Trung Quốc, Mỹ và Nga bắt đầu chạy đua vũ trang mới trên biển?

VietTimes -- Báo  Nhân Dân Trung Quốc ngày 4 tháng 2 cho rằng, là tượng trưng của sức mạnh quân sự nước lớn, các động thái của tàu sân bay luôn thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Đầu xuân năm Gà, dư luận lại để ý đến động thái mới của tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc.

 

 

Tàu sân bay Type 001A Trung Quốc. Ảnh: Cankao
Tàu sân bay Type 001A Trung Quốc. Ảnh: Cankao

Trung Quốc, Nga và Mỹ đang tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa hải quân để hỗ trợ cho các chiến lược của họ, ít nhiều đã phản ánh được cuộc chạy đua vũ trang mới giữa các cường quốc này.

Tờ Nhân Dân Trung Quốc ngày 4 tháng 2 cho rằng, là tượng trưng của sức mạnh quân sự nước lớn, các động thái của tàu sân bay luôn thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Đầu xuân năm Gà, dư luận lại để ý đến động thái mới của tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc.

Tàu sân bay Sơn Đông Trung Quốc gây chú ý

Tờ Thời báo châu Á của Hồng Kông ngày 2 tháng 2 cho rằng tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc đã "sơ bộ thành hình". Trang tin tức Yahoo Mỹ cho rằng xu thế đóng tàu ở Trung Quốc với đại diện là tàu sân bay đang "tiếp đón" kế hoạch phục hưng hải quân của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, "đợt chạy đua vũ trang trên biển mới đã lặng lẽ xuất hiện".

Trải qua 2 năm 9 tháng chế tạo, tàu sân bay thứ hai hay tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc đã "sơ bộ thành hình" và có thể được đặt tên là Sơn Đông, hiện đang chế tạo tại cảng Đại Liên. Nhưng ngày tháng hoàn thành và nhiều chi tiết hơn về tàu sân bay này chưa được tiết lộ.

Không lâu trước, tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc đã xuống Biển Đông tiến hành huấn luyện tầm xa. Việc hạ thủy, biên chế của tàu sân bay mới sẽ khiến cho Đài Loan và các bên tranh chấp ở Biển Đông "cảm thấy căng thẳng hơn" - bài báo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, so với Hải quân Mỹ có vài chục năm kinh nghiệm vận hành siêu tàu sân bay, Trung Quốc còn có khoảng cách rõ rệt trên phương diện này.

Theo báo chí Mỹ, tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc có ngoại hình cơ bản thống nhất với tàu sân bay Liêu Ninh, đã giữ lại mô hình cất cánh kiểu nhảy cầu, nhưng bố cục đường băng đã được thiết kế lại.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện biển xa. Ảnh: Cankao
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc tiến hành huấn luyện biển xa. Ảnh: Cankao

Sau khi hoàn thành lắp đặt kết cấu đảo tàu, tàu sân bay tự chế Trung Quốc hứa hẹn hạ thủy vào cuối năm nay. Nhưng sau đó vẫn cần vài năm để hoàn thành thử nghiệm các thiết bị, như thế mới có thể hình thành sức chiến đấu.

Do hạn chế của mô hình cất cánh kiểu nhảy cầu, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc không có nhiều khả năng có thể cất cánh các loại máy bay cánh cố định như siêu tàu sân bay Mỹ, đặc biệt là máy bay cảnh báo sớm cồng kềnh.

Vì vậy, tàu sân bay Sơn Đông phải dựa vào máy bay cảnh báo sớm cất cánh từ sân bay bờ biển để có được tin tức tình báo. Điều này sẽ làm cho tàu sân bay Trung Quốc khó có thể nhận được sự hỗ trợ từ máy bay triển khai ở bờ biển trong tương lai.

Tàu sân bay thế hệ mới sẽ như thế nào?

Ý thức được sự hạn chế của mô hình cất cánh kiểu nhảy cầu, Hải quân Trung Quốc tiếp tục theo đuổi mô hình cất cánh kiểu máy phóng. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, căn cứ Hồ Lô Đảo của Trung Quốc đang xây dựng hai máy phóng.

Trong đó, có một máy phóng hơi nước truyền thống và một máy phóng điện từ mới nhất. Đến nay, máy phóng điện từ chỉ được trang bị cho tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald Ford của Mỹ. Tàu sân bay này vẫn chưa đi vào hoạt động.

Việc xây dựng hai máy phóng này của Trung Quốc được hoàn thành trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2016. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, máy bay chiến đấu J-15 Trung Quốc từng xuất hiện ở đầu cuối của một máy phóng trong đó.

Ngoài ra còn có hình ảnh cho thấy bánh đáp trước của J-15 đã lắp thiết bị hỗ trợ phóng. Những chứng cứ này cho thấy tàu sân bay tương lai của Hải quân Trung Quốc sẽ sử dụng phương thức "cất cánh bằng máy phóng, hạ cánh bằng cáp hãm đà" kiểu Mỹ.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford CVN 78 Mỹ (ảnh tư liệu)
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford CVN 78 Mỹ (ảnh tư liệu)

Việc đồng thời xây dựng hai máy phóng ở căn cứ Hồ Lô Đảo cho thấy Trung Quốc đang tiến hành so sánh hai loại công nghệ này để đi đến quyết định lắp thiết bị phóng nào cho tàu sân bay thế hệ mới.

