Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều, ngày 13/1, quân đội Indonesia đã công bố hình ảnh tàu chiến và cả máy bay F-16 giám sát, xua đuổi các tàu cảnh sát biển Trung Quốc ở vùng biển gần quần đảo Natuna trong cùng ngày 13/1.
Trước đó, ngày 10/1 Tổng thống Joko Widodo đã kêu gọi Nhật Bản vào đầu tư nhiều hơn vào ngành thủy sản và năng lượng của Indonesia trên các đảo Biển Đông. Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 10, Dinh Tổng thống Indonesia cho biết khi bà Joko Motoki, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản đến Jakarta để tiến hành chuyến thăm, ông Widodo đã gửi lời mời Nhật Bản, đề nghị họ đầu tư vào Quần đảo Natuna.
Tàu Indonesia bám sát, xua đuổi tàu cảnh sát biển Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
|
Vào ngày 8/1, ông Widodo đã ra biển thị sát, lên thăm đảo để tuyên bố chủ quyền. Ông nói với các phóng viên: “Tôi đã nói nhiều lần rằng Natuna là lãnh thổ có chủ quyền của chúng tôi. Không có gì để thảo luận về điều này ... Tôi hy vọng điều này là rõ ràng”.
Quân đội Indonesia ngày 9/1 cho biết các tàu cảnh sát biển và tàu đánh cá của Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển thuộc quần đảo Natuna. Phát ngôn viên quân đội Indonesia Sisliadi nói: “Từ việc quan sát trên máy bay của chúng tôi, họ (các tàu cảnh sát biển và tàu đánh cá Trung Quốc) không còn ở đó nữa”, “họ đã rời đi khi Tổng thống (Widodo) đến Natuna”.
Tuy nhiên, ông Nuryawal Embun, Giám đốc hành động trên biển của Cục An toàn hàng hải Indonesia, cho biết một tàu cảnh sát biển khác của Trung Quốc là “HAIJING 35111” vẫn còn “ở trong vùng biển thềm lục địa Indonesia”.
Gần đây, tranh chấp giữa Indonesia và Trung Quốc tại quần đảo Natuna của tỉnh Riau đang có xu thế leo thang. Người phát ngôn của Không quân Indonesia Fajar Tri Rohadi ngày 8/1 đã thông báo rằng: “Chúng tôi đã phái 8 tàu và đưa 8 máy bay chiến đấu tới. Người của chúng tôi đã được thông báo rằng chúng tôi không khiêu khích, mà là để bảo vệ chủ quyền của chúng tôi”.
Tàu chiến Indonesia xua đuổi tàu cảnh sát biển Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
|
Trong lúc đó, Trung Quốc cũng đã đưa nhiều tàu cảnh sát biển và tàu hải giám (giám sát biển) để ngăn ngừa tàu chiến và tàu công vụ của Indonesia bắt giữ tàu cá Trung Quốc. Máy bay ném bom H-6J mới được trang bị của Hải quân Trung Quốc cũng xuất hiện ở Biển Đông vào ngày 7/1 và bị cho là có ý đồ răn đe rõ rệt.
Tuy nhiên, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm 8/1 đã trả lời: “Tôi hy vọng Indonesia giữ bình tĩnh”. Ông tuyên bố không có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và Indonesia, nhưng hai bên có chồng lấn các yêu sách về quyền hàng hải ở một phần Biển Đông. Ông ta đồng thời nhấn mạnh chủ quyền của Trung Quốc đối với cái gọi là “Quần đảo Nam Sa” (tên Trung Quốc tự đặt cho quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) và “có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các khu vực biển có liên quan”; cho rằng lập trường này phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ngày 8/1, Tổng thống Widodo đến thị sát vùng biển Natuna, khẳng định chủ quyền của Indonesia đối với vùng biển này (Ảnh: AFP)
|
Ông Cảnh Sảng cũng đề cập rằng hai bên Trung Quốc và Indonesia cũng đã duy trì liên lạc qua kênh ngoại giao. Ông hy vọng rằng phía Indonesia sẽ giữ bình tĩnh và muốn tiếp tục xử lý đúng đắn các khác biệt với phía Indonesia, duy trì mối quan hệ giữa hai nước đại cục hòa bình và ổn định khu vực.
Theo Đa Chiều, lần cuối cùng quan hệ giữa Trung Quốc và Indonesia rất căng thẳng là năm 2016. Vào thời điểm đó, một tàu tuần tra của Bộ Thủy sản Indonesia đã cố gắng ngăn chặn một tàu đánh cá Trung Quốc bị cho là đánh bắt cá bất hợp pháp gần quần đảo Natuna. Tuy nhiên, họ đã bị một tàu cảnh sát biển Trung Quốc can thiệp, dẫn đến một tàu cá Trung Quốc đang bị phía Indonesia kéo đi trốn thoát sau khi bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc đâm va.