|
Ông Tập Cận Bình đi kiểm duyệt đội hình lực lượng tham gia diễu binh |
Cuộc diễu binh, diễu hành lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc
Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Lý Khắc Cường, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Tập Cận Bình đã “có bài phát biểu quan trọng”. Ông Tập Cận Bình nói: “70 năm trước đây, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập là sự kiện vĩ đại đã thay đổi triệt để vận mệnh bi thảm hơn 100 năm nghèo nàn, yếu ớt, bị người khác bắt nạt”. Ông nêu rõ, hiện nay “phải kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kiên trì nhân dân là chủ thể, kiên trì con đường Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, quán triệt thực hiện toàn diện lý luận cơ bản, đường lối, phương châm của Đảng; trên con đường tiến lên phải kiên trì phương châm hòa bình thống nhất, một quốc gia hai chế độ, giữ cho Hồng Kông và Ma Cao phồn vinh, ổn định lâu dài; thúc đẩy phát triển hòa binh quan hệ giữa hai bên bờ eo biển, đoàn kết mọi người Trung Hoa, tiếp tục phấn đấu để thực hiện hoàn toàn thống nhất đất nước”.
|
Ông Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc diễu binh,diễu hành
|
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Trên con đường tiến lên, chúng ta phải kiên trì con đường phát triển hòa bình, thực hiện chiến lược mở cửa cùng có lợi cùng thắng lợi, tiếp tục cùng nhân dân các nước trên thế giới thúc đẩy xây dựng cộng đồng vận mệnh nhân loại. Quân đội giải phóng nhân dân (PLA) và Cảnh sát vũ trang Trung Quốc mãi giữ vững tính chất, tôn chỉ, bản sắc quân đội nhân dân, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh,lợi ích phát triển của quốc gia, kiên quyết giữ gìn hòa bình thế giới”.
|
Đội hình xe tăng tham gia diễu binh
|
Cuộc duyệt binh và diễu binh sau đó được thực hiện theo hai bước; duyệt đội hình và diễu hành đội ngũ với thời gian khoảng 80 phút. Các đơn vị tham gia diễu binh đứng dọc Đại lộ Trường An để Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Tập Cận Bình kiểm duyệt. Sau đó một cuộc diễu binh lớn đã diễn ra tại Quảng trường Thiên An Môn với các khối quân kỳ, bộ binh, xe pháo, máy bay không người lái, tên lửa chiến lược và đội hình các loại máy bay trên không. Tổng số 15 ngàn binh sĩ đã tham gia diễu binh trong 59 khối, đội hình khác nhau. Có tổng cộng hơn 160 máy bay có cánh cố định và trực thăng, 580 phương tiện trang, thiết bị đã tham gia cuộc diễu binh được coi là lớn nhất lịch sử Trung Quốc kể từ sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập này.
|
Hơn 100 ngàn quần chúng tham gia diễu hành
|
Tiếp sau đó là cuộc diễu hành tập thể của hơn 100 ngàn quần chúng được chia thành ba phần: Dựng nước khởi nghiệp, Cải cách mở cửa và Cuộc phục hưng vĩ đại. Cuộc diễu hành do quần chúng nhân dân các dân tộc, các ngành các giới, các lứa tuổi tham gia trong 70 đoàn xe hoa, 36 khối quần chúng và 3 hoạt cảnh ca hát, nhảy múa tập thể.
