Trung Quốc mưu biến Biển Đông thành “pháo đài” tàu ngầm hạt nhân

VietTimes -- Về công nghệ, Trung Quốc có thể đang phát triển một phiên bản mới của tàu ngầm Type 094 hoạt động yên tĩnh hơn cùng tên lửa đạn đạo với tầm bắn xa hơn cho tàu ngầm này dựa trên tên lửa JL-2. Và Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch cho một thế hệ tàu ngầm hạt nhân (SSBN) tiếp theo được trang bị tên lửa đạn đạo thế hệ mới JL-3, National Interest cho biết.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn của hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn của hải quân Trung Quốc

Trong 3 năm trở lại đây, khả năng răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc đã được cải thiện rõ rệt, bắt đầu với việc lần đầu tiên triển khai tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo có đầu đạn hạt nhân vào năm 2014.

Gần đây nhất, một phân tích do AllSource Analysis tiến hành đã tiết lộ có 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Tấn (Type 094) tại căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam. Điều này hỗ trợ báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ rằng Trung Quốc có ít nhất 4 tàu ngầm SSBN Type 094.

Những chứng cớ cho thấy sự phát triển khả năng răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, và nước này cũng đang phải đối mặt với những kiềm chế nhất định về mặt kỹ thuật và địa lý, điều này chắc chắn sẽ hạn chế các cuộc tuần tra hạt nhân của Trung Quốc trong tương lai gần.

Tàu ngầm SSBN của Trung Quốc đã đi vào hoạt động ở hạm đội Nam Hải, khi Trung Quốc có những hành vi ngày càng ngang ngược trong yêu sách lãnh thổ. Nước này đã cho xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp cùng hệ thống cảng nước sâu, đường băng sân bay, các trang thiết bị khác và hầm chứa máy bay trên 3 đảo nhân tạo bồi lấp trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa.

Những hệ thống này đã tạo điều kiện cho Trung Quốc triển khai lực lượng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mà không bị cản trở. Khi lực lượng tàu ngầm SSBN của Trung Quốc tiếp tục mở rộng và nâng cấp, có thể Trung Quốc sẽ có ý định triển khai răn đe hạt nhân trên toàn cầu.

Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu SLBM từ năm 1958 và đã nhận được sự trợ giúp về kỹ thuật và trang thiết bị từ Liên Xô. Trung Quốc cũng đã xây dựng một căn cứ hải quân tại Thanh Đảo và một cơ sở đóng tàu tại Hồ Lô Đảo để phát triển tàu ngầm. Việc nghiên cứu và phát triển hệ thống SLBM tiếp tục diễn ra trong nửa cuối thập kỷ 1960 đến những năm 1980.

Chương trình phát triển SLBM của Trung Quốc được tiến hành một cách ngắt quãng dưới thời Mao Trạch Đông (1949-1976) do hạn chế về ngân sách, các sự kiện lịch sử (như Cuộc cách mạng Đại nhảy vọt, chia rẽ Xô-Trung và Cách mạng văn hóa), bị hạn chế đường tiếp cận biển và phong trào xét lại.

Sau khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền vào năm 1978, chương trình phát triển tên lửa SLBM của Trung Quốc lại được chú trọng trở lại và năm 1982 đánh dấu lần đầu tiên phóng thử thành công tên lửa JL-1 từ tàu ngầm chở tên lửa đạn đạp lớp Hạ (Type 092), thế hệ tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc. Tàu ngầm này đã đi vào hoạt động vào những năm 1980, cho dù chưa hề tiến hành các cuộc tuần tra răn đe hạt nhân nào vì những hạn chế về kỹ thuật, địa lý và an ninh quốc tế.

Chương trình phát triển tàu ngầm SSBN hiện nay, tàu ngầm lớp Tấn (Type 094) đã được khởi xướng từ những năm 1980, tàu ngầm này có thể mang theo hai tên lửa JL-2 (Cự Lãng 2) với tầm bắn lên đến 7.200 km.

