Mỹ trừng phạt 12 cơ quan nghiên cứu Trung Quốc vì phát triển vũ khí điều khiển bộ não con người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cho rằng Trung Quốc đang phát triển "vũ khí điều khiển bộ não", Mỹ đã thẳng tay trừng phạt các cơ quan nghiên cứu Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Viện Khoa học Quân y Trung Quốc cùng 11 cơ quan nghiên cứu khác bị Bộ Thương mại Mỹ trừng phạt vì phát triển vũ khí điều khiển não (Ảnh: Sina).
Viện Khoa học Quân y Trung Quốc cùng 11 cơ quan nghiên cứu khác bị Bộ Thương mại Mỹ trừng phạt vì phát triển vũ khí điều khiển não (Ảnh: Sina).

Ngày 16/12, theo giờ địa phương, Cục An ninh Công nghiệp (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra phán quyết cuối cùng, đưa 25 thực thể Trung Quốc trong đó có Học viện Khoa học Quân y và 11 công ty công nghệ sinh học Trung Quốc vào "Entity List” (Danh sách thực thể), cho rằng Trung Quốc đang sử dụng công nghệ sinh học mới nổi để phát triển các ứng dụng quân sự trong tương lai; trong đó bao gồm "chỉnh sửa gen, nâng cao tính năng của cơ thể người và kết nối máy tính với não người."

Theo báo Mỹ Washington Post ngày 17/12, trong đợt trừng phạt do Cục An ninh Công nghiệp (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 16/12, có tổng cộng 37 thực thể được đưa vào danh sách "vi phạm chính sách đối ngoại và lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”. Theo quy định của chính phủ Mỹ, không ai có thể xuất khẩu công nghệ Mỹ cho các thực thể có tên trong danh sách nếu không có giấy phép xuất khẩu của chính phủ Mỹ.

Báo Anh Finacial Times viết về Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang phát triển vũ khí điều khiển não người.

Báo Anh Finacial Times viết về Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang phát triển vũ khí điều khiển não người.

Washington Post cho biết lý do của lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc và 11 cơ quan nghiên cứu khoa học khác là do họ đang phát triển "vũ khí điều khiển não bộ" (brain-control weaponry). Các quan chức cấp cao của Mỹ tuyên bố rằng Trung Quốc đang sử dụng công nghệ sinh học mới nổi để phát triển các ứng dụng quân sự trong tương lai, bao gồm "chỉnh sửa gen, nâng cao hiệu suất của con người và kết nối máy tính với não người."

Michael Orlando, người đứng đầu Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NCSC), trước đó tuyên bố rằng Mỹ đã cảnh báo các công ty của họ rằng Trung Quốc đang lấy cắp công nghệ của Mỹ trong 5 lĩnh vực then chốt, trong đó có công nghệ sinh học.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 16/12, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo một lần nữa chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Tân Cương. Bà cho rằng “Trung Quốc đang sử dụng những công nghệ này để tìm kiếm kiểm soát người dân và đàn áp các nhóm sắc tộc và tôn giáo”, "không thể cho phép các hàng hóa, công nghệ và phần mềm hỗ trợ đổi mới khoa học y tế và công nghệ sinh học được phép chuyển dùng cho các mục đích đi ngược với an ninh quốc gia của Mỹ."

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo (Ảnh: Deutsche Welle).

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo (Ảnh: Deutsche Welle).

Ngoài ra, cùng ngày 16/12, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố xác định 8 công ty công nghệ Trung Quốc trong đó có hãng sản xuất máy bay không người lái DJI là “tổ hợp công nghiệp quân sự” của Trung Quốc, đồng thời cho rằng 8 công ty này đang tiến hành "theo dõi và giám sát sinh trắc học" ở khu tự trị Tân Cương. 8 công ty này trước đây đã được liệt kê trong “Danh sách thực thể” của Bộ Thương mại. Theo đó, không người Mỹ nào được phép bán hoặc mua cổ phiếu niêm yết công khai và chứng khoán phái sinh của các công ty này.

