Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có trong tay nhiều tàu sân bay đến mức Biển Đông sẽ bị nước này biến thành một "ao nhà", báo cáo công bố mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cảnh báo, theo Washington Post.
Theo CSIS, với việc Bắc Kinh tiếp tục phát triển các cụm tàu sân bay chiến đấu, có nòng cốt là những tàu sân bay do nước này tự đóng, cộng với tham vọng vươn ra biển xa của hải quân, Trung Quốc sẽ chiếm thế áp đảo về quân sự trên Biển Đông.
CSIS dẫn lại sách trắng quốc phòng của Trung Quốc, có đoạn "quân đội Trung Quốc (PLA) trong tương lai gần sẽ hoạt động bên ngoài Chuỗi đảo Thứ nhất và tiến vào Ấn Độ Dương. Yêu cầu áp dụng hướng mở rộng này của PLA sẽ là mối lo ngại lớn nhất của Mỹ, và nó sẽ dần dần vươn tầm ảnh hưởng của PLA cũng như nhấn mạnh các 'hoạt động an ninh phi truyền thống'".
Trung Quốc luôn muốn đột phá"chuỗi đảo thứ nhất" (đường đỏ), để tăng cường hoạt động quân sự ra đại dương. Đồ họa:Pentagon |
Tổ chức tư vấn này cho rằng Trung Quốc trong thời gian tới sẽ mạnh tay đầu tư phát triển và triển khai nhiều cụm tàu sân bay chiến đấu. Những cụm tàu sân bay này sẽ gia tăng đáng kể khả năng phát huy sức mạnh của hải quân Trung Quốc, và đến năm 2030, "Biển Đông sẽ gần như trở thành ao nhà của Trung Quốc, giống như vùng Caribe hay Vịnh Mexico của Mỹ hiện nay".
Theo dự đoán của CSIS, sự góp mặt của những cụm tàu sân bay chiến đấu này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc "chơi rắn" hơn và lấn lướt các quốc gia láng giềng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở châu Á, đặc biệt là trên Biển Đông.
Hồi cuối năm ngoái, Trung Quốc xác nhận đang đóng một tàu sân bay thứ hai, và dự kiến đóng thêm nhiều tàu sân bay nữa trong những năm tới. Hiện nước này chỉ có một tàu sân bay duy nhất mang tên Liêu Ninh, được cải hoán từ một tàu cũ mua của Ukraine.
"Với các nước khác ở Biển Đông, đây sẽ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi. Lúc đó, sẽ luôn có một cụm tàu sân bay chiến đấu Trung Quốc hiện diện ở các khu vực tranh chấp, hoặc trong phạm vi nửa ngày đường", báo cáo của CSIS nhấn mạnh.
Biển Đông đang là một trong những điểm nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trên vùng biển quan trọng này, Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với một loạt các nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Hai năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp trên những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ chiếm đóng trái phép. Ít nhất ba đường băng dài khoảng 3.000 mét đã được xây dựng trên các đảo nhân tạo phi pháp này, biến chúng thành những "tàu sân bay không thể chìm" ở Biển Đông, theo các chuyên gia phân tích.
Hôm qua, Trung Quốc tuyên bố đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến tác nghiệp tại tọa độ 17°06′18″N/110°02′25″E , cách đường trung tuyến giả định (giữa hai đường cơ sở Việt Nam - Trung Quốc) khoảng 21,4 hải lý về phía đông, trong khu vực chồng lấn chưa được phân định giữa thềm lục địa miền Trung Việt Nam và thềm lục địa đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Tờ NYTimes dẫn lời luật sư Nguyễn Hùng Cường, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo cho rằng việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 trở lại vùng biển chưa được phân định trên Biển Đông là hành vi "cố tình leo thang căng thẳng" của Bắc Kinh để phục vụ cho tham vọng lãnh thổ của mình ở khu vực này.
Máy bay Trung Quốc hạ cánh trái phép trên đường băng xây dựng tại đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa. Ảnh: Chinanews |
Trong email trả lời phỏng vấn tờ báo này, chuyên gia về Việt Nam Jonathan London tại Khoa Nghiên cứu châu Á và Quốc tế của Đại học Hong Kong cho rằng hành động kéo giàn khoan ra cửa vịnh Bắc Bộ chứng tỏ "Bắc Kinh đã phớt lờ các thông lệ quốc tế" cũng như những yêu cầu chính đáng của Việt Nam.
Cán cân bất lợi cho Mỹ
Bản báo cáo dài 275 trang trên của CSIS được thực hiện theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ nhằm đánh giá lại chiến lược của nước này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo nhấn mạnh rằng Mỹ cần phải tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực để cân bằng sức mạnh, khi lợi thế quân sự đang dần nghiêng về phía Trung Quốc.
Các chuyên gia của CSIS vẽ ra một viễn cảnh ảm đạm của Mỹ ở khu vực châu Á, khi cho rằng những thách thức như mối quan hệ ngày càng xấu đi với Nga, tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, và chương trình hạt nhân Triều Tiên sẽ làm thay đổi những tính toán quân sự của Mỹ.
Theo đó, các biện pháp thực hiện chiến lược tái cân bằng sang châu Á của Mỹ đã không còn phù hợp để bảo vệ các lợi ích của nước này. "Hành động của một số nước trong khu vực thường xuyên thách thức độ tin cậy trong các cam kết an ninh của Mỹ. Khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ không bắt kịp được với các đối thủ tiềm tàng, khiến cán cân quyền lực quân sự đang dịch chuyển theo hướng bất lợi cho Washington", CSIS cho biết.
Các chuyên gia chỉ ra rằng nếu ảnh hưởng địa chính trị, quân sự và kinh tế của Trung Quốc tiếp tục gia tăng dù với tốc độ khiêm tốn nhất, thế giới sẽ chứng kiến một cuộc "soán ngôi" quyền lực toàn cầu lớn nhất kể từ khi Mỹ trỗi dậy vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Để tránh nguy cơ này, CSIS kêu gọi chính quyền Tổng thống Barack Obama triển khai thêm tàu ngầm hạt nhân tấn công và tàu chiến duyên hải đến châu Á, tăng cường các hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực và đàm phán với các nước để không quân Mỹ có thể hiện diện nhiều hơn tại các sân bay ở đây.
Tổ chức tư vấn uy tín này vạch ra ba đề xuất khác cho Mỹ: thống nhất chiến lược châu Á ngay bên trong chính phủ Mỹ và với các đồng minh, đối tác; tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực; và phát triển các vũ khí mới, chẳng hạn như các tên lửa tầm xa tiên tiến.
CSIS chỉ ra rằng đến nay Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra được một chiến lược nhất quán và rõ ràng đối với vấn đề châu Á. Các chuyên gia thực hiện báo cáo cho hay họ không tìm thấy bất cứ tài liệu nào của chính phủ mô tả một cách chi tiết chiến lược tái cân bằng châu Á. Các quan chức trong Bộ Quốc phòng, Quốc hội và nhiều cơ quan khác cũng rất bối rối về chiến lược này và cách thức thực hiện. Chính điều này sẽ khiến các tàu chiến Mỹ hoạt động ở châu Á, nhất là trên Biển Đông, phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn, CSIS cho hay.
"Ngoài thống nhất chiến lược tái cân bằng, Mỹ cũng phải chú trọng nâng cao khả năng phòng thủ cho các đồng minh và đối tác trong khu vực để đối phó với những mối đe dọa ngày càng lớn. Thách thức an ninh đang tăng nhanh hơn khả năng ứng phó của những quốc gia khu vực này", CSIS nhấn mạnh.
Theo VnE