|
Việc Trung Quốc định hợp pháp hóa việc cho phép cảnh sát biển sử dụng vũ khí với tàu thuyền nước ngoài khiến dư luận quốc tế lo ngại. Ảnh: Tàu cảnh sát biển Nhật Bản và Trung Quốc đối đầu nhau ở vùng biển gần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Sina). |
Theo trang tin Hồng Kông Dongfang ngày 5/11, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) hôm thứ Tư (4/11) đã công bố toàn văn Luật Cảnh sát biển (Hải cảnh pháp) và trưng cầu ý kiến của công chúng trong thời gian một tháng. Đáng chú ý, văn bản dự thảo có quy định rõ: khi tàu nước ngoài tiến hành các hoạt động trái phép trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc và từ chối chịu kiểm tra, Cảnh sát biển Trung Quốc “có thể sử dụng vũ khí sau khi cảnh cáo không có hiệu lực”.
Theo phân tích của báo chí Nhật Bản, các tàu đánh cá của Nhật Bản hoạt động gần quần đảo Senkaku của Nhật Bản (Trung Quốc đang yêu sách chủ quyền, gọi là Điếu Ngư) có thể trở thành mục tiêu của các tàu cảnh sát biển Trung Quốc.
|
Một trong hai con tàu cảnh sát biển cỡ vạn tấn được trang bị pháo hạm của Trung Quốc (Ảnh: Sina). |
Theo Dongfang, toàn văn dự thảo "Luật Cảnh sát biển" này có tổng cộng 80 điều, quy định rõ cơ quan Cảnh sát biển Trung Quốc chịu trách nhiệm tuần tra, cảnh giới, canh gác các đảo, bãi ngầm trọng điểm trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc; quản lý, bảo vệ đường phân giới trên biển, phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ các hành vi gây nguy hại chủ quyền, an ninh và quyền lợi biển quốc gia. Đồng thời, thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các đảo và bãi ngầm trọng điểm, cũng như an ninh của các đảo nhân tạo, các cơ sở và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Ngoài ra, Cảnh sát biển còn có nhiệm vụ chống buôn lậu trên biển; giám sát, kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, hoạt động sản xuất đánh bắt thủy sản trên biển thuộc thẩm quyền; xử phạt, ngăn chặn, trừng trị các hoạt động phạm pháp, tội phạm trên biển.
Trong đó, Điều 17 của dự thảo quy định rằng, các tổ chức và cá nhân nước ngoài nếu không có sự chấp thuận của Trung Quốc mà tiến hành xây dựng các công trình, lắp đặt các thiết bị cố định hoặc nổi ở các vùng biển, đảo và bãi đá ngầm thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, Cảnh sát biển có thể cưỡng chế tháo dỡ chúng. Ngoài ra, Điều 19 quy định khi chủ quyền, quyền lợi và quyền tài phán quốc gia bị các tổ chức, cá nhân nước ngoài xâm phạm thì cơ quan Cảnh sát biển có quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn ngay tại chỗ hành vi xâm phạm, kể cả việc sử dụng vũ khí.
|
Lực lượng cảnh sát biển của Trung Quốc đặt dưới quyền chỉ huy của Quân ủy có một đội tàu hùng hậu, trang bị mạnh (Ảnh: Dongfang). |
Dự thảo cũng đề cập rằng khi có bằng chứng cho thấy khi có bằng chứng cho thấy trên tàu thuyền đang chở nghi phạm hoặc chở trái phép vũ khí, đạn dược, tài liệu bí mật quốc gia, ma túy, v.v. mà không chấp hành lệnh dừng tàu của lực lượng Cảnh sát biển và chạy trốn; hoặc tàu nước ngoài đi vào vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc để tham gia các hoạt động phi pháp, từ chối chấp hành lệnh dừng hoặc từ chối kiểm tra tạm thời theo cách khác, sau khi cảnh cáo không có hiệu lực, Cảnh sát biển có thể sử dụng vũ khí cầm tay.
Khi thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố trên biển, xử lý với các vụ việc bạo lực nghiêm trọng trên biển và khi tàu thuyền, máy bay của cơ quan Cảnh sát biển bị tấn công bằng vũ khí hoặc các phương thức nguy hiểm khác, Cảnh sát biển có thể sử dụng vũ khí trên tàu hoặc trên máy bay.
Đài NHK của Nhật Bản khi đưa tin về việc Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc công bố dự thảo Luật Cảnh sát biển cho rằng, các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc nhiều lần xâm phạm lãnh hải Nhật Bản tại vùng biển thuộc quần đảo Senkaku thuộc huyện Okinawa, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, thậm chí còn bám đuôi và theo dõi các tàu đánh cá của Nhật Bản tại khu vực này.
Đài NHK nói, Trung Quốc đã đưa Cục Cảnh sát biển vào biên chế của Tổng bộ Cảnh sát vũ trang dưới quyền quản lý của quân đội và đưa vào trang bị các tàu lớn, có thể tăng cường hơn nữa các hoạt động trên biển trong tương lai. Thế giới bên ngoài lo ngại sau khi Luật Cảnh sát biển được ban hành, hoạt động của các tàu cảnh sát biển Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến sự làm nghề của các tàu cá Nhật Bản đang hoạt động ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku.
|
Tàu cảnh sát biển Nhật Bản xua đuổi tàu hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển gần quần đảo Senkaku (Ảnh: Kyodo). |
Tờ Japan Times ngày 5/11 đưa tin, dự thảo Luật Cảnh sát biển Trung Quốc quy định rõ khi tàu nước ngoài tiến hành các hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển Trung Quốc, Trung Quốc cho phép các nhân viên cảnh sát biển sử dụng vũ khí. Báo này cho rằng các quy định của luật này có thể khiến các tàu thuyền Nhật Bản hoạt động trên quần đảo Điếu Ngư và các đảo lân cận trở thành đối tượng thực thi của các điều khoản quy định trong đó.
Tờ Stars and Stripes của Mỹ ngày 5/11 đưa tin khi diễn giải các điều khoản, tuyên bố việc Mỹ thường xuyên đưa tàu chiến vào bên trong phạm vi 12 hải lý các đảo nhân tạo quần đảo Trường Sa và các đảo ở Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam để thực hiện tự do hàng hải, Trung Quốc cho rằng đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc. Ông Bonnie Glaser, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, bình luận về thông tin Trung Quốc dự định cho phép cảnh sát biển sử dụng vũ khí trên Twitter: “Nếu đây là sự thật, điều này rất đáng lo ngại và sẽ làm tăng khả năng xảy ra bạo lực ở các vùng biển tranh chấp”.