Các nhà phân tích cho biết, Trung Quốc đã xây dựng các mục tiêu phát triển của mình cho năm 2035, chú trọng nhiều hơn đến sự tự cường về công nghệ, an ninh quốc gia và phát triển nông thôn, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đang đặt “ưu tiên công nghệ cao lên hàng đầu trong tất cả các chính sách kinh tế.”
Được biết, mục tiêu này được công bố tại lễ khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 diễn ra vào thời điểm Trung Quốc bị Hoa Kỳ kìm chân trong lĩnh vực công nghệ và các xung đột địa chính trị như Nga với Ukraine.
Bài phát biểu của ông Tập tại Bắc Kinh cho biết Trung Quốc sẽ “tăng cường đáng kể sức mạnh kinh tế, khả năng khoa học và công nghệ, và sức mạnh tổng hợp của quốc gia; tăng trưởng cơ bản [tổng sản phẩm quốc nội] bình quân đầu người ngang bằng với một quốc gia đã phát triển”.
Báo cáo nói thêm rằng Trung Quốc cũng sẽ tìm cách “gia nhập hàng ngũ các quốc gia đổi mới nhất thế giới, với khả năng tự lực cùng sức mạnh to lớn về khoa học và công nghệ”.
Các mục tiêu phát triển năm 2035 là một trong hai bước để Trung Quốc trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại.
“Trung Quốc đang ưu tiên công nghệ cao lên hàng đầu trong tất cả các chính sách kinh tế, đáp trả lại cuộc chiến công nghệ do Đạo luật Khoa học và Chip của Mỹ áp đặt”, nhà kinh tế trưởng ING, Greater China, Iris Pang, cho biết.
Ông Tập nói rằng Trung Quốc đã gia nhập hàng ngũ những "nhà sáng tạo của thế giới" khi chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của quốc gia này tăng gần gấp ba lần trong thập kỷ qua, lên 2,8 nghìn tỉ nhân dân tệ (390 tỉ USD) vào năm ngoái. Theo Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, Mỹ đã chi 708 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển vào năm 2020.
Trung Quốc đã tăng một bậc lên vị trí thứ 11 trong Chỉ số Đổi mới Toàn cầu trong năm nay, do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới tổng hợp vào tháng trước.
Ông Tập cũng đề cập đến những đột phá trong một số công nghệ cốt lõi của thập kỷ qua, đặc biệt nêu bật những tiến bộ trong các hoạt động khám phá vũ trụ, thám hiểm không gian, siêu máy tính, định vị vệ tinh, thông tin lượng tử và chế tạo máy bay cỡ lớn.
Bắc Kinh đưa ra chiến lược lưu thông kép, cam kết đạt được sự cân bằng giữa phát triển và an ninh trong bối cảnh quan hệ với các nước phương Tây ngày càng xấu đi, nền kinh tế toàn cầu phục hồi yếu ớt và tác động tiêu cực từ các hạn chế của Hoa Kỳ.
Chính quyền Tổng thống Biden mô tả Trung Quốc là "thách thức địa chính trị để lại hậu quả lớn nhất" trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của Hoa Kỳ để kiềm chế quá trình tiến bộ công nghệ Trung Quốc.
Theo SCMP, Bắc Kinh có thể sử dụng các chính sách ưu đãi về thuế đối với các tập đoàn và công ty được nhà nước hậu thuẫn để khuyến khích nghiên cứu công nghệ cao.
Bắc Kinh cũng tuyên bố “củng cố toàn diện hệ thống an ninh quốc gia và năng lực an ninh quốc gia” nhằm hoàn thành quá trình hiện đại hóa cơ bản của quốc phòng và lực lượng vũ trang.
Bắc Kinh có kế hoạch tăng chất lượng sống của người dân ở các vùng nông thôn vào năm 2035.
Báo cáo từ Eurasia Group có trụ sở tại Mỹ cho biết: “Việc tập trung nhiều hơn vào khoa học và giáo dục cho thấy ông Tập đang đặt cược vào sự đổi mới như một giải pháp cho triển vọng tăng trưởng mờ nhạt của Trung Quốc và sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây.”
"Việc nhấn mạnh vào an ninh quốc gia phản ánh việc ông Tập nâng cao an ninh như một bổ sung cần thiết cho sự phát triển trải dài trên nhiều lĩnh vực chính sách, bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường."
Theo SCMP