Tòa án trọng tài Liên Hợp Quốc sẽ sớm phán quyết về vụ Philippines kiện “lưỡi bò” ngang ngược của Trung quốc ở Biển Đông. Chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ bác bỏ phán quyết vì Bắc Kinh đã xem Biển Đông là ao nhà, thuộc cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” của nước này.
Tuy nhiên, AsiaTimes nhận định vấn đề bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng ít tính kinh tế (liên quan đến dầu khí hay đánh bắt cá) và ngày càng đẩy mạnh quá trình quân sự hóa vùng biển này. Biển Đông, do đó đang trở thành khu vực phòng thủ then chốt đối với Trung Quốc.
Theo AsiaTimes, ngày càng rõ ràng rằng Trung Quốc có ý đồ biến Biển Đông thành một khu vực tác chiến quân sự riêng của Trung Quốc. Điều này có thể được nhận thấy qua hàng loạt các hành động gần đây của Trung Quốc. Trước tiên là việc tăng cường hoạt động của lược lượng “ngư dân vũ trang” Trung Quốc hay còn gọi là “những người lịch sự” kiểu Trung Quốc ồ ạt xuống Biển Đông và đụng độ với tàu bè của các nước khác, cả với tàu bè thương mại cũng như hải quân.
Đó không đơn giản là các ngư dân tham gia “hoạt động yêu nước”. Ngược lại, theo các nhà nghiên cứu thuộc Trường Hải chiến Mỹ (NWC), các tàu của lực lượng này thuộc lực lượng dân quân được Bắc Kinh tài trợ và thực tế hoạt động như một lực lượng quân sự bán thời gian.
Lực lượng này gửi về các thông tin tình báo thu thập được, giương cờ Trung Quốc để xác quyết yêu sách chủ quyền. Tuy nhiên, lực lượng này không vượt qua việc tạo ra những đụng độ nhỏ với tàu bè các nước khác, trong khi tạo cớ cho hải quân Trung quốc và các lực lượng bán quân sự, nhất là hải cảnh Trung Quốc can thiệp và nhờ thế tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông.
Trường Hải chiến Mỹ chỉ ra rằng dân quân biển Trung Quốc ngày càng trở thành lực lượng hoạt động tích cực và hung hăng hơn và đó là một thành phần quan trọng phục vụ mục tiêu chiến lược ngày càng lớn trong chiến lược “3D” của Trung Quốc ở Biển Đông: Declare (tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc), Deny (bác bỏ chủ quyền của các nước khác), và Defend (bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc).
Quân sự hóa Biển Đông trên quy mô lớn và hạm đội tàu sân bay
Đồng thời, chương trình xây đảo nhân tạo hung hăng của Trung Quốc (hoàn toàn bất hợp pháp theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển) tại quần đảo Trường Sa trong vài năm gần đây có vẻ như đã bước vào giai đoạn hai: Quân sự hóa trên quy mô lớn các vị trí của Trung Quốc ở Biển Đông. Bao gồm xây dựng các đường băng ở đá Chữ Thập, đá Subi, đá Vành Khăn, lắp đặt các trạm radar và thậm chí triển khai tạm thời các vũ khí di động như các khẩu đội pháo trên các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp này.
Quan trọng hơn, đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), một trong những đảo lớn nhất tại Biển Đông đã được tăng cường quân sự rất mạnh trong những năm gần đây. Một đường băng dài 2.700m có thể tiếp nhận hầu như tất cả các loại chiến đấu cơ phản lực của Trung Quốc (thực tế, máy bay chiến đấu J-11B gần đây đã được phát hiện trên đảo này). Ngoài ra, Trung Quốc còn cải tạo cảng và đầu năm 2016 đã triển khai tên lửa phòng không tầm xa tại Phú Lâm.
Nhân tố thứ ba bổ sung thêm vào tình hình phức tạp là Trung Quốc đang phát triển hạm đội tàu sân bay của mình. Hiện nay, hải quân Trung Quốc mới chỉ có tàu sân bay duy nhất là Liêu Ninh (vốn là tàu Varyag của Liên Xô trước đây được cải tạo lại). Tàu sân bay Liêu Ninh về cơ bản chỉ là một tàu huấn luyện và chưa được sử dụng vào các chiến dịch quân sự hiện tại và là cơ sở quan trọng cho các tàu sân bay nội địa Trung Quốc tự chế tạo.