Trên thực tế, đây là lần thứ hai Mỹ đưa DJI và 7 công ty công nghệ khác vào "Danh sách thực thể" vì lý do tương tự. Trước đó, trước những cáo buộc của Mỹ, Công ty DJI đã tuyên bố trong phản hồi vào năm 2020 rằng họ thất vọng với quyết định của Bộ Thương mại Mỹ, khách hàng Mỹ có thể tiếp tục mua và sử dụng các sản phẩm của DJI như bình thường.

Điều đáng chú ý là cùng ngày, Thượng viện Mỹ đã thông qua "Đạo luật ngăn chặn cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ", sau đó sẽ được gửi tới Tổng thống Joe Biden để ký thành luật. Dự luật này sẽ cấm hoàn toàn Mỹ nhập khẩu tất cả các sản phẩm từ Tân Cương.

Trang web của Bộ Thương mại Mỹ đưa tin liên quan đến việc Mỹ trừng phạt

Trang web của Bộ Thương mại Mỹ đưa tin liên quan đến việc Mỹ trừng phạt

Về việc Mỹ đưa 25 thực thể của Trung Quốc bao gồm Viện Khoa học Quân y vào “Danh sách thực thể”, ông Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, đã gửi thư tới ban biên tập của báo Washington Post: “Trung Quốc luôn phản đối Mỹ quá mở rộng khái niệm An ninh Quốc gia để tiến hành đàn áp vô cớ các công ty và cơ quan nghiên cứu Trung Quốc. Sự thật về vấn đề Tân Cương là rất rõ ràng. Sự phát triển công nghệ sinh học của Trung Quốc luôn vì lợi ích của nhân loại."

Ông Lưu Bằng Vũ nói, các biện pháp quản chế xuất khẩu của chính quyền Biden đối với các thực thể Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng các quy tắc thương mại tự do, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của các ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu, cản trở sự phát triển của khoa học và công nghệ của nhân loại, và gây tổn hại nghiêm trọng hạnh phúc và lợi ích của nhân dân các nước, trong đó có Mỹ."

Công ty chế tạo máy bay không người lái hàng đầu thế giới DJI bị Mỹ trừng phạt lần thứ hai trong vòng 2 năm (Ảnh: Dwnews).

Công ty chế tạo máy bay không người lái hàng đầu thế giới DJI bị Mỹ trừng phạt lần thứ hai trong vòng 2 năm (Ảnh: Dwnews).

Phía Trung Quốc đã nhiều lần nêu quan điểm kiên quyết phản đối việc Quốc hội Mỹ sử dụng các vấn đề liên quan đến Tân Cương để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên hôm 15/12 tuyên bố “một số chính trị gia Mỹ liên tục sử dụng các vấn đề liên quan đến Tân Cương để bịa đặt gây chuyện. Đây là mượn chiêu bài nhân quyền để thao túng chính trị và độc chiếm kinh tế, mưu đồ ‘dùng Tân Cương kiềm chế Trung Quốc’, kìm hãm Trung Quốc phát triển, âm mưu thâm độc của họ sẽ không bao giờ thành công, sẽ chỉ làm sụp đổ thêm uy tín và hình ảnh của chính phủ và Quốc hội Mỹ ở Trung Quốc. Quyết tâm bảo vệ an ninh quốc gia và các lợi ích phát triển của Trung Quốc là kiên định không đổi. Nếu Mỹ cứ thúc đẩy dự luật liên quan, Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả.

Được biết, ngoài các cơ quan nghiên cứu công nghệ y sinh, bị đưa vào “danh sách thực thể” của Bộ Thương mại Mỹ còn có thêm Công ty TNHH Công nghệ Hoa Hải Trí Hối (Huahai), Công nghệ cáp quang Giang Tô Hengtong, Công ty Cáp tàu ngầm cao thế Giang Tô Hengtong…và các công ty Trung Quốc khác. Phía Mỹ cáo buộc họ đã mua lại hoặc có ý định để có được công nghệ của Mỹ để hỗ trợ xây dựng quân đội Trung Quốc. Các công ty nằm trong danh sách đen sẽ có ngưỡng mua công nghệ Mỹ cao hơn đáng kể trong tương lai. Các nhà cung cấp Mỹ phải được phép của Bộ Thương mại Mỹ mới có thể tiến hành giao dịch với họ.