Tàu ngầm lớp Tấn lần đầu được đưa vào hoạt động năm 2014, gần 60 năm sau khi Trung Quốc khởi xướng chương trình phát triển tên lửa SLBM, và 35 năm sau khi Trung Quốc phóng thử thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm và khoảng 30 năm sau khi Trung Quốc khởi xướng chương trình phát triển tàu ngầm Type 094.

Gây căng thẳng ở Biển Đông

Theo báo Mỹ, Biển Đông bao quanh bởi eo biển Malacca và eo Singapore ở phía tây và eo biển Đài Loan ở phía đông. Theo ước tính, khoảng 50% lượng dầu mỏ toàn cầu đi qua vùng biển này, và các cuộc khảo sát cho thấy khu vực này có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn dưới đáy biển.

Quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển đảo Hải Nam 300km vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm một cách phi pháp kể từ năm 1974.

Quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), nằm cách đảo Hải Nam khoảng 1.000 km, hoàn toàn không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc theo như quy định của UNCLOS, nhưng Trung Quốc đã cố tình chiếm đóng và xây dựng các tiền đồn quân sự trên quần đảo này một cách phi pháp. Trung Quốc đã xây dựng các hệ thống dân sự-quân sự trên 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa là Đá Xubi, Đá Gaven, Đá Chữ Thập, Đá Tư Nghĩa, Đá Gạc Ma và Đá Châu Viên.

Đây là hai quần đảo lớn trên Biển Đông đang bị Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa trái phép, bất chấp luật pháp quốc tế.

Học thuyết hạt nhân và cấu trúc lực lượng hạt nhân của Trung Quốc

Học thuyết hạt nhân hiện nay của Trung Quốc được goi là chiến lược phản công hạt nhân mà một số học giả còn gọi là “trả đũa”. Việc phát triển năng lực phản công là điểm cơ bản trong chiến lược răn đe hạt nhân, cho dù các khái niệm kéo theo như răn đe tối thiểu và răn đe hạn chế khác nhau về ý nghĩa đối với năng lực này.

Chiến lược phản công hạt nhân của Trung Quốc có thể được coi như chiến dịch phản công hạt nhân độc lập hoặc phối hợp trong khuôn khổ chiến dịch phản công rộng hơn có sử dụng cả lực lượng hạt nhân ở các đơn vị khác nhau.

Cho dù Trung Quốc từ lâu đã tìm cách phát triển khả năng phản công đáng tin cậy hơn như thông qua các hệ thống tên lửa đạn đạo di động tiên tiến cho lực lượng hạt nhân trên bộ, việc triển khai các công cụ răn đe trên biển vẫn mang lại khả năng phản công hạt nhân bảo đảm hơn trên lý thuyết.

Theo hình ảnh vệ tinh, tàu ngầm Type 094 của Trung Quốc dài từ 132-137m, có lưng gù nhô lên ở giữa thân tàu mang 12 ống phóng tên lửa đạn đạo. Tàu ngầm này cũng được thiết kế để mang tên lửa đạn đạo JL-2 với tầm bắn lên đến 7.200km.

Tầm bắn của tên lửa JL-2

Bốn tàu ngầm Type 094 đóng tại căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam và vũ khí hạt nhân mà các tàu này mang thuộc kiểm soát của Hải quân Trung Quốc, thay vì Lực lượng tên lửa Trung Quốc. Nằm gần căn cứ hải quân Du Lâm, căn cứ Longpo được xây dựng từ năm 2003-2010, gồm các cầu đón tàu ngầm, các khu quản lý và một lối vào bằng đường hầm dưới biển.

Việc Trung Quốc triển khai tàu ngầm Type 094 đang vấp phải những khó khăn do tình hình an ninh hàng hải trong khu vực, cũng như các điều kiện kỹ thuật của loại tàu này.

Cụ thể hơn, Nhật Bản và Mỹ rất có thể sẽ triển khai một loạt các hệ thống giám sát tàu ngầm trên Biển Hoa Đông và phía Tây Thái Bình Dương, đồng thời vận hành các công cụ chống tàu ngầm hết sức tinh vi.

