Trung Quốc nguy cơ gậy ông đập lưng ông

VietTimes -- Ngày 05.07.2016 Trước giờ phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế, Trung Quốc tiến hành cuộc diễn tập trên vùng nước quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hai tàu sân bay Mỹ hoạt động trên Biển Đông
Hai tàu sân bay Mỹ hoạt động trên Biển Đông

Cuộc diễn tập sẽ kéo dài đến ngày 11.07.2016, Cục an toàn hàng hải Trung Quốc đã ra lệnh cấm các tàu thuyền dân sự hoạt động trên vùng nước này. Trong biên chế của lực lượng tiến hành cuộc diễn tập có hai khu trục hạm tên lửa điều khiển Thẩm Dương  và Ninh Ba, cùng một tàu hộ vệ tên lửa Triều Châu.

Trung Quốc đang nỗ lực giành quyền thống trị Biển Đông, vùng nước có giá trị thương mại vận tải đến 5000 tỷ USD mỗi năm, giàu tài nguyên khoáng sản và hải sản.

Những động thái ngày càng quyết đoán và hung hăng trong nhiều năm đã gây lên sự lo ngại sâu sắc và dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các nước láng giềng Trung Quốc ven bờ biển Đông. Mỹ mặc dù tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, trước những sự kiện Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa một số đảo chiếm được ở Trường Sa, đã đưa ra tuyên bố đảm bảo quyền tự do hàng hải và tự do đường không trên khu vực các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp phi pháp.

Hàng loạt các sự kiện liên tiếp diễn ra cho đến thời điểm trước thềm phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế Hague vào ngày 12.07.2016 vào khoảng 11h CEST (16h giờ Hà Nội)  trong khuôn khổ vụ Philippines khởi kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc vào năm 2013.

Cùng thời điểm này, ngoài hai tàu sân bay John C. Stennis (CVN-74) và USS Ronald Reagan (CVN-76), 3 khu trục hạm Aegis, Mỹ điều tiếp tàu đổ bộ USS Ashland (LSD-48) đến tham gia các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông.

Hai mẫu hạm với hàng trăm chiến đấu cơ, 6 chiến hạm khác cùng 12.000 binh sĩ đã được Mỹ huy động
Hai mẫu hạm Stennis và Reagan với hàng trăm chiến đấu cơ, 6 chiến hạm khác cùng 12.000 binh sĩ đã được Mỹ huy động

Các cường quốc châu Âu và Nhật Bản cũng đồng loạt phát biểu cảnh báo Trung Quốc về những hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Tình huống đối đầu trên Biển Đông đang có nguy cơ trở thành điểm nóng đấu tranh giành ảnh hưởng địa chính trị của các cường quốc trên thế giới.

Indonesia và Malaysia nhập cuộc

Từ trước tới nay, chỉ có Việt Nam và Philipines đưa những khiếu nại và phản đối các động thái bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông . Nhưng cách đây không lâu Indonesia và Malaysia đã quyết định tham gia vào nhóm những nước quyết liệt chống lại cách hành xử bá quyền cực đoan của Trung. Hai quốc gia Đông Nam Á này lâu nay vốn có mối quan hệ kinh tế khá chặt chẽ với Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc và cảm thấy bất an khi các hạm tàu Trung Quốc tiến sát bờ biển và có xu hướng xâm hại chủ quyền.

Quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc gia tăng căng thẳng với sự cố ngày 19.03.2016. tàu tuần biển Indonesia đã bắt một tàu cá của Trung Quốc tiến sâu vào vùng đặc quyền kinh tế EEZ của quốc gia này. Đến nay, Indonesia vẫn kiên quyết không thả 8 thuyên viên Trung Quốc, cáo buộc tàu cá này đã đánh bắt trộm hải sản trên vùng nước chủ quyền của Indonesia. Những sự cố tương tự như vậy đã xảy ra nhiều lần, có trường hợp có sự tham gia giải cứu của tàu hải cảnh Trung Quốc.

Ngay sau đó, Indonesia triển khai trên đảo lớn nhất của quần đảo 4 đơn vị đặc nhiệm, được trang bị các tổ hợp phòng không hiện đại. Đây là một bước ngoặt trong quan điểm của Indonesia với các vấn đề trên Biển Đông, từ trước tới nay Jakarta luôn giữ vị thế trung lập.

Cuối tháng ba, Malaysia đưa ra khiếu nại, khẳng định có đến 100 tàu đánh cá Trung Quốc đánh bắt hải sản trong khu vực Lucania Shoals. Đáp trả, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng các ngư dân quốc gia này có quyền được đánh bắt ở đó, vì khu vực này là một ngư trường truyền thống của đại lục. Bằng tuyên bố này, Trung Quốc đã biến hầu hết Biển Đông thành vùng nước truyền thống cho mọi lợi ích của quốc gia này bất chấp luật pháp quốc tế.

Những tình huống như vậy cho thấy, rất nhanh chóng các quốc gia ASEAN sẽ buộc phải đối mặt với những cái gọi là “lợi ích cốt lõi” ngang ngược của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Lực lượng quân sự Mỹ, Philipines tham gia tập trận chung

Trước tình huống căng thẳng ngày càng gia tăng, Philipines đã tìm kiếm sự ủng hộ và bảo vệ của Mỹ - đồng minh chiến lược trước một Trung Quốc ngày càng hành động quyết liệt và cực đoan hơn. Tháng 6.2016, quân đội Philipines tiến hành cuộc diễn tập chung với 5.000 quân nhân quân đội Mỹ, kịch bản của cuộc diễn tập bao gồm cả những hoạt động tác chiến trên Biển Đông.

