Tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng biển Natuna bị chiến hạm Indonesia xua đuổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều tối 15/9, chính phủ Indonesia ngày 14/9 đã phản đối Trung Quốc, cáo buộc một tàu hải cảnh của họ đã đi vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia gần quần đảo Natuna trong hơn hai ngày và chỉ rời đi sau khi bị tàu tuần tra Indonesia xua đuổi.
Tàu tuần tra của hải quân Indonesia xua đuổi tàu hải cảnh 5204 của Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế bắc quần đảo Natuna (Ảnh: Đa Chiều).
Tàu tuần tra của hải quân Indonesia xua đuổi tàu hải cảnh 5204 của Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế bắc quần đảo Natuna (Ảnh: Đa Chiều).

Theo tờ South China Morning Post của Hồng Kông ngày 14/9, Bộ Ngoại giao Indonesia cùng ngày đã gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh, cáo buộc một tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông mà Indonesia tuyên bố chủ quyền.

Vụ việc xảy ra gần quần đảo Natuna của Indonesia, nước này đã nhiều lần cáo buộc tàu hải cảnh và tàu đánh cá của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Cục An toàn Hàng hải Indonesia Bakamla tuyên bố, vào trưa ngày 14/9 theo giờ địa phương, tàu hải cảnh Trung Quốc đã rời khỏi  vùng đặc quyền kinh tế mà Indonesia tuyên bố chủ quyền sau khi bị một tàu tuần tra của Indonesia “tranh cãi qua radio” và xua đuổi.

Ông Wisnu Pramandita, người phát ngôn của Bakamla, nói tàu hải cảnh Trung Quốc nói với Indonesia rằng họ đang tuần tra trong phạm vi quyền tài phán của Trung Quốc; nhưng ông nói thêm: “Chúng tôi kiên quyết phản đối việc này và tuyên bố rằng đây là vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi”.

Tàu hải cảnh số 5204 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia (Ảnh: Đa Chiều).
Tàu hải cảnh số 5204 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế  của Indonesia (Ảnh: Đa Chiều).

Wisnu Pramandita cho biết, rằng tàu hải cảnh Trung Quốc đã ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia “từ thứ Bảy (12/9) đến 11h30’ ngày thứ Hai (14/9)”

Ông Teuku Faizasyah, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia nói, Jakarta đã yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc đưa ra giải thích. Ông cho biết: “Chúng tôi nhắc lại với Phó Đại sứ Trung Quốc rằng, vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia không hề chồng lấn với vùng biển của Trung Quốc”.

Ông Ian Storey, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak cho rằng, trong quá trình xua đuổi tàu Trung Quốc, Indonesia đã thể hiện lập trường cứng rắn đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông nói rằng trước đây Indonesia chỉ giám sát các tàu hải cảnh của Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của mình mà không kiên quyết xua đuổi.

Vào đầu năm nay, Trung Quốc và Indonesia đã nổ ra tranh chấp ở vùng biển quần đảo Natuna. Phía Indonesia cho rằng lực lượng hải cảnh và tàu đánh cá của Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần phía bắc quần đảo Natuna. Chính phủ Indonesia sau đó đã triệu tập ông Tiêu Thiên, Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia tới để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ và gửi công hàm chính thức phản đối. Indonesia tuyên bố họ đã thiết lập vùng đặc quyền kinh tế ở quần đảo Natuna.

Tổng thống Indonesia Widodo tới thăm quần đảo Natuna ngày 8/1/2020 và tuyên bố "chủ quyền lãnh thổ là thứ không thể mang ra đàm phán" (Ảnh: AP).
Tổng thống Indonesia Widodo tới thăm quần đảo Natuna ngày 8/1/2020 và tuyên bố "chủ quyền lãnh thổ là thứ không thể mang ra đàm phán" (Ảnh: AP).

Ngày 8/1/2020, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đến thăm quần đảo Natuna và một lần nữa nhấn mạnh quần đảo Natuna và vùng biển của nó là lãnh thổ của Indonesia và vấn đề chủ quyền là thứ không thể đàm phán.

Trong khi đó, phía Trung Quốc phủ nhận có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Indonesia. Ngày 8/1, Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó, đã trả lời các câu hỏi liên quan tại một cuộc họp báo thường kỳ và tuyên bố rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo “Nam Sa” (tên Trung Quốc tự đặt cho quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) và có các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển liên quan, rằng lập trường này “phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Cảnh Sảng nhấn mạnh, giữa Trung Quốc và Indonesia không có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và hai bên có yêu sách chồng lấn về quyền lợi biển ở một số vùng biển của Biển Đông. Trung Quốc hy vọng phía Indonesia giữ bình tĩnh, sẵn sàng cùng với phía Indonesia xử lý hợp lý các bất đồng, giữ gìn tình hình quan hệ song phương và đại cục hòa bình ổn định khu vực. Trên thực tế, Trung Quốc và Indonesia cũng đã luôn duy trì liên lạc về vấn đề này thông qua kênh ngoại giao.