Trung Quốc đang tự đóng tàu sân bay thứ hai dựa trên thiết kế tàu Liêu Ninh. Việc này dĩ nhiên có những hạn chế của nó. Liêu Linh sử dụng kiểu cất cánh cầu bật, thay vì dùng máy phóng như các tàu sân bay Mỹ. Phương pháp này giảm đáng kể số lượng máy bay có thể triển khai trên một tàu sân bay và cũng như giới hạn năng lực của máy bay khiến trọng lượng cất cánh phải giảm bớt và không thể mang được nhiều nhiên liệu và vũ khí.
Tuy nhiên, có vẻ các tàu sân bay Trung Quốc sau này sẽ lớn hơn và có thể dùng máy phóng máy bay, thậm chí sử dụng hệ thống phóng điện từ tương tự như tàu sân bay mới nhất của Mỹ là mẫu hạm USS Gerald R. Ford. Hầu hết các nhà phân tích tin rằng cuối cùng Trung Quốc muốn sở hữu một hạm đội bao gồm ít nhất 3 tàu sân bay và thậm chí lên tới 6 chiếc, tùy thuộc vào ý muốn của Bắc Kinh.
Nếu như Trung Quốc có không chỉ một chiếc mà là một hạm đội tàu sân bay, việc này sẽ tác động lớn đến cán cân sức mạnh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này có nghĩa hải quân Trung Quốc sẽ định hướng lại xung quanh mô hình cụm tác chiến tàu sân bay, với mẫu hạm là trái tim của một cụm tác chiến bao gồm các tàu ngầm, khu trục hạm và tàu hộ vệ - một hệ thống hợp nhất phóng chiếu quyền lực tốt nhất.
Các cụm tác chiến tàu sân bay như vậy nằm trong số các công cụ sức mạnh quân sự uy lực nhất, với lực lượng viễn chinh tấn công có ảnh hưởng lớn. Thêm nữa, dường như ít nhất một vài trong số các tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ đóng trú tại đảo Hải Nam, ngay sát Biển Đông.
Hiểm lộ của Bắc Kinh
Lực lượng hợp nhất nói trên kết hợp với sự nổi lên của lực lượng dân quân biển cũng như việc tăng cường quân sự hóa Biển Đông bộc lộ một dự báo chiến lược mới tại vùng biển này. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu tại Trường Hải chiến Mỹ nhìn nhận Trung Quốc ngày càng tìm cách tăng cường thống trị Biển Đông, không chỉ như sức mạnh trên biển mà cả sức mạnh trên đất liền.
Theo giới chuyên gia Mỹ, việc triển khai thường trực sức mạnh quân sự tại các căn cứ trên bộ ở cả hai điểm cực trên Biển Đông là đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm ở phía tây cũng như các đảo nhân tạo mới xây dựng phi pháp ở phía đông, có nghĩa rằng Trung Quốc về cơ bản đang cố gắng biến Biển Đông thành một eo biển. Nói cách khác, Bắc Kinh tìm cách biến đổi Biển Đông từ một tuyến hải lộ quốc tế thành một tuyến đường biển do Trung Quốc kiểm soát và một hiểm lộ chiến lược đối với các quốc gia khác.
AsiaTimes đánh giá, việc quân sự hóa Biển Đông không chỉ giảm bớt không gian mở của hàng hải Đông Nam Á, mà còn tăng mạnh khả năng Biển Đông sẽ trở thành một điểm nóng leo thang xung đột. Trung Quốc không chỉ quân sự hóa Biển Đông, việc này đang biến nó thành quá quan trọng không thể để mất đối với Bắc Kinh. Trung Quốc đang càng ngày càng dấn vào một cuộc chơi nguy hiểm và đồng thời nước này dường như không đánh giá đúng những hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng do hành động của mình, AsiaTimes kết luận.