Trang tin Sina Trung Quốc ngày 11/8 cho hay hai năm trước, Trung Quốc và Nga đã ký kết hợp đồng nhập khẩu máy bay chiến đấu Su-35. Đến tháng 12/2016, lô đầu tiên gồm 4 chiếc đã được Nga bàn giao cho Trung Quốc; tháng 6/2017 Nga bàn giao lô 4 chiếc tiếp theo.
Theo kế hoạch, Nga lẽ ra sẽ giao lô thứ ba gồm 4 chiếc Su-35 cho Trung Quốc trước cuối năm 2017 và bàn giao toàn bộ 24 chiếc trong hợp đồng trước cuối năm 2018.
Tuy nhiên, những năm qua, tình hình kinh tế Nga không tốt lắm, thậm chí ngày càng sa sút. Nguyên nhân là bị ảnh hưởng bởi sự tụt dốc của giá cả năng lượng trên toàn cầu. Kinh tế Nga khó khăn đến mức Nga khó có thể duy trì được ngành công nghiệp quân sự của mình, ngay cả việc sản xuất máy bay chiến đấu Su-35 cũng chỉ duy trì được một dây chuyền.
Hiện nay, chỉ có nhà máy KnAAPO ở khu vực Viễn Đông, Nga sản xuất máy bay chiến đấu Su-35, nhưng năng lực sản xuất của nhà máy này hoàn toàn không đáp ứng được tất cả nhu cầu, thậm chí còn chưa đáp ứng được nhu cầu của Không quân Nga.
Việc Nga đã bàn giao 2 lô Su-35 cho Trung Quốc là đã thực hiện chính sách “ưu tiên” cho xuất khẩu. Nhưng tình hình gần đây đã khác. Về cơ bản, Không quân Trung Quốc đã hết hy vọng nhận được lô hàng thứ ba vào cuối năm 2017.
Trên thực tế, không quân Trung Quốc cần bổ sung gấp máy bay chiến đấu Su-35 là do máy bay chiến đấu J-20 vẫn chưa đạt được quy mô.
Các nước láng giềng của Trung Quốc đều muốn mua Su-35
Sau khi Trung Quốc nhập khẩu Su-35 của Nga và Nga cho Su-35 tham chiến ở Syria, máy bay chiến đấu Su-35 đã trở nên nổi tiếng hơn. Rất nhiều nước đã bày tỏ quan tâm đặc biệt đối với loại máy bay này, trong đó có Ấn Độ, Việt Nam và Iran.
Ngoài ra, Indonesia cũng là khách hàng mới nhất của máy bay Su-35. Họ vừa tuyên bố sẽ nhập khẩu 11 máy bay chiến đấu Su-35 và mong muốn được Nga chuyển giao công nghệ Su-35, tiến hành lắp ráp ở Indonesia.
Nhưng bản thân Indonesia không được rảnh rang về tiền bạc như Ấn Độ, không thể tự nhiên bỏ ra vài tỷ USD để mua máy bay Nga. Hiện nay, Indonesia đang căng thẳng về tài chính, vì vậy họ sẽ dùng các sản phẩm như cà phê, chè, dầu cọ và cao su để tiến hành trao đổi với phía Nga.
Hiện nay, Không quân Indonesia sở hữu tổng cộng vài chục máy bay thế hệ thứ ba, bao gồm Su-27, Su-30 và F-16. Tuy nhiên, Không quân Indonesia còn chịu áp lực đáng kể. Bởi vì, các nước láng giềng của Indonesia đều đang trang bị các máy bay chiến đấu mới như Singapore trang bị F-15, Thái Lan trang bị JAS-39 Gripen, Australia trang bị F-35. Do đó, Indonesia chắc chắn đang cân nhắc nhập khẩu lô máy bay chiến đấu tiên tiến để thực hiện cân bằng.
Indonesia đã bỏ ra rất nhiều công sức để sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư. Trước tiên, Indonesia tham gia chương trình máy bay chiến đấu tàng hình KFX của Hàn Quốc, nhưng chương trình này chưa có kết quả gì. Sau đó, Indonesia đã chuyển sự chú ý đến Su-35 của Nga. Nhưng việc giao hàng sẽ khó khăn khi nhìn vào số lượng sản xuất Su-35 hiện nay của Nga.
Việc Trung Quốc, Indonesia đặt mua máy bay chiến đấu Su-35 của Nga cũng đã kích thích một số nước trong khu vực bao gồm Việt Nam cân nhắc mua sắm máy bay chiến đấu mới tiên tiến của Nga.
Được biết, Iran muốn nhập khẩu máy bay chiến đấu Su-35S và Su-30S của Nga, nhưng Nga đã từ chối đề nghị này. Nga cho biết chỉ sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu Su-27SM cho Iran.
Trong tình hình này, theo trang tin Sina, Iran rất có khả năng chuyển sự chú ý tới máy bay chiến đấu J-10 hoặc JH-7 của Trung Quốc. Tuy nhiên, giống như các nước khác, Trung Quốc chắc chắn sẽ không xuất khẩu những máy bay chiến đấu mới nhất của họ. Vì vậy họ sẽ không xuất khẩu máy bay chiến đấu J-10B/C trang bị cho không quân họ cách đây không lâu.
Theo đó, nếu Iran tìm mua máy bay chiến đấu của Trung Quốc thì Trung Quốc có thể sẽ giới thiệu cho Iran máy bay chiến đấu J-10A, phiên bản cơ bản nhất của dòng J-10.
Theo Sina, việc Nga không đáp ứng nhu cầu của Iran đang tạo cơ hội cho Trung Quốc xuất khẩu máy bay chiến đấu ra thị trường quốc tế.