Nhiều loại vũ khí, trang bị mới lần đầu xuất hiện
Cuộc diễu binh lớn ngày 1/10 được coi là cuộc biểu dương sức mạnh quân sự của Trung Quốc với các vũ khí, phương tiện trang bị được Trung Quốc sản xuất. Trong số các vũ khí tiên tiến được phô diễn, có những loại lần đầu tiên được công khai với thế giới bên ngoài, bao gồm xe tăng hạng nhẹ Type-15, máy bay trinh sát không người lái WZ-8, máy bay không người lái tấn công GJ-11, máy bay không người lái dưới nước (tàu ngầm), tên lửa hành trình CJ-100, tên lửa đạn đạo siêu thanh DF-17 và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2, tên lửa vượt đại châu DF-41, máy bay ném bom chiến lược H-6N...
|
Xe tăng hạng nhẹ Type-15
|
Xe tăng hạng nhẹ Type-15, chủ yếu sử dụng tác chiến ở vùng rừng núi, đồng ruộng ngập nước, cao nguyên núi tuyết, có khả năng triển khai nhanh, cơ động tấn công và kiểm soát khu vực tốt, với các đặc điểm ưu việt như: trọng lượng nhẹ, được bảo vệ tốt, khả năng tấn công mạnh mẽ. Xe tăng Type-15 nặng khoảng 35 tấn có thể tùy ý trang bị giáp composite, giáp phản ứng nổ hoặc thông qua hệ thống phòng thủ chủ động. Nó được trang bị một khẩu pháo 105mm có thể bắn đạn xuyên giáp có cánh ổn định với tầm bắn tối đa 3 km với hệ thống nạp đạn tự động, phía trên tháp pháo được trang bị vũ khí điều khiển từ xa gồm súng máy 12,7 mm và súng phóng lựu tự động cỡ 40 mm.
|
Máy bay trinh sát không người lái WZ-8
|
Máy bay trinh sát không người lái WZ-8 có thể đột phá, thâm nhập hệ thống mục tiêu chiến lược, chiến dịch của đối phương được bảo vệ nghiêm ngặt; sử dụng nhiều thiết bị do thám được trang bị để có được hình ảnh mục tiêu có độ phân giải cao, cung cấp thông tin do thám và kết quả chiến đấu cho đơn vị tác chiến các cấp.
WZ-8 có thể bay với tốc độ siêu thanh, tính năng và thiết kế tiếp cận với máy bay do thám cao không SR-71 “Blackbird”của Mỹ, tốc độ tối đa Mach 3. WZ-8 cũng có thể trinh sát mục tiêu và tìm hiểu kết quả tấn công của các tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối đất tầm trung và tầm xa. Nó cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát bí mật xuyên thủng mạng lưới phòng không đối phương nhờ thiết kế tàng hình cực tốt. Phạm vi thực thi nhiệm vụ có thể bao trùm toàn bộ Tây Thái Bình Dương.
|
Máy bay không người lái tấn công GJ-11
|
Máy bay không người lái GJ-11 là loại máy bay không người lái tấn công kiểu không có đuôi do Trung Quốc tự nghiên cứu và phát triển, có các đặc điểm: tính năng tàng hình tốt, thời gian hoạt động dài, độ chính xác cao, có thể thực hiện cuộc tấn công trên không, chế áp phòng không và nhiệm vụ chiến đấu khác. Loại máy bay không người lái này có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công, đó là một vũ khí lợi hại để khởi động đợt tấn công đầu tiên, với độ khó kỹ thuật cao.
|
Tàu ngầm không người lái HSU-001
|
Tàu ngầm không người lái HSU-001, là một loại thiết bị không người lái dưới nước mới do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển. Nó chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ trinh bí mật, có khả năng tự động hành trình đường dài và tự động trinh sát thông tin về môi trường chiến trường.
|
Tên lửa hành trình siêu âm CJ-100 (hay DF-100)
|
Tên lửa hành trình siêu âm CJ-100 (hay DF-100), có khả năng thâm nhập, độ chính xác cao, bán kính chiến đấu lớn, tốc độ đáp ứng nhanh và là vũ khí tấn công có độ chính xác cao của quân đội Trung Quốc.
