạt được mục đích đó, Bắc Kinh đã đứng ra tổ chức một Hội nghị chuyên đề dành cho những người ủng hộ hòa bình ở Israel và Palestine tham dự vào tháng 12/2017.

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, sự hiện diện quân sự gần như không có của Trung Quốc ở khu vực sẽ làm giảm khả năng thực thi hòa bình của họ. Những chuyên gia khác thì chỉ ra rằng, dường như Trung Quốc đang muốn thể hiện mình là siêu cường có trách nhiệm, thay vì thực sự trở thành siêu cường có trách nhiệm.

Tình hình vẫn đang căng thẳng. Trong khi chính sách của Trung Quốc ở Trung Đông từ lâu đã dựa trên ý tưởng sẽ trở thành bạn bè của mọi bên, cuộc xung đột hiện tại đang dần cho thấy Bắc Kinh rất khó để duy trì quan điểm này.