Một hoạt động chiến thuật then chốt trong cuộc tập trận chung quy mô lớn  này là  diễn tập chiến đấu tiến công giành lại một giàn khoan dầu, bị kẻ thù giả định đánh chiếm. Trong diễn tập đã sử dụng một dàn khoan dầu bỏ hoang phía tây tỉnh Palawan, giáp ranh với Biển Đông. Bắc Kinh phản đối quyết liệt cuộc diễn tập và cho rằng đây là một hành động khiêu khích từ phía Mỹ.

Quân đội Mỹ-Philippines đổ bộ lên đảo trong cuộc diễn tập
Quân đội Mỹ-Philippines đổ bộ lên đảo trong cuộc diễn tập

Trong cuộc tập trận chung, lần đầu tiên liên quân Mỹ - Philipines sử dụng tổ hợp tên lửa cơ động M142 HIMARS. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter  đã đến thăm cuộc tập trận chung hai nước và đưa ra bảo đảm sẽ viện trợ một khoản ngân sách nhằm tăng cường khả năng giám sát biển của Philipines.

Theo tuyên bố của Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế Hague, ngày 12.07 là ngày Tòa sẽ đưa ra phán quyết vụ kiện tranh chấp chủ quyền Trung Quốc - Philipines.  Bắc Kinh nhiều lần nhấn mạnh đòi hỏi giải quyết tranh chấp bằng các cuộc đàm phán song phương không có sự tham gia của bên thứ ba hoặc tố tụng quốc tế. Trung Quốc tuyên bố, phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế Hague sẽ không có hiệu lực thi hành.

Trung Quốc theo đuổi chính sách "bên miệng hố chiến tranh"

Xung đột “cận kề chiến tranh” giữa Việt Nam và Trung Quốc bùng phát vào năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khổng lồ di động vào vùng EEZ của Việt Nam và hạ đặt trên vùng nước gần một hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Quần đảo này đã bị PLA bất ngờ đánh chiếm được vào năm 1974. Việt Nam quyết liệt phản đối đòi Trung Quốc phải rút lui trên vùng nước này, căng thẳng đã khiến nhiều địa bàn, nơi có các doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự và an toàn.  

Ngày 03.04.2016, Trung Quốc lại đưa giàn khoan dầu này vào khu vực đang có tranh chấp, chưa phân định được hải giới. chiều 5-4, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối. Ngày 07.04.2016, Bộ trưởng Ngoai giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố phản đối quyết liệt việc Trung Quốc lắp đặt và đưa trạm hải đăng trên đảo Xu Bi vào hoạt động, Đài Loan, Philipines cùng đưa các tuyên bố tương tự.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phản bác lại những cáo buộc từ phía Việt Nam, trắng trợn tuyên bố giàn khoan dầu đang hoạt động trên khu vực thuộc thẩm quyền Trung Quốc. Bắc Kinh cũng có những phản bác tương tự với trạm hải đăng trên đảo Xu Bi. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẵn sàng bỏ qua luật pháp quốc tế để cưỡng chiếm các khu vực mà Bắc Kinh cho rằng thuộc về mình

Những động thái khiêu khích liên tục diễn ra trong nhưng năm gần đây cho thấy Trung Quốc ngày càng quyết liệt và cực đoan hơn trong những tranh chấp trên biển Đông.

Cuộc diễn tập hải quân trên vùng nước Hoàng Sa của Trung Quốc trước giờ Tòa án Trọng tài thường trực quốc tế  PCA đưa ra phán quyết vụ kiện của Philipines đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là một động thái cảnh báo sớm đối với các quốc gia láng giềng. Bắc Kinh quyết hiện thực hóa ý đồ thống trị toàn bộ Biển Đông bằng mọi phương tiện, bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực quốc tế  PCA, phớt lờ phản đối của cộng đồng quốc tế  và thúc đẩy gia tăng căng thẳng theo chính sách “bên miệng hố chiến tranh”.

Hải quân Trung Quốc gần đây liên tục tập trân trên biển gây căng thẳng khu vực
Hải quân Trung Quốc gần đây liên tục tập trân trên biển gây căng thẳng khu vực

Chiến lược đàm phán song phương “bên miệng hố chiến tranh” của Trung Quốc có một lợi thế rõ rệt, đó là sức mạnh quân sự vượt trội hơn tất cả các quốc gia liên quan. Sử dụng lợi thế này, Bắc Kinh hướng tới sự quan ngại của các quốc gia liên quan về khả năng châm ngòi một cuộc xung đột vũ trang có thể gây tình trạng bất ổn kinh tế, chính trị có thể bùng phát tại các nước ven Biển Đông và tổn thất của vận tải thương mại quốc tế để áp đặt những chính sách có lợi cho Bắc Kinh.

Thực hiện chiến lược này, Trung Quốc đã có những kết quả nhất định như việc hoàn thành một số đảo nhân tạo, tiến trình quân sự hóa Biển Đông bắt đầu được hiện thực hóa. Nhưng sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực PCA, mặc dù không có sức mạnh buộc các bên phải thi hành, chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” của Bắc Kinh cũng đồng thời bộc lộ những điểm yếu cơ bản, khiến “chiến lược bên miệng hố chiến tranh”, phơi bày bộ mặt phi nghĩa và sự vô trách nhiệm của một quốc gia tự xưng là "siêu cường đang trỗi dậy" trước toàn thế giới, chắc chắn sẽ "gậy ông đập lưng ông", đi vào ngõ cụt thất bại.

(còn tiếp)

TTB