Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang), ngày 26/4, Bộ Tài nguyên Trung Quốc đã công bố "Báo cáo khảo sát địa hình và địa mạo của đảo Điếu Ngư và các quần đảo phụ thuộc" và tuyên bố đã hoàn chỉnh hệ thống dữ liệu về địa lý khu vực này thông qua vệ tinh viễn thám độ phân giải cao mới nhất và xử lý các dữ liệu khảo sát từ trước đến nay. Truyền thông Nhật Bản trích dẫn các nguồn tin nói rằng Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã phản đối phía Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao.
Một số chuyên gia cho rằng động thái này của Bắc Kinh nhằm nhắc lại với thế giới bên ngoài rằng “đảo Điếu Ngư và các đảo liên kết là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc; Mỹ và Nhật Bản phải tôn trọng chủ quyền của họ, nếu không sẽ phải nhận hậu quả nghiêm trọng”.
Ảnh vệ tinh Đảo Bắc (Kita Kojima) (Ảnh: 163.com). |
Báo cáo của Trung Quốc đưa ra nhiều hình ảnh vệ tinh chụp các đảo Điếu Ngư (Senkaku), đảo Bắc (Kita Kojima) và đảo Nam (Minami Kojima), thể hiện đầy đủ độ cao, địa mạo các dãy núi, đỉnh núi, các bãi cát, vùng biển nông gần bờ bãi ngầm dưới nước với các tên Trung Quốc được đặt cho các thực thể.
Ông Lý Hải Đông, giáo sư Đại học Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng “Mỹ và Nhật Bản đã từng khiến cộng đồng quốc tế nhầm lẫn với các tuyên bố của họ về chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư của Trung Quốc. Vì vậy việc công bố báo cáo này không chỉ là hành vi về mặt địa lý, mà còn mang những tín hiệu ngoại giao mạnh mẽ”.
Ông Lưu Giang Vĩnh, giáo sư Khoa Quan hệ Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa cũng cho rằng: “Trong vài năm qua, Nhật Bản đã ngụy tạo những tuyên bố ngoại giao sai lệch, tiến hành giáo dục tẩy não công dân của họ, ngăn chặn Trung Quốc nghiên cứu và giới thiệu, đơn phương tước đoạt quyền công khai, quyền được biết, cách làm của họ rất nguy hiểm”.
Bản đồ địa hình đáy biển khu vực Đảo Bắc và Đảo Nam (Ảnh: 163.com) |
Trang tin Hồng Kông Apple Daily (Pingguo Ribao) viết, các quan chức Trung Quốc và Nhật Bản gần đây đã đấu khẩu kịch liệt về vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, các tàu Hải cảnh Trung Quốc thường xuyên đi vào bên trong lãnh hải của quần đảo với ý nghĩa mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền, tranh chấp ngày càng gia tăng. Vào thời điểm nhạy cảm này, Bộ Tài nguyên Trung Quốc hôm 26/4 đã công bố "Báo cáo khảo sát địa hình và địa mạo của đảo Điếu Ngư và các đảo trực thuộc". Các điều tra viên đã không thể đổ bộ lên đảo để khảo sát. Họ đã sử dụng hình ảnh viễn thám và bản đồ địa mạo để thực hiện các cuộc khảo sát và nghiên cứu chuyên đề, nhằm chứng tỏ Trung Quốc nắm vững địa hình và địa mạo đáy biển của đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo trực thuộc.
Hãng tin Kyodo News dẫn các nguồn tin cho biết do việc Trung Quốc công bố báo cáo khảo sát địa mạo nói trên với tiền đề "có chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư", Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã phản đối Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao ở cả Tokyo và Bắc Kinh.
Ảnh chụp mặt cắt các đỉnh núi (Ảnh: 163.com). |
Tờ Apple Daily viết, cả Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều tuyên bố họ có chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng do các vấn đề nhạy cảm nên rất ít người được cử đặt chân các hòn đảo này. Vào tháng 10 năm ngoái, nhà chức trách Nhật Bản đã lên kế hoạch tiến hành nghiên cứu trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng nhấn mạnh rằng nghiên cứu sẽ dựa trên hình ảnh vệ tinh và sẽ không cử người đến đảo. Thành phố Ishigaki, tỉnh Okinawa, Nhật Bản, sau khi đổi tên khu vực hành chính đối với quần đảo này vào năm ngoái, dự định sẽ đổ bộ lên đảo và cập nhật các ký hiệu hành chính trên các đảo chính, tới đây sẽ xin chính phủ Nhật Bản cho đổ bộ lên đảo. Còn với những người Trung Quốc quá khích thuộc nhóm “bảo vệ quần đảo Điếu Ngư”, lần cuối cùng họ đổ bộ lên đảo là ngày 15/8/2012.
Đồng thời với việc Bộ Tài nguyên công bố báo cáo và hình ảnh địa hình, địa mạo quần đảo Senkaku/Điếu Ngư; Hải cảnh Trung Quốc tiết lộ trên tài khoản WeChat chính thức của họ rằng biên đội tàu Hải Cảnh 2301 hôm 25/4 đã đi vào lãnh hải của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bên trong phạm vi 12 hải lý để tuần tra. Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên tàu Hải cảnh Trung Quốc đi vào lãnh hải của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng do mối quan hệ Trung - Nhật gần đây xấu đi đã khiến chuyến đi này trở nên đặc biệt gây chú ý.
Tảu Hải Cảnh 2301 hôm 25/4 hoạt động bên trong lãnh hải quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh: Toutiao). |
Ngoài ra, theo Apple Daily, trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga hôm thứ Hai (26/4) đã tổ chức một cuộc họp qua điện thoại với Thủ tướng Ấn Độ Modi, bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về nỗ lực của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, và việc Luật Hải Cảnh Trung Quốc cho phép tàu Hải cảnh nổ súng. Để hiện thực hóa một "Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", hai bên đã đạt được sự nhất trí về tầm quan trọng của việc hợp tác song phương và cơ chế hợp tác Bộ Tứ (Quad) giữa Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật gần đây giữa tổng thống Mỹ và thủ tướng Nhật nhân dịp Thủ tướng Yoshihide Suga thăm Washington cũng đã đề cập đến vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm nhắc lại rằng Điều 5 của "Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật" được áp dụng đối với quần đảo Senkaku. Theo điều khoản, Mỹ sẽ bảo vệ "lãnh thổ dưới sự quản lý của Nhật Bản" khỏi các cuộc tấn công vũ trang của nước ngoài.