Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc, Ngô Khiêm hôm 28/10/2016 đã thông báo hoàn thành đóng tàu sân bay và đã bắt đầu lắp đặt thiết bị lên tàu. Việc đóng tàu đang được tiến hành hết tốc lực tại xưởng đóng tàu Dalian Shipbuilding Industry Company (Group) ở Đại Liên. Đây sẽ là tàu sân bay thứ hai trong biên chế hải quân Trung Quốc sau tàu Liêu Ninh.
Báo chí Trung Quốc gọi sự xuất hiện của tàu sân bay là một phần của các kế hoạch của nước này mở rộng năng lực của hạm đội trong bối cảnh những thách thức gia tăng tại vùng biển tranh chấp trên biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như để bảo vệ lợi ích quốc gia ở xa biên giới Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ chính thức thông báo việc đóng tàu sân bay nội địa vào cuối năm 2015. Tháng 7, tạp chí Jane's Defence Weekly đã đăng bức ảnh vệ tinh của tàu này. Bề ngoài tàu này gần như giống với tàu sân bay Varyag lớp Projekt 11436 của Liên Xô. Năm 1998, Trung Quốc mua lại tàu Varyag của Ukraine, sau đó hiện đại hóa và đổi tên thành Liêu Ninh (có lúc còn gọi là Thi Lang). Tàu Liêu Ninh được đưa vào biên chế từ năm 2013. Trên tàu có thể bố trí đến 30 máy bay. Hiện nay, trên tàu đang tiến hành thử nghiệm cất/hạ cánh cho tiêm kích trên hạm.
Chuyên gia Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga, ông Vasily Kashin cho rằng, Ngô Khiêm mới chỉ tuyên bố hoàn thành đóng thân tàu, bởi vậy cho đến khi đưa tàu vào biên chế còn mất nhiều năm hoàn thiện và thử nghiệm nữa. “Nhưng đây là giai đoạn quan trọng. Trung Quốc đang tiến về phía trước, tàu sân bay đầu tiên của họ sẽ được cải tiến so với Varyag. “Tàu Varyag của Nga là nền tảng thiết kế tàu sân bay Trung Quốc”, ông Kashin nói và nhắc đến việc vào đầu những năm 1990, người Trung Quốc đã mua được gần như toàn bộ bộ tài liệu thiết kế Varyag của Viện thiết kế Nevskoye PKB.
Kashin cho biết, Bắc Kinh dự định đóng tổng cộng 2 tàu sân bay giống với Varyag, sau đó sẽ đến lúc đóng các tàu sân bay hạt nhân theo kiểu Mỹ. Một trong những khác biệt chủ yếu sẽ là không cphóng máy bay điện từ.
“Cầu bật làm cho tàu sân bay rẻ đi, nhưng đồng thời lại tạo ra những hạn chế lớn đối với việc sử dụng máy bay. Những hạn chế này liên quan đến trọng lượng cất cánh của máy bay. Không thể sử dụng máy bay với mức trang bị sức kéo thấp, ví dụ như máy bay radar báo động sớm lắp động cơ turbine cánh quạt. Máy bay đó đơn giản à không đủ công suất để cất cánh từ cầu bật... Mà họ lại muốn các cụm tàu sân bay xung kích thực sự. Chúng ta đã cho phép người Trung Quốc làm được bước đầu tiên, còn tiếp đó họ sẽ không tiến trong khuôn khổ trường phái đóng tàu sân bay của Nga”, Vasily Kashin giải thích.
Trước đó, báo chí Đài Loan cũng đưa tin, trong tương lai, Trung Quốc dự định trông cậy vào các tàu sân bay nguyên tử. Trong các tài liệu nội bộ của tổng công ty công nghiệp đóng tàu có nói đến ưu tiên đóng tàu ngầm và tàu sân bay hạt nhân. Tàu sân bay đầu tiên lắp động lực hạt nhân dường nhưa đang được đóng tại xưởng đóng tàu khác ở Đại Liên là CSIC. Việc đóng tàu sẽ mất không dưới 6 năm. Các nhà phân tích Mỹ cho rằng, Trung Quốc sẽ có thể hoàn thành mấy tàu sân bay hạt nhân chỉ trong 15 năm tới.
Trong một báo cáo của Lầu Năm góc có nói rằng, các tàu sân bay Trung Quốc trong tương lai sẽ có tính năng mạnh hơn, cụ thể là trọng tải, cũng như các mẫu máy bay có thể tiếp nhận và thiết bị như phương tiện tác chiến điện tử, chống ngầm và báo động sớm.
Phó Chủ tịch thứ nhất Học viện Các vấn đề địa-chính trị, Đại tá hải quân dự bị Konstantin Sivkov cũng coi việc bắt đầu lắp thiết bị cho tàu sân bay tương lai là một mốc lớn trong lịch sử Trung Quốc.
Sivkov cho rằng, phi đội trên tàu cũng tương đương về thành phần với phi đội trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga. Các hệ thống thông tin-chỉ huy cũng tương đương, nhưng tàu Nga hoàn thiện hơn về kỹ thuật, trước hết là các phương tiện phòng không; các phương tiện quan sát của Kuznetsov cũng hoàn thiện hơn. Nếu như tàu Nga có anten mạng pha thì tàu Trung Quốc không có. Nhưng nhìn chung đó là các tàu tương đương nhau.
Nhờ tàu sân bay này, Bắc Kinh sẽ có thể tiến hành các chiến dịch ở xa bờ biển của mình. “Trung Quốc sẽ có khả năng phô trương sức mạnh. Họ sẽ có thể phái tàu sân bay này đến mọi nơi trên thế giới cùng với các tàu bảo vệ và lực lượng đổ bộ - và thực thi lợi ích của mình ở đó”, ông Sivkov nói.
Ông không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ có thể sử dụng tàu sân bay để bảo vệ các lợi ích của mình ở bờ biển Syria hay Somalia, nơi mà Trung Quốc hiện có căn cứ hải quân cách đó không xa là ở Djibouti. Nhưng ông Sivkov cũng nghi ngờ khả năng Trung Quốc sử dụng tàu sân bay trong tranh chấp đảo với các nước láng giềng ở Biển Đông. “Các đảo này nằm trong tầm với của không quân Trung Quốc. Lực lượng này (không quân Trung Quốc) đông đảo, hùng mạnh nên tàu sân bay mới sẽ không có ảnh hưởng lớn đối với việc này”, ông Sivkov nhận định.
Theo VND