Trung Quốc cho tàu sân bay Liêu Ninh chạy một vòng để đáp trả tuyên bố của ông Trump?

VietTimes -- Biển đội tàu sân bay Liêu Ninh lần này tiến hành huấn luyện biển xa có nhiều đặc điểm mới, trong khi đó tàu sân bay tự chế đầu tiên sắp hạ thủy, tàu sân bay tự chế thứ hai được khởi công chế tạo từ năm 2015.
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đến vùng biển Tây Thái Bình Dương tiến hành huấn luyện biển xa. Ảnh: mod.gov.cn
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đến vùng biển Tây Thái Bình Dương tiến hành huấn luyện biển xa. Ảnh: mod.gov.cn

Mục đích huấn luyện của tàu sân bay Liêu Ninh

Các tờ báo Trung Quốc mấy ngày gần đây đã có một loạt bài viết đưa tin về hoạt động huấn luyện của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh trên các vùng biển từ phía đông bắc đến đông nam Trung Quốc.
Hành trình tuyến đường huấn luyện của biên đội này bắt đầu từ biển Bột Hải, di chuyển tới biển Hoàng Hải, đi xuống biển Hoa Đông, chạy ra vùng biển Tây Thái Bình Dương, đi xuyên qua eo biển Bashi giữa Đài Loan và Philippines, đến ngày 26/12 chạy vào Biển Đông.

Trong biên đội tàu có tàu sân bay Liêu Ninh, 1 tàu khu trục Type 052D, 2 tàu khu trục Type 052C, 3 tàu hộ vệ (Type 054A và Type 056), 1 tàu tiếp tế, nhiều máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng.

Khi huấn luyện trên vùng biển Hoàng Hải, báo chí Trung Quốc tiết lộ Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, ủy viên Quân ủy Trung ương đã lên tàu sân bay để tiến hành chỉ đạo trực tiếp.

Báo Trung Quốc cũng lưu ý, đây là lần đầu tiên tàu sân bay Liêu Ninh chạy ra vùng biển Tây Thái Bình Dương tiến hành huấn luyện, đồng thời các nội dung khoa mục huấn luyện đã phức tạp hơn nhiều, chuyển sang huấn luyện kết hợp các thành phần của biên đội.

Ngoài ra, tuyến đường mà biên đội tàu sân bay chạy cũng như phạm vi huấn luyện được truyền thông Trung Quốc tập trung nhấn mạnh đến, cho rằng nó phát đi thông điệp cứng rắn cho chính quyền khóa tới của Mỹ, bởi vì ông Donald Trump gần đây coi thường nguyên tắc “một Trung Quốc”, nhận điện của nhà lãnh đạo Đài Loan, đồng thời có quan điểm cứng rắn ở Biển Đông.

Hình ảnh tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: ifeng
Hình ảnh tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: ifeng

Tàu sân bay tự chế đầu tiên sẽ hạ thủy vào đầu năm 2017

Hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 10/12 cũng cho rằng hiện nay thân tàu và đảo tàu của tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành, giàn giáo lắp thân tàu đã bị gỡ bỏ. Thân tàu đã bước vào giai đoạn quét sơn. Các chuyên gia Trung Quốc và các nước dự đoán tàu sân bay này sớm nhất sẽ được hạ thủy vào đầu năm 2017.

Điều này cho thấy tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc coi tàu sân bay là trung tâm để tăng tốc hoạt động trên biển, đang đẩy mạnh chương trình phát triển.

Bề ngoài tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc trông rất giống tàu sân bay Liêu Ninh – tàu sân bay động cơ thông thường lớp 50.000 tấn, đã kế thừa những kiến thức kỹ thuật thu được từ tàu sân bay Liêu Ninh.

Theo các nguồn tin từ Trung Quốc, tàu sân bay tự chế đầu tiên này sẽ không sử dụng máy phóng, máy bay chiến đấu sẽ cất cánh theo kiểu nhảy cầu.

Tờ Kanwa Defense Review Canada cho rằng, mặc dù Trung Quốc gặp khó khăn về phát triển máy bay chiến đấu và đào tạo phi công dành cho tàu sân bay, nhưng tốc độ phát triển tàu sân bay của Trung Quốc tương đối nhanh.

Huấn luyện máy bay chiến đấu trên tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: eastday
Huấn luyện máy bay chiến đấu trên tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: eastday

Tàu sân bay tự chế thứ hai đã được khởi công chế tạo

Tờ Nhật báo Phương Đông Hồng Kông ngày 26 tháng 12 có bài viết cho hay trong thời điểm tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc sắp hạ thủy, Thiếu tướng Kim Nhất Nam của Quân đội Trung Quốc tiết lộ tàu sân bay tự chế thứ hai đã được khởi công chế tạo ở nhà máy đóng tàu Giang Nam vào tháng 3/2015.

Hơn nữa, tàu sân bay này sẽ trang bị máy phóng hơi nước. Nếu thông tin này là sự thực, Trung quốc đang có bước đi quan trọng và vững chắc vào thời đại hải quân lớn.

Tàu sân bay tự chế đầu tiên đang được chế tạo ở nhà máy đóng tàu Đại Liên hiện nay chỉ là tàu sân bay cỡ trung bình, tải trọng 50.000 tấn, cất cánh kiểu nhảy cầu, cơ bản là phiên bản sao chép của tàu sân bay Liêu Ninh, không có đột phá về chất.

Trong khi đó, tàu sân bay tự chế thứ hai của Trung Quốc ở nhà máy đóng tàu Giang Nam là do Trung Quốc tự thiết kế, tự sản xuất, đánh dấu Trung Quốc đã có đột phá "mang tính lịch sử" về công nghệ sản xuất tàu chiến.