Tờ Nam Hoa buổi sáng Hồng Kông ngày 1/11 dẫn nguồn tin quân đội cho biết một đột phá công nghệ của tàu chiến hải quân sẽ làm cho tàu sân bay tự chế thứ hai của Trung Quốc có thể sử dụng hệ thống phóng máy bay tiên tiến nhất thế giới, không cần sử dụng động cơ hạt nhân, từ đó đã khắc phục được một trở ngại to lớn trong nghiên cứu chế tạo tàu sân bay.
Những nguồn tin này cho hay việc nghiên cứu phát triển “hệ thống đẩy tổng thể” sẽ nâng cao hiệu suất tàu sân bay, cung cấp động lực lớn hơn cho máy phóng điện từ, từ đó không còn phải cần đến hệ thống phóng hơi nước tương đối lạc hậu.
Hai tàu sân bay đầu của Trung Quốc (tàu sân bay Liêu Ninh và tàu chị em Type 001A) là tàu sử dụng động cơ truyền thống, trang bị hệ thống phóng kiểu nhảy cầu do Liên Xô thiết kế, nhưng trên tàu sân bay tự chế thứ hai Type 002 của Trung Quốc sẽ trang bị hệ thống phóng điện từ.
So với hệ thống phóng kiểu nhảy cầu, hệ thống phóng điện từ ít gây ra tổn thất máy bay hơn, có thể làm cho số lượng máy bay phóng lên nhiều hơn, thời gian phóng ngắn hơn.
Trung Quốc rất muốn sử dụng hệ thống phóng điện từ trên tàu sân bay Type 002. Có nguồn tin cho hay: "Khó khăn ở chỗ, tàu sân bay động cơ truyền thống không nhất định có thể ủng hộ hệ thống phóng máy bay điện từ, hiện nay vấn đề này đã được giải quyết".
Phương án giải quyết đến từ một đội ngũ do thiếu tướng Mã Vĩ Minh, kỹ sư cao cấp của hải quân Trung Quốc lãnh đạo. Họ đã phát triển được một mạng lưới dẫn điện trực tiếp trung thế, đã thay thế cho hệ thống dựa trên dòng điện xoay chiều vốn có. Theo đó, công tác nghiên cứu chế tạo tàu sân bay Type 002 có thể sẽ được nhanh chóng bắt đầu.
Chuyên gia công nghệ quân sự Vương Bình từ Trung tâm kỹ thuật điện, Viện khoa học Trung Quốc cho rằng thiết kế sáng tạo này có nghĩa là vũ khí và hệ thống phóng tiêu hao nhiều năng lượng hiện có thể bố trí trên tàu chiến động cơ truyền thống. Công nghệ này không chỉ có thể dùng để phóng máy bay, trong tương lai còn có thể dùng để phóng tên lửa và vệ tinh, thậm chí có thể dùng để chạy đoàn tàu cao tốc.
Một chuyên gia hải quân hiểu rõ chương trình tàu sân bay cho rằng Trung Quốc không nhất thiết phải bắt chước cách làm của Mỹ như sử dụng lò phản ứng hạt nhân để hỗ trợ cho hệ thống phóng điện từ và vũ khí tiêu hao năng lượng cao khác trên tàu chiến.
Bởi vì Trung Quốc đã có công nghệ tiên tiến hơn để giải quyết vấn đề này. Trung Quốc hiện đã có công nghệ hoàn thiện, quân đội Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách với Mỹ.
Theo chuyên gia này, vào năm 2013, Mỹ đã sử dụng “hệ thống đẩy tổng thể” trên tàu khu trục lớp Zumwalt đầu tiên, nhưng về công nghệ, hệ thống này không tiên tiến bằng công nghệ thế hệ thứ hai do đội ngũ của thiếu tướng Mã Vĩ Minh phát triển.
Trước đó, ông Mã Vĩ Minh cho biết mục tiêu cuối cùng trong công tác trên phương diện công nghệ “hệ thống đẩy tổng thể” là giải quyết vấn đề triển khai vũ khí tiêu hao nhiều năng lượng trên tàu chiến. Công nghệ hệ thống phóng máy bay điện từ của Trung Quốc tiên tiến và tin cậy hơn hệ thống phóng trên siêu tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Gerald Ford.