Như VietTimes từng đề cập, việc CTCP VN Pharma (VN Pharma) liên tiếp trúng các gói thầu thuốc lớn tại các bệnh viện đã giúp công ty này trở thành đối tác "ruột" của nhiều doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, trong đó có CTCP Dược phẩm Trung ương I (Pharbaco).
Do đó, biến cố xảy ra tại VN Pharma trong thời gian qua phần nào đã gây ra nhiều khó khăn cho Pharbaco, không chỉ ở hoạt động kinh doanh chính mà còn có thể ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất thuốc chữa ung thư của doanh nghiệp này.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Pharbaco tiền thân là một xí nghiệp dược phẩm trực thuộc Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Việt Nam (nay là Tổng Công ty Dược Việt Nam - Mã CK: DVN). Pharbaco được chuyển đổi thành mô hình công ty cổ phần từ năm 2007.
Tính đến cuối năm 2014, công ty có quy mô vốn điều lệ ở mức 73,5 tỷ đồng. Thông qua DVN, cổ đông Nhà nước nắm giữ hơn 5,69 triệu cổ phiếu Pharbaco, tương đương với tỷ lệ sở hữu là 77,55%. Cổ đông ngoài nhà nước chỉ nắm giữ 19,09% cổ phần, số còn lại thuộc về các cổ đông là người lao động trong công ty.
Có 3 trên 7 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Pharbaco là người đại diện vốn cho cổ đông Nhà nước. Trong đó, ông Đinh Xuân Hấn (sinh năm 1969) nắm giữ vị trí Tổng Giám đốc.
Vị thế chi phối của cổ đông Nhà nước được duy trì thêm 1 năm trước khi Pharbaco lặng lẽ chào bán cho cổ đông chiến lược để hoàn tất việc tăng vốn lên mức 180 tỷ đồng.
Cổ đông Nhà nước là Tổng Công ty Dược Việt Nam vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối tại Pharbaco tính đến cuối năm 2015 |
Ngày 6/4/2015, HĐQT Pharbaco đã thông qua Nghị quyết số 10/NQ-HĐQT bổ sung thêm nội dung “phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ từ 73,5 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng, phát hành cổ phần tăng vốn chào bán cho cổ đông chiến lược” tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên cho năm tài chính 2014.
Tới tháng 11/2015, Pharbaco tổ chức phiên họp ĐHĐCĐ bất thường, thông qua tiêu chí và lựa chọn cổ đông chiến lược. Cụ thể, Pharbaco sẽ phát hành thêm 10,65 triệu cổ phần phổ thông, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Nhà đầu tư chiến lược được tiết lộ là CTCP Appollo (Appollo).
Đợt phát hành được hoàn tất vào năm 2016. Lúc này, cổ đông Nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu về mức 31,67%, đồng nghĩa với việc không còn quyền phủ quyết (tối thiểu 36% vốn điều lệ) tại Pharbaco. Trong khi đó, Appollo trở thành công ty mẹ của Pharbaco với tỷ lệ sở hữu lên tới 59,17%.
Tính đến cuối năm 2016, CTCP Appollo trở thành công ty mẹ của Pharbaco với tỷ lệ sở hữu lên tới 59,17% |
Cuối năm 2016, Pharbaco tiếp tục tiến hành một cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường thông qua phương án phát hành thêm 22 triệu cổ phần phổ thông nhằm nâng mức vốn điều lệ lên mức 400 tỷ đồng. Các nhà đầu tư chiến lược được chào bán là: Công ty TNHH Dược phẩm Huy Cường (Huy Cường), CTCP Sài Gòn Pharma (Sài Gòn Pharma) và Công ty TNHH Reliv Pharma (Reliv Pharma). Mức giá phát hành thêm, theo tính toán của VietTimes, chỉ còn ngang với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ đông Nhà nước "hụt hơi" trong các đợt phát hành tăng vốn của Pharbaco |
Ngày 27/9/2018, Pharbaco tiến hành họp ĐHĐCĐ nhằm thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược. Cuộc họp thu hút sự tham gia của 208 cổ đông, đại diện cho hơn 97,01% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Cụ thể, HĐQT Pharbaco dự kiến chào bán 55 triệu cổ phiếu, với mức giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phần, để huy động 550 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn xây dựng nhà máy GMP-EU giai đoạn 1.
Dự án này có tổng vốn đầu tư lên tới 1.200 tỷ đồng, bao gồm 2 dây chuyền: Dây chuyền Non Betalactam viên (624 tỷ đồng) và Dây chuyền Cafalosporin tiêm và viên (576 tỷ đồng)./.