Hiện nay tàu sân bay Liêu Ninh đã chở ít nhất 2 chiếc máy bay trực thăng cảnh báo sớm Z-18J để thay thế cho máy bay cánh báo sớm cánh cố định. Nhưng điều này hoàn toàn không phải là phương án giải quyết cuối cùng.

Theo báo Mỹ, hạ tuần tháng 1 năm 2017, trên đường băng tàu sân bay mô phỏng ở Vũ Hán, Trung Quốc đã xuất hiện một mô hình máy bay cảnh báo sớm cánh cố định mới. Hình ảnh cho thấy, loại máy bay cảnh báo sớm này sẽ có hai động cơ phản lực cánh quạt (turboprop), 4 cánh đuôi thẳng đứng, lồng radar tròn cỡ lớn, rất giống với máy bay cảnh báo sớm E-2 của Hải quân Mỹ.

Do hạ tầng thử nghiệm mô phỏng ở Vũ Hán này phụ trách nhiệm vụ tiến hành thử nghiệm các hệ thống của tàu chiến Hải quân Trung Quốc, vì vậy thông qua các động thái của nó có thể phát hiện được kế hoạch tương lai của Hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc đã nghiên cứu chế tạo máy bay cảnh báo sớm cố định để trang bị cho tàu sân bay từ lâu. Ngay từ năm 2011 đã xuất hiện máy bay cảnh báo sớm JZY-01 dành cho tàu sân bay. Nó được cải tiến từ máy bay vận tải Y-7.

Trung Quốc, Mỹ và Nga khởi động chạy đua vũ trang trên biển?

Đối với các động thái chế tạo tàu sân bay của Trung Quốc, trang tin Yahoo Mỹ ngày 1 tháng 2 cho rằng Trung Quốc đang thúc đẩy chế tạo lô lớn tàu chiến mới như tàu sân bay, đồng thời điều biên đội tàu sân bay Liêu Ninh chạy qua eo biển Đài Loan để thị uy với Mỹ và Đài Loan.

Nga tuyên bố sẽ chế tạo ít nhất 3 tàu phá băng động cơ hạt nhân, xây dựng 6 căn cứ và đường băng sân bay mới. Trong khi đó, trong kế hoạch phục hưng hải quân do Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy, năm nay sẽ bàn giao 9 tàu chiến bao gồm siêu tàu sân bay thế hệ mới USS Gerald Ford. Trong tương lai, số lượng tàu chiến Hải quân Mỹ sẽ tăng lên 355 chiếc.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford CVN 78 Mỹ (ảnh tư liệu)
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford CVN 78 Mỹ (ảnh tư liệu)

Cùng với kế hoạch đóng tàu của Trung Quốc, Mỹ và Nga, đợt chạy đua vũ trang mới trên biển đã lặng lẽ xuất hiện.

Tờ Liên hợp buổi sáng Singapore ngày 2 tháng 2 còn tiết lộ, đứng trước thách thức trên biển ngày càng nghiêm trọng, Trung tâm đánh giá ngân sách và chiến lược ở Washington Mỹ đã đưa ra báo cáo mới nhất lên Quốc hội Mỹ, kiến nghị hạm đội Mỹ trong tương lai cần phải chia làm hai bộ phận:

Một là lực lượng uy hiếp, chốt ở các vùng biển phụ trách như Biển Đông và biển Hoa Đông; một lực lượng cơ động, chủ yếu là cụm chiến đấu tàu sân bay, thường xuyên hoạt động ở châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, khi cần sẽ khẩn cấp điều đến khu vực xảy ra sự cố.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt ngày 2 tháng 2 cho rằng cuộc chạy đua vũ trang trên biển giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga do báo chí Mỹ nói tới thực ra là sự mở rộng của tư duy quán tính Chiến tranh Lạnh cũ.

Trước đây Mỹ và Liên Xô tranh bá trên biển, mặc dù Nga đã bị thất bại, nhưng lượng lớn tàu chiến do Mỹ chế tạo đã không có "đất dụng võ", cuối cùng rất lãng phí. Trung Quốc sẽ không giẫm lên vết xe đổ này.

Theo Lý Kiệt, việc đưa hiện thực phát triển hải quân của các nước vào "khuôn khổ" chạy đua vũ trang cho thấy báo chí Mỹ vẫn lấy tư duy bá quyền "trò chơi tổng bằng không" để nhìn nhận vấn đề.

Lý Kiệt truyên truyền rằng Trung Quốc phát triển các tàu chiến cỡ lớn như tàu sân bay là để đáp ứng nhu cầu của bản thân Trung Quốc, xây dựng một lực lượng hải quân vươn ra biển xa để bảo vệ cái gọi là "quyền lợi biển ở khu vực xung quanh và tuyến đường giao thông trên biển trong thế kỷ 21".

Lý Kiệt cho rằng Trung Quốc không có ý định, cũng không có nhu cầu triển khai chạy đua vũ trang trên biển với các nước khác.