Cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence mới đây đã lên tiếng chỉ trích chính quyền của Tổng thống Biden về các chiến thuật đối phó với Trung Quốc, cho rằng “chính quyền Biden-Harris vốn đã nghiêng về phía Trung Quốc”.
Trong bài phát biểu tại trụ sở của Quỹ Di sản (Heritage Foundation) tại Washington D.C., cựu Phó Tổng thống Mỹ chỉ ra rằng hàng triệu người dân Mỹ “đã nhận thức được thực tế rằng chính quyền Trung Quốc không chỉ muốn gia nhập cộng đồng các nước có nền kinh tế phát triển, mà còn muốn ngồi trên đỉnh một trật tự toàn cầu mới được tạo ra theo ý tưởng của họ”.
“Nhiều người dân Mỹ nhận ra rằng chính quyền Trung Quốc che giấu ý định thù địch đối với Mỹ và các đồng minh của chúng ta” - ông Mike Pence nói, theo Sputnik.
Ông còn than vãn trước thực tế rằng “bất chấp sự đồng thuận toàn quốc này”, chính quyền Biden vẫn không chịu cân nhắc kỹ trước khi nói trắng ra rằng họ sẵn sàng hợp tác với các đối tác Trung Quốc.
Ông Pence chỉ ra rằng sắc lệnh hành pháp của ông Biden đưa Mỹ tham gia lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được đưa ra sau khi Bắc Kinh và Washington tuyên bố rằng họ cam kết hợp tác với nhau và với các nước khác để giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu.
Cựu Phó Tổng thống Mỹ cũng nhắc tới việc một cuộc điều tra kín của Bộ Ngoại giao được bắt đầu dưới thời chính quyền Trump, với mục đích chứng minh COVID-19 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, đã bị ngừng. Ông Biden đã chỉ thị mở cuộc điều tra mới nhằm xác minh nguồn gốc COVID-19, trong khi báo cáo của Tổ chức Y tê sThees giới (WHO) kết luận rằng rất khó có khả năng virus corona rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
“Có câu ngạn ngữ rằng sự yếu đuối đánh thức sự xấu xa. Và cảm giác của tôi là, Trung Quốc đã cảm thấy sự yếu đuối trong chính quyền này” – ông Pence nói.
Mike Pence vach ra một số “bước đi khẩn cấp” mà ông Biden đưa ra liên quan tới Trung Quốc, bao gồm yêu cầu Bắc Kinh “nói thật” về khởi nguồn của đại dịch COVID-19. Trên hết, đáng lẽ ra ông Biden nên đảm bảo rằng Mỹ “được chuẩn bị đầy đủ” cho tình huống xảy ra đại dịch trong tương lai và tăng cường nỗ lực “tách nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc” đối với những ngành công nghiệp quan trọng, theo ông Pence.
Ông cũng kêu gọi Tổng thống Biden “tăng cường quan hệ thương mại kinh tế” với Đài Loan bằng cách ký một thỏa thuận thương mại với hòn đảo này – vốn được Trung Quốc xem như một phần lãnh thổ không thể tách rời của họ.
Thêm vào đó, ông Pence cũng cảnh báo ông Biden không nên cấp thị thực làm việc tạm thời cho các công dân Trung Quốc đang làm việc cho công ty Mỹ.
“Để bảo vệ tài sản trí tuệ và an ninh quốc gia của Mỹ, Tổng thống Biden nên ngay lập tức cấm việc cấp thị thực H-1B cho những công dân Trung Quốc được các công ty công nghệ Mỹ thuê” – ông Pence cảnh báo.
Quan hệ Mỹ-Trung
Sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức, ông đánh tín hiệu rằng đã sẵn sàng để áp dụng hướng tiếp cận kiên nhẫn trong mối quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh. Sau đó, trong thông điệp gửi tới Quốc hội, ông Biden nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “rất nghiêm túc về việc Trung Quốc trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới”.
Trong cuộc điện đàm đầu tiên với ông Biden, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc hàn gắn quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, thêm rằng “một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ chắc chắn là một thảm họa đối với cả hai nước và toàn thế giới”.
Quan hệ song phương giữa hai nước trở nên căng thẳng dưới thời chính quyền Trump, khi Mỹ và Trung Quốc lao vào một cuộc chiến tranh thương mại, áp thuế hàng hóa của nhau.
Cùng lúc, Washington còn cáo buộc Trung Quốc thực hiện chiến dịch do thám, bởi vậy đã nhắm vào hàng loạt tập đoàn công nghệ của Trung Quốc, như Huawei. Mỹ cung nói Trung Quốc cố gắng che giấu nguồn gốc của COVID-19, cáo buộc mà Bắc Kinh cực lực bác bỏ.
Theo Sputnik