|
Tên lửa đạn đạo siêu thanh DF-17
|
Tên lửa đạn đạo tầm gần và tầm trung DF-17, một đặc điểm điển hình là hình dạng đầu đạn không phải hình nón truyền thống mà là đầu đạn trượt siêu âm có cánh. Đầu đạn tên lửa có hai đặc điểm tốc độ siêu thanh và có thể thay đổi đường bay, có thể đột phá, lẩn tránh hệ thống phòng không chống tên lửa của đối phương. Đầu chiến đấu của nó sẽ không bay ra khỏi bầu khí quyển, gần tới mục tiêu thì bay lượn, khéo léo tránh bị radar đối phương phát hiện và gia tăng khó khăn cho việc ngăn chặn của đối phương với tốc độ siêu thanh. DF-17 thậm chí còn được cho là có thể thay đổi mục tiêu tấn công, khiến hệ thống phòng không của các quốc gia khác khó có thể đánh chặn.
Vũ khí siêu thanh hiện đã trở nên rất “hot” hiện nay, mặc dù Mỹ là nước đầu tiên đề ra kế hoạch “trong một giờ có thể đánh khắp toàn cầu”, nhưng trong quá trình ứng dụng công nghệ thực tế lại tụt phía sau Trung Quốc. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, việc DF-17 được đưa vào phục vụ có thể cùng với các tên lửa khác có thể tạo thành kết nối về tầm bắn, có thể bổ sung về khả năng, phối hợp cao - thấp, hệ thống ứng dụng linh hoạt, có thể tấn công chính xác các mục tiêu tầm trung và tầm ngắn.
|
Tên lửa đạn đạo JL-2 phóng từ tàu ngầm
|
Tên lửa đạn đạo JL-2 phóng từ tàu ngầm lần đầu ra mắt tại một cuộc diễu binh, với tốc độ phản ứng nhanh, tính che giấu tốt, khả năng sinh tồn cao, phạm vi tấn công mạnh và các đặc điểm khác, có thể thực hiện đòn phản công hạt nhân nhanh. Loại tên lửa này và tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 tạo thành mối răn đe hạt nhân trên biển thế hệ thứ hai của Trung Quốc. Tầm bắn ban đầu của JL-2 được cho là chỉ 7.400 km, nhưng sau khi cải tiến đã vượt quá 11.000 km, có thể mang từ 4-6 đầu đạn hạt nhân..
|
Tên lửa liên lục địa DF-41
|
Tên lửa hạt nhân liên lục địa (vượt đại châu) DF-41, là loại tên lửa có tầm bắn xa nhất ở Trung Quốc và có thể bao trùm các mục tiêu chiến lược toàn cầu. Nó nặng 55 tấn, có thể mang hơn 10 đầu đạn hạt nhân, áp dụng chế độ triển khai phóng cơ động trên quốc lộ và mang nhiều đầu đạn với tầm bắn đạt tới 15.000 km. DF-41 còn sử dụng chế độ phóng từ giếng dưới lòng đất, cũng như phiên bản trên đường sắt. Dư luận Mỹ cho rằng DF-41 là tên lửa mạnh nhất hành tinh hiện nay. Tướng Đàm Dân (Tan Min), Phó tham mưu trưởng của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Trung PLA từng tiết lộ: các trang thiết bị được diễu duyệt đều là trang thiết bị chiến đấu chính đang hoạt động. Sự xuất hiện công khai lần này có nghĩa là DF-41 đã ở trong trạng thái trực ban sẵn sàng chiến đấu.
|
Máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới H-6N
|
Máy bay ném bom chiến lược H-6N được công khai lần đầu tiên. H-6N là thế hệ máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới ở Trung Quốc, có thể được tiếp dầu trên không. Loại máy bay ném bom này có thể thực hiện các cuộc tấn công tầm xa, tuần tra trên diện rộng và có khả năng tấn công bên ngoài khu vực phụ trách. Thế giới bên ngoài cho rằng H-6N có thể mang tên lửa đạn đạo chống hạm phóng từ trên không, sẽ tăng cường hơn nữa khả năng chống can thiệp của Trung Quốc.
(Theo Người quan sát, Đa Chiều)