Hơn nữa, tàu ngầm của Trung Quốc được cho là khá ồn, dễ bị theo dõi và xác định mục tiêu. Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng không nhiều lối đi ra Thái Bình Dương để thực hiện các cuộc tuần tra răn đe hạt nhân trên vùng biển mở. Do đó những nhân tố này sẽ đều cản trở Trung Quốc triển khai sức mạnh răn đe hạt nhân trên biển trong thời gian tới.

Để đối phó với những trở ngại này, Trung Quốc có thể áp dụng "chiến lược pháo đài”, giữ lực lượng tên lửa SLBM trong khu vực Biển Đông trong khi duy trì khả năng phản công hạt nhân.

Chiến lược pháo đài này lần đầu được áp dụng khi Liên Xô triển khai tên lửa SLBM ở Biển Barents, sát lãnh thổ Liên Xô, do Mỹ lúc đó nắm ưu thế vượt trội về theo dõi tàu ngầm trong vùng biển mở.

Trong trường hợp của Trung Quốc, cách tiếp cận này có thể sẽ dựa vào thực tế phát triển hiện nay, được đúc rút từ công nghệ và các đặc điểm địa lý tự nhiên của Biển Đông.

Về công nghệ, Trung Quốc có thể đang phát triển một phiên bản mới của tàu ngầm Type 094 hoạt động yên tĩnh hơn cùng tên lửa đạn đạo với tầm bắn xa hơn cho tàu ngầm này dựa trên tên lửa JL-2. Và Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch cho một hệ thống tên lửa SLBM thế hệ tiếp theo được trang bị tên lửa đạn đạo thế hệ mới JL-3 (Cự Lãng 3).

Kể từ năm 2012, Trung Quốc đã thể hiện tham vọng ngày càng lớn đối với quần đảo Hoàng Sa cả về chính trị lẫn quân sự khi ngang nhiên thiết lập trái phép cái gọi là thành phố Tam Sa ở đảo Phú Lâm. Ngoài ra Trung Quốc còn nâng cấp trái phép hệ thống dân sự- quân sự trên đảo Phú Lâm, bao gồm hải cảng, sân bay và các nhà chứa máy bay.

Trung Quốc hiện nay đang gây căng thẳng khu vực bằng cách cố thu hút khách du lịch tới khu vực này và đảo Phú Lâm đã bị các cơ quan tuyên truyền Trung Quốc coi như lãnh thổ của mình để củng cố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Còn tại khu vực quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã bồi lấp phi pháp 7 bãi đá thành đảo nhân tạo và xây dựng các cảng nước sâu và đường băng. Theo giới quan sát, bằng các hoạt động phi pháp này, Trung Quốc đã cải thiện khả năng phối hợp và thực hiện các hoạt động dân sự - quân sự ở khu vực phía đông và nam Biển Đông.

Theo National Interest. cho dù răn đe hạt nhân trên biển mới là khả năng mới của Trung Quốc, nhưng đây đã là chiến lược được nước này xây dựng và mong đợi từ lâu. Tuy nhiên, việc này sẽ không suôn sẻ bởi hiện nay việc triển khai các hệ thống tên lửa SLBM của Trung Quốc phải đối mặt với những trở ngại trong môi trường an ninh quốc tế hiện nay, cùng các yếu tố địa lý trên Biển Đông và các đặc tính kỹ thuật của tàu ngầm Type 094.

Trung Quốc hiện vẫn đang tập trung nâng cấp kỹ thuật cho SLBM, cho dù nhân tố cản trở đến từ cả hai phía kỹ thuật và địa lý khu vực. Nếu Trung Quốc triển khai được tên lửa tầm xa trong môi trường hàng hải đã được tái định hình, nước này sẽ có điều kiện thực hiện các cuộc tuần tra răn đe hạt nhân trên toàn cầu với khởi nguồn từ Biển Đông.

Giới phân tích quốc tế cảnh cáo, kể cả nếu thiếu "chiến lược pháo đài" thì việc chiếm đóng phi pháp các đảo đá trên Biển Đông cũng đã giúp Trung Quốc tăng cường đáng kể khả năng triển khai tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là một phần trong chiến lược mở rộng phạm vi hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực.