Trung Quốc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc cáo buộc vệ tinh Mỹ đe dọa trạm không gian của họ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vào lúc cuộc chạy đua không gian hai bên ngày càng gay cấn, Trung Quốc cáo buộc vệ tinh của Tập đoàn Mỹ SpaceX hai lần tiếp cận trạm vũ trụ Trung Quốc, đe dọa an toàn, buộc họ phải khẩn cấp tránh va chạm.
Trung Quốc gửi công hàm cáo buộc vệ tinh Mỹ 2 lần tiếp cận đe dọa an toàn của Trạm vũ trụ Trung Quốc trên quỹ đạo (Ảnh: Xinhua).
Trung Quốc gửi công hàm cáo buộc vệ tinh Mỹ 2 lần tiếp cận đe dọa an toàn của Trạm vũ trụ Trung Quốc trên quỹ đạo (Ảnh: Xinhua).

Các cơ quan truyền thông Trung Quốc hôm thứ Hai (27/12) đưa tin Ủy ban Liên hợp quốc về sử dụng hòa bình không gian ngoài Trái Đất mới đây đã thông báo: Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ ở Vienna ngày 3/12 đã đệ trình một công hàm lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phù hợp với Điều 5 của "Hiệp ước về các nguyên tắc thăm dò và sử dụng các hoạt động trong không gian bao gồm Mặt Trăng và các thiên thể khác”, (gọi tắt là "Hiệp ước ngoài không gian") thông báo về sự kiện đe dọa tính mạng và sức khỏe của các phi hành gia trong trạm vũ trụ Trung Quốc.

Công hàm nêu rõ, dự án không gian đưa người vào vũ trụ của Trung Quốc trong năm nay đã thực hiện 5 nhiệm vụ phóng, đưa mô-đun lõi Tianhe (Thiên Hòa) của trạm vũ trụ Trung Quốc, các tàu vũ trụ chở hàng Tianzhou-2 (Thiên Châu) và Tianzhou-3, các phi thuyền có người lái Shenzhou-12 (Thần Châu) và Shenzhou-13 vào quỹ đạo, bay ổn định trong một quỹ đạo gần tròn ở độ cao cách Trái Đất 390 km với độ nghiêng quỹ đạo khoảng 41,5°.

Trạm vũ trụ của Trung Quốc với các phi hành gia đang hoạt động trên quỹ đạo (Ảnh: Xinhua).

Trạm vũ trụ của Trung Quốc với các phi hành gia đang hoạt động trên quỹ đạo (Ảnh: Xinhua).

Trong thời gian này, các vệ tinh Starlink của Tập đoàn Công nghệ Thăm dò Không gian Mỹ SpaceX đã tiếp cận Trạm vũ trụ Trung Quốc hai lần. Vụ thứ nhất: Vệ tinh Starlink-1095 của SpaceX vốn đã hoạt động ổn định trên quỹ đạo có độ cao trung bình khoảng 555 km kể từ ngày 19/4/2020. Từ ngày 16/5 đến ngày 24/6/2021, vệ tinh này liên tục hạ thấp quỹ đạo và chuyển động đến độ cao trung bình là 382 km, rồi tiếp tục chuyển động ở quỹ đạo có độ cao đó. Vào ngày 1/7, đã xảy ra sự kiện tiếp cận gần giữa vệ tinh này và trạm vũ trụ của Trung Quốc. Vì lý do an toàn, Trạm vũ trụ Trung Quốc đã chủ động áp dụng phương án tránh va chạm khẩn cấp vào tối 1/7, tránh nguy cơ va chạm giữa hai mục tiêu.

Vụ thứ hai: Ngày 21/10/2021, vệ tinh Starlink-2305 của Mỹ và Trạm vũ trụ Trung Quốc đã có sự kiện tiếp cận nhau. Cho rằng vệ tinh đang ở trạng thái thay đổi quỹ đạo liên tục, chiến lược cơ động không xác định và không thể đánh giá sai số quỹ đạo và có nguy cơ va chạm với trạm vũ trụ, để đảm bảo an toàn cho các phi hành gia trên quỹ đạo, cùng ngày Trạm vũ trụ Trung Quốc đã một lần nữa thực hiện chế độ tránh va chạm khẩn cấp, tránh nguy cơ va chạm giữa hai mục tiêu.

Chuỗi vệ tinh Starlink của Trung Quốc nhìn từ Trái Đất (Ảnh: Huanqiu).

Chuỗi vệ tinh Starlink của Trung Quốc nhìn từ Trái Đất (Ảnh: Huanqiu).

Tính ra, tổ hợp trạm không gian vũ trụ của Trung Quốc đã phải hai lần chủ động áp dụng các biện pháp kiểm soát phòng ngừa tránh va chạm để ngăn chặn các vụ va chạm với các vệ tinh Starlink. Trong công hàm, Trung Quốc đề nghị ông Tổng thư ký Liên Hợp Quốc thông báo cho các quốc gia thành viên của Hiệp ước ngoài không gian về tình hình nêu trên, nhắc nhở tất cả các quốc gia chịu trách nhiệm quốc tế đối với các hoạt động ngoài vũ trụ và đảm bảo rằng các hoạt động của họ tuân thủ các quy định của hiệp ước.

Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc về các vấn đề ngoài không gian (UNOOSA), "Hiệp ước về không gian bên ngoài" được thông qua tại Đại hội đồng LHQ năm 1966, bắt đầu được các quốc gia kí tham gia từ tháng 1/1967 và có hiệu lực vào tháng 10 cùng năm. Hiệp ước này có giá trị vô thời hạn. Hiệp ước quy định khuôn khổ cơ bản của luật không gian quốc tế. Trung Quốc đã tham gia hiệp ước này năm 1983.

Ông chủ Tập đoàn SpaceX Elon Musk và ước mơ phủ sóng internet toàn cầu bằng mạng lưới vệ tinh starlink (Ảnh: SpaceX).

Ông chủ Tập đoàn SpaceX Elon Musk và ước mơ phủ sóng internet toàn cầu bằng mạng lưới vệ tinh starlink (Ảnh: SpaceX).

Chuyên gia hàng không vũ trụ Trung Quốc Hoàng Chí Trừng ( Huang Zhicheng) cho biết, hiện nay, theo nội dung công hàm, 2 vụ trạm vũ trụ Trung Quốc phải khẩn cấp tránh va chạm là do vệ tinh Starlink của SpaceX hạ thấp quỹ đạo. Mục đích của họ có thể là để tăng cường hiệu suất thông tin liên lạc của Starlink trong một số khu vực. Một khả năng khác là nhằm thăm dò khả năng nhận biết không gian của Trung Quốc và kiểm tra xem liệu Trung Quốc có thể nắm bắt chính xác các hành động của họ hay không.

Ông Elon Musk, Giám đốc điều hành Tập đoàn SpaceX của Mỹ, vào năm 2014 đã đề xuất kế hoạch "Starlink" với ý định xây dựng một mạng lưới vệ tinh phủ sóng Internet khắp thế giới. Cho đến nay, gần 1.900 vệ tinh đã được phóng và mục tiêu cuối cùng có thể tăng lên tới 42 ngàn quả.

Ông Hoàng Chí Trừng chỉ ra rằng các vệ tinh SpaceX đã phóng có độ cao quỹ đạo khoảng 550 km, họ cũng đang có kế hoạch phóng hơn 2.000 vệ tinh lên quỹ đạo 1.000 km. Ngoài ra, còn có hơn 7.000 vệ tinh sẵn sàng được triển khai trên quỹ đạo cách mặt đất 330 km.

Tập đoàn SpaceX sẽ phóng 42 ngàn vệ tinh thông tin lên quỹ đạo (Ảnh: AP)

Tập đoàn SpaceX sẽ phóng 42 ngàn vệ tinh thông tin lên quỹ đạo (Ảnh: AP)

Về mạng lưới vệ tinh dày đặc của SpaceX, Hoàng Chí Trừng cho rằng chúng chắc chắn sẽ gây ra mối đe dọa cho tàu vũ trụ của các quốc gia khác. Theo ông, giới hàng không vũ trụ hiện đang lo ngại về ứng dụng quân sự của các vệ tinh Starlink, vì sau khi hơn 40.000 vệ tinh được triển khai, hoạt động phóng bình thường của các quốc gia khác sẽ bị ảnh hưởng. Và động tác hạ thấp quỹ đạo của các vệ tinh Starlink như trong thông báo của phía Trung Quốc không chỉ làm tăng nguy hiểm cho trạm không gian Trung Quốc, mà còn có thể va chạm với tàu vũ trụ của các nước khác, thực tế đã có nhiều tiền lệ đe dọa an ninh tương tự.

Chuyên gia quân sự hàng không Trung Quốc Trương Bảo Hâm (Zhang Baoxi) thì cho rằng hai lần tiếp cận nguy hiểm có thể là một cuộc thăm dò được tính toán trước ​​để thăm dò về công nghệ hàng không vũ trụ của Trung Quốc. Cho rằng SpaceX cũng có các công nghệ liên quan, có thể thông qua các hành động này nhằm biết được mức độ phát triển của công nghệ khám phá không gian, tốc độ phản ứng của trạm vũ trụ và ngưỡng tránh né của Trung Quốc.

Các vệ tinh Starlink của SpaceX trên quỹ đạo (Ảnh: SpaceX).

Các vệ tinh Starlink của SpaceX trên quỹ đạo (Ảnh: SpaceX).

Cũng có một số cư dân mạng Trung Quốc nghi ngờ rằng hai lần tiếp cận này là để chuẩn bị cho "cuộc chiến tranh không gian" sau này. Trương Bảo Hâm cho rằng nếu phán đoán từ góc độ này, chỉ có thể nói rằng đây là bước thăm dò của "chiến tranh không gian". Nếu xảy ra sự cố, có thể đổ trách nhiệm cho SpaceX. Theo ông, các vệ tinh Starlink của SpaceX giương chiêu bài dân dụng, nhưng trên thực tế đã thực sự trở thành nhà cung cấp của Bộ Quốc phòng Mỹ. Hầu hết các nhà đầu tư và sử dụng chính của dự án đều có yếu tố quân sự.