Tàu hải quân Indonesia xua đuổi tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng biển bắc Natuna hồi thán 1/2020 (Ảnh: Reuters).
Tàu hải quân Indonesia xua đuổi tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng biển bắc Natuna hồi thán 1/2020 (Ảnh: Reuters).

Trang VOA tiếng Trung tối 15/9 cũng đưa tin, Indonesia tuyên bố tàu tuần tra của họ đã xua đuổi tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Bắc Natuna trong mấy ngày, sau đó tăng cường tuần tra an ninh của Indonesia gần một số hòn đảo ở Biển Đông.

Cục trưởng Cục Hàng hải Indonesia Aan Kurnia hôm thứ Ba (15/9) cho biết, theo quy định của luật pháp quốc tế, tàu nước ngoài có thể “đi qua vô hại” vùng đặc quyền kinh tế của nước khác. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng tàu hải cảnh Trung Quốc đã ở lại đó quá lâu.

Cơ quan An toàn Hàng hải Indonesia nói họ đã phát hiện ra tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5204 đã đi vào vùng biển của vùng đặc quyền kinh tế Bắc Natuna, Indonesia vào tối thứ Sáu và ở đó trong ba ngày.

Phía Indonesia cử một tàu tuần tra đến khu vực tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động, cách tàu Trung Quốc chỉ 1 km. Hai bên đã liên lạc và nêu rõ lập trường, cùng yêu sách chủ quyền của mình đối với vùng nước này.

Quần đảo Natuna bao gồm 272 hòn đảo với tổng diện tích 2.110 km2. Hãng tin AP dẫn lời ông Kurnia: “Chúng tôi yêu cầu họ rời đi vì đây là vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Tuy nhiên, họ kiên trì vùng nước này nằm trong phạm vi cái gọi là ‘đường chín đoạn’ của Trung Quốc và thuộc lãnh hải của Trung Quốc. Các sĩ quan trên tàu tuần tra của chúng tôi kiên trì tranh tranh luận với họ cho đến khi họ rời đi”.

Ông Kurnia cho biết chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc cuối cùng đã rời vùng biển Bắc Natuna lúc 11 giờ 20 phút sáng thứ Hai. Bộ Ngoại giao Indonesia đã trao đổi với Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta về việc tàu hải cảnh của họ đi vào vùng biển này.

Cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc bao gồm gần như toàn bộ Biển Đông. Năm 2016, Tòa Trọng tài Quốc tế La Hay đã đưa ra phán quyết về tranh chấp chủ quyền Biển Đông do Philippines đưa ra, gần như phủ nhận hoàn toàn tính hợp pháp của yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không chấp nhận phán quyết này.

Indonesia không đưa ra yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng một phần của vùng đặc quyền kinh tế Bắc Natuna của Indonesia nằm trong phạm vi của cái gọi là “đường chín đoạn”, đã trở thành điểm nóng cho những xích mích và tranh chấp đang diễn ra giữa Indonesia và Trung Quốc.

Chủ quyền của quần đảo Natuna thuộc về Indonesia. Theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, 200 hải lý (370 km) xung quanh một mảnh đất là vùng đặc quyền kinh tế và chỉ quốc gia có chủ quyền đối với mảnh đất này mới có quyền tiến hành khai thác tại đây.

Theo VOA, sản lượng cá đánh bắt ở Biển Đông chiếm tới hơn 10% sản lượng đánh bắt của cả thế giới và các nước láng giềng đang thực hiện các biện pháp ngày càng mạnh mẽ hơn để đảm bảo phần của mình. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản ở đây đã bị suy giảm đáng kể do đánh bắt quá mức và các rạn san hô bị tàn phá nghiêm trọng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các rạn san hô đang bị hủy hoại nghiêm trọng và đang trên đà sụp đổ.

KompasTV Indonesia đưa tin và hình ảnh vụ hải quân nước này xua đuổi tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế  ở quần đảo Natuna.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục lấp biển tạo đảo và xây dựng đảo ở một số bãi đá ngầm ở Biển Đông, hiện họ đã xây dựng 7 đảo nhân tạo khá lớn với các cơ sở quân sự như sân bay, căn cứ phóng tên lửa trên đó, làm gia tăng tình hình căng thẳng ở Biển Đông.
Hai năm gần đây, tàu hải cảnh Trung Quốc ngày xâm nhập nhiều hơn vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng. Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều xảy ra đụng độ với tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 1 năm nay, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã bảo vệ các tàu đánh cá Trung Quốc đi vào vùng biển phía Bắc Natuna và đã có một cuộc đối đầu kéo dài một tuần với phía Indonesia. Indonesia cũng điều động máy bay chiến đấu phản lực và huy động các ngư dân của họ.