Theo truyền thông Trung Quốc, nội dung trưng bày tại bảo tàng “bao gồm hình ảnh lịch sử, video tư liệu, tài liệu tư liệu, văn bản pháp lý, mô phỏng thực thể, các loại mô hình, câu chuyện hoạt hình, tin tức và bài viết của học giả, v.v., thể hiện sinh động cơ sở pháp lý và lịch sử chứng minh chủ quyền quần đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc”.
Tuy nhiên, theo hãng Kyodo, Nhật Bản ngày 5/10, ông Kato Katsunobu, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp báo cùng ngày và tuyên bố chính phủ Nhật Bản đã phản đối thông qua kênh ngoại giao về việc Trung Quốc mở một bảo tàng kỹ thuật số trên mạng về chủ quyền của quần đảo Senkaku và yêu cầu xóa bỏ.
Ông Kato Katsunobu tuyên bố "quần đảo Senkaku là lãnh thổ Nhật Bản từ xưa, hiện Nhật Bản đang thực hiện quyền kiểm soát có hiệu quả" (Ảnh: AP)
|
Ông Kato Katsunobu tuyên bố, quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi Điếu Ngư) là lãnh thổ từ xa xưa của Nhật Bản; Nhật Bản hiện nay đang thực hiện quyền kiểm soát hiệu quả đối với quần đảo Senkaku, chủ trương của Trung Quốc là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Kể từ khi nội các mới của Thủ tướng Yoshihide Suga nhậm chức, một số nhà lập pháp Đảng Dân chủ Tự do đã kêu gọi chính phủ mới của Nhật Bản tăng cường kiểm soát đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Tại cuộc họp báo ngày 17/9, ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố “quần đảo Điếu Ngư và các đảo trực thuộc là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi Nhật Bản tuân theo tinh thần nguyên tắc đồng thuận 4 điểm và cùng Trung Quốc dùng các hành động cụ thể để bảo vệ quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản và cải thiện đại cục phát triển”.
Tàu công vụ Nhật Bản cản phá tàu Trung Quốc vào vùng biển Điếu Ngư/Senkaku tuần tra (Ảnh: China Times).
|
Trước đó, ngày 22/7 ông Uông Văn Bân đã trả lời trong cuộc họp báo về “các tàu hải cảnh Trung Quốc đã hoạt động trong vùng biển của quần đảo Điếu Ngư trong 100 ngày liên tục và phía Nhật Bản đã nhiều lần phản đối”.
Ông nói, “quần đảo Điếu Ngư và các đảo liền kề là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc từ xa xưa; các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc thực hiện việc tuần tra trong vùng biển của quần đảo Điếu Ngư là quyền lợi cố hữu của Trung Quốc. Chúng tôi không chấp nhận cái gọi là “phản đối” của phía Nhật Bản. Cả hai bên cần hành động theo nguyên tắc bốn điểm đã đồng thuận, làm tốt công tác quản lý và kiểm soát hiện trường để ngăn chặn tình hình leo thang”.
Hiện tại, Bảo tàng kỹ thuật số quần đảo Điếu Ngư ở Trung Quốc mới có phiên bản tiếng Trung, các phiên bản sau bằng các ngôn ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Pháp tới đây sẽ được mở trong thời gian thích hợp.