Vụ việc xảy khoảng 3 giờ sáng ngày 2/4, tàu cá mang số hiệu QNg 90617 TS của ông Trần Hồng Thọ trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi có 8 thuyền viên, khi đang hoạt động tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thì bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm ở tọa độ 16 độ 42 phút độ vĩ bắc và 112 độ 25 phút độ kinh đông. Sau khi đâm chìm tàu, tàu Trung Quốc đã vớt 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS đưa về đảo Phú Lâm.
Sáng 2/4, khi nhận được tin báo tàu cá QNg - 90617 TS gặp nạn, các tàu cá QNg 90929, QNg 90045 TS và QNg 90399 TS cùng chạy đến cứu nạn thì bị tàu Hải cảnh Trung Quốc truy đuổi. Sau đó, họ bắt giữ hai tàu QNg - 90929 TS và QNg 90045 TS và lai dắt vào đảo Phú Lâm.
Đến khoảng 18 giờ ngày 2/4, phía Trung Quốc đã giao 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS cho 2 tàu cá QNg 90929 TS, QNg 90045 TS và thả các tàu cá này cùng các ngư dân. Hiện nay các tàu này đang trên đường trở về, dự kiến ngày 5/4 sẽ cập bến Quảng Ngãi.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc dùng "vòi rồng" tấn công tàu cá Việt Nam (Ảnh: Sina)
|
Sự việc xảy ra như trên đây theo lời bà con ngư dân ta kể lại. Thế nhưng, chiều ngày 3/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nó đã biến thành chuyện nực cười “tàu cá của ngư dân Việt Nam bị chìm khi đâm vào mũi tàu Hải cảnh Trung Quốc” (!?).
Theo tường thuật của truyền thông Trung Quốc, tại cuộc họp báo, khi một phóng viên hỏi: “Có tin nói, một tàu đánh cá Việt Nam đã chìm sau khi va chạm với tàu Hải cảnh Trung Quốc ở vùng biển Tây Sa (tức Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam –TH) vào sáng sớm ngày 2/4. Bà có thể xác nhận điều này? Trung Quốc có bình luận gì?”.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời: “Vào sáng sớm ngày 2/4, tàu Hải cảnh Trung Quốc trong khi tuần tra định kỳ đã phát hiện một chiếc tàu đánh cá Việt Nam xâm nhập đánh bắt cá ở quần đảo Tây Sa của Trung Quốc (tức Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam), đã lập tức gọi loa xua đuổi. Chiếc tàu đánh cá này không chịu rời đi và đột nhiên chuyển hướng về phía tàu Hải cảnh Trung Quốc. Mặc dù tàu Hải cảnh Trung Quốc đã cố gắng hết sức để tránh nhưng vẫn bị tàu đánh cá Việt Nam đâm vào mũi tàu và chiếc tàu cá đã bị chìm. Hải cảnh Trung Quốc đã ngay lập tức giải cứu tàu đánh cá Việt Nam. Tất cả 8 ngư dân Việt Nam trên tàu đã được cứu lên mà không có ai thương vong. Sau khi tiến hành thủ tục điều tra và thu thập chứng cứ cần thiết, Hải cảnh Trung Quốc đã cho 8 ngư dân hồi hương”.
Bà Hoa Xuân Oánh: “Tàu cá Việt Nam đâm vào mũi tàu Hải cảnh Trung Quốc rồi bị chìm” (Ảnh: Guancha).
|
Bà Hoa Xuân Oánh còn xuyên tạc hoạt động đánh cá bình thường của ngư dân ta ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa khi nói: trong thời gian gần đây, các tàu cá Việt Nam “thường xuyên xâm nhập vào lãnh hải và nội thủy của Quần đảo Tây Sa của Trung Quốc đánh bắt cá, phớt lờ việc thực thi pháp luật của phía Trung Quốc và thậm chí có những hành động nguy hiểm để chống lại việc thực thi pháp luật của Trung Quốc”; rằng “Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng và không hài lòng mạnh mẽ với Việt Nam về vấn đề này, yêu cầu phía Việt Nam giáo dục và kiểm soát hiệu quả các tàu cá và ngư dân của mình, không xâm phạm đánh bắt cá ở khu vực biển có liên quan của quần đảo Tây Sa của Trung Quốc, càng không được có hành động nguy hiểm chống lại lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc”.
Ngoài ra, theo trang weibo @中国海警 (Trung Quốc Hải cảnh), Trương Quân, người phát ngôn của Cục Hải cảnh Trung Quốc ngày 3/4 cũng phát biểu với giọng điệu đổi trắng thay đen: sáng sớm ngày 2/4, tàu cá Việt Nam QNG-90617TS đã “xâm nhập trái phép vào vùng biển thuộc quần đảo Tây Sa của Trung Quốc” để đánh bắt cá. Tàu Hải cảnh 4031 của Trung Quốc đã “tiến hành cảnh báo để xua đuổi. Tàu đánh cá Việt Nam đã từ chối rời đi và đã có những hành động nguy hiểm nhiều lần rồi bị chìm sau khi đâm vào tàu Hải cảnh 4301”. Hải cảnh Trung Quốc còn dựng nên màn kịch “các thuyền viên tàu đánh cá Việt Nam thú nhận đã xâm nhập trái phép vào vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc và thực hiện các di chuyển nguy hiểm” (!?).
Trương Quân còn dọa dẫm: “Gần đây, các tàu đánh cá Việt Nam thường xuyên xâm nhập vùng biển Tây Sa của Trung Quốc (Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam – TH) để thực hiện các hoạt động xâm ngư. Chúng tôi kêu gọi phía Việt Nam thực hiện các biện pháp để tránh các sự cố tương tự xảy ra. Hải cảnh Trung Quốc sẽ tăng cường hơn nữa sự kiểm soát và điều tra, trừng phạt các hoạt động bất hợp pháp theo quy định của pháp luật Trung Quốc”.
Tàu Hải cảnh 4301 của Trung Quốc - thủ phạm đâm chìm tàu QNg 90617 TS của ngư dân Quảng Ngãi (Ảnh: wemp).
|
Trước hành động vô nhân đạo đâm chìm tàu cá, bắt giữ trái phép các ngư dân Việt Nam của phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng phản đối.
Theo trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 03/4/2020, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin tàu cá QNg 90617 TS cùng 08 ngư dân Việt Nam gặp nạn tại khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, tàu cá QNg 90617 TS và 08 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm.
Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”.
Bà Hằng cho biết: “Ngày 3/4/2020, đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu Hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, đến ngày 3/4/2020, 08 ngư dân Việt Nam trên tàu QNg 90617 TS đã được tiếp nhận an toàn”.
Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 4/4 khi đưa tin về vụ việc này, đã chạy tít “Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam trên Biển Đông, truyền thông Hồng Kông lo ngại xung đột leo thang trên Biển Đông”. Trong tin đưa cũng khẳng định “tàu Hải cảnh 4301 của Trung Quốc đâm chìm tàu cá Qng 90617 TS của Việt Nam”.
Rõ ràng, luận điệu phi lý “tàu đánh cá Việt Nam đâm vào mũi tàu Hải cảnh Trung Quốc” của bà Hoa Xuân Oánh đã không lấy được tin tưởng của bất kỳ ai !