Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 18 tháng 3 dẫn nguồn tin từ Mỹ cho hay, trong tình trạng bất ổn về quân sự, tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã bắt đầu một loạt cuộc hội đàm ở châu Á.
Triều Tiên phóng tên lửa về phía Nhật Bản, hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) Mỹ được chuyển đến Hàn Quốc - tất cả những điều này làm cho tình hình căng thẳng Đông Bắc Á rơi vào bước ngoặt nguy hiểm. Một khi mất kiểm soát thì ai sẽ chiếm ưu thế?
Dưới đây sẽ điểm lại ưu thế và điểm yếu của các lực lượng trong cuộc chiến tranh Đông Bắc Á tiềm tàng:
Trung Quốc: Số người nhiều, kinh nghiệm ít.
Ưu thế: Tên lửa
Điểm yếu: Thiếu đồng minh, không có căn cứ tuyến đầu.
Trung Quốc có gần 3 triệu quân, như vậy tính về quân số thì Trung Quốc là lực lượng tác chiến có quy mô lớn nhất thế giới. Nhưng, quân đội Trung Quốc thiếu kinh nghiệm tác chiến.
Từ khi Trung Quốc tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam vào năm 1979 đến nay, Trung Quốc chưa từng tiến hành một cuộc chiến tranh nào khác.
Trong khi đó, kẻ thù có khả năng đối đầu nhất với Trung Quốc là quân đội Mỹ. Trong 38 năm qua, quân đội Mỹ đã tham gia nhiều cuộc xung đột ở các khu vực trên thế giới.
Chuyên gia phân tích an ninh Cory Wallace, Đại học Tự do Berlin cho rằng Mỹ và đồng minh có ưu thế rõ rệt về kinh nghiệm tác chiến và triển khai hậu cần. Trung Quốc còn có các điểm yếu khác là họ tương đối bị cô lập, hơn nữa thiếu đồng minh và mạng lưới căn cứ ở khu vực.
Ưu thế chủ yếu của Trung Quốc là chương trình tên lửa quy mô lớn, bao gồm những tên lửa có thể tấn công các căn cứ không quân của Mỹ ở Nhật Bản và Guam.
Nếu có thể phá hủy được các căn cứ không quân của Mỹ thì các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và F-22 cùng với máy bay ném bom hạng nặng B-1 và B-52 chiếm ưu thế về công nghệ của Mỹ sẽ không còn là sự lựa chọn lý tưởng.
Mỹ: Vành đai bán nguyệt công nghệ.
Ưu thế: Công nghệ (F-35 và F-22), quy mô lực lượng.
Điểm yếu: Xe tăng, máy bay trinh sát khó đối phó tên lửa tầm xa.
Trong bất cứ cuộc xung đột nào ở Tây Thái Bình Dương, quân đội Mỹ đều có mạng lưới căn cứ, đồng thời có thể triển khai máy bay chiến đấu có ưu thế hơn về công nghệ so với bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào ở đây.
Mỹ và đồng minh có một loạt căn cứ, từ căn cứ không quân Misawa ở miền bắc Nhật Bản đến căn cứ ở Singapore được quân đội Mỹ định kỳ sử dụng.
Mỹ đã triển khai những vũ khí mới nhất và tiên tiến nhất ở những căn cứ này: máy bay chiến đấu tàng hình F-35, máy bay cảnh báo sớm Advanced HawkEye và tàu chiến Aegis ở Nhật Bản, tàu tuần duyên chở máy bay trực thăng không người lái ở Singapore, máy bay chiến đấu tàng hình F-22 ở Australia.
Mặc dù vậy, Mỹ cũng có điểm yếu. Một trong những điểm yếu nghiêm trọng nhất có thể chính là họ lệ thuộc vào tiếp dầu trên không, máy bay trinh sát và tình báo.
Tên lửa không đối không tầm xa được phóng từ những máy bay như máy bay chiến đấu tàng hình J-20 mới của Trung Quốc có thể tiêu diệt máy bay tiếp dầu KC-135 và máy bay cảnh báo sớm trên không E-3A.
Triều Tiên: Không ai đoán được.
Ưu thế: Nhà lãnh đạo khó đoán, tên lửa hạt nhân.
Điểm yếu: Không có đồng minh, nguồn lực thiếu thốn.
Bình Nhưỡng có quân đội “mạnh” là do có hai nhân tố: Triều Tiên sở hữu khả năng hạt nhân, bất cứ đối thủ nào đều không thể xác định được họ có sử dụng khả năng này hay không.
Bình Nhưỡng cho biết năm 2017 nước này đã tiến hành thử nghiệm nổ bom hạt nhân thành công. Các tên lửa được phóng thử năm 2017 rơi vào khu vực cách bờ biển Nhật Bản chỉ 200 hải lý.
Điều này khiến cho các nhà lãnh đạo của Washington, Tokyo và Seoul đều đang phỏng đoán Triều Tiên sẽ làm gì trong bước tiếp theo, hơn nữa đang thận trọng đề phòng các cuộc tấn công đánh đòn phủ đầu của họ.
Chuyên gia quân sự cho rằng, như vậy, thực sự không có ai dám mạo hiểm sử dụng vũ lực đối với Triều Tiên.
Nước này còn có một ưu thế then chốt khác: Thủ đô Seoul của Hàn Quốc cách biên giới hai miền Triều Tiên chỉ 35 dặm Anh (1 dặm Anh khoảng 1,6 km), tất cả 25 triệu người nằm trong phạm vi tấn công của pháo, tên lửa và 1,2 triệu quân Triều Tiên. Đội quân này chỉ ít hơn quân đội Mỹ 100.000 quân.
Điểm yếu chính của Bình Nhưỡng là nước này thiếu nguồn lực, không thể kéo dài tác chiến với quân đội các nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hàn Quốc: Có thể tập trung lực lượng.
Ưu thế: Mỹ ủng hộ, quân đội chỉ cần tập trung đối phó Triều Tiên.
Điểm yếu: Khó có thể hợp tác với Nhật Bản, Seoul cách Triều Tiên chỉ 35 dặm Anh.
Từ khi ký kết Hiệp định đình chiến Triều Tiên vào năm 1953 đến nay, Seoul luôn đối mặt với một Triều Tiên đầy "thù địch". Nhưng, đây lại là một ưu thế then chốt, bởi vì nhờ vậy mà Seoul có thể xây dựng được một đội quân mạnh và đội quân này chỉ tập trung vào một việc: Không tấn công bất cứ ai, chỉ bảo vệ mình.
Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) Anh cho rằng, Seoul đã hoặc sẽ nhận được các loại vũ khí trang bị tiên tiến, trong đó có tên lửa hành trình sử dụng cho máy bay chiến đấu F-15, một lô máy bay chiến đấu tàng hình F-35, tàu ngầm mới và nhiều tàu khu trục lớp Sejong the Great hơn.
Tuy nhiên, một khi nổ ra xung đột, một đồng minh khác có thể trở thành điểm yếu của Hàn Quốc. Hàn Quốc "không hòa hợp lắm với Nhật Bản trong một loạt vấn đề quân sự và tình báo".
Do Seoul và Tokyo không thể đạt được nhất trí về hệ thống mã hóa số liệu, tàu chiến Aegis Hàn Quốc không thể kịp thời chia sẻ thông tin đánh chặn với phía Nhật Bản.
Nhật Bản: Không thể đánh trả.
Ưu thế: Tác chiến săn ngầm, tàu ngầm chống tàu ngầm.
Điểm yếu: Hợp tác với Hàn Quốc tương đối kém, thiếu khả năng tấn công.
Hàn Quốc chỉ cần tập trung vào một đối thủ, Nhật Bản lại cần tập trung vào hai đối thủ: Triều Tiên và Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, khả năng tác chiến săn ngầm của Nhật Bản là then chốt. Mặc dù số lượng tàu ngầm của Trung Quốc nhiều hơn, nhưng về công nghệ và tác chiến, trinh sát dưới nước và phản ứng là ưu thế của Nhật Bản. Trong khi đó, đây là điểm yếu của Trung Quốc. Ưu thế này phần lớn đến từ tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản.
Tokyo có nhiều tàu ngầm lớp Soryu. Những tàu ngầm này có khả năng "tàng hình" mạnh, có thể tác chiến ở khu vực áp sát lòng biển, cho nên có ưu thế so với tàu ngầm Trung Quốc.
Điểm yếu nghiêm trọng của Nhật Bản là khả năng điều động hỏa lực mang tính tấn công. Giáo sư Carl Schuster, Đại học Thái Bình Dương Hawaii cho rằng: "Họ có thể ném bom tất cả kẻ thù trên đảo Nhật Bản... Nhưng không thể tấn công căn cứ không quân hoặc bãi phóng tên lửa của Trung Quốc hoặc Triều Tiên".
Carl Schuster chỉ ra, máy bay chiến đấu Nhật Bản không trang bị vũ khí áp chế phòng thủ đối không của kẻ thù. "Họ có thể phòng vệ, nhưng không thể phản công".