Ông cho biết:
Rất nhiều quan chức của Mỹ đã khẳng định sự quan ngại với hành động cải tạo đảo quy mô lớn mà TQ đang thực hiện ở Biển Đông trong những tháng gần đây. Chúng tôi đã nói rõ quan ngại này với TQ, cả công khai lẫn riêng tư. Ví dụ Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel điều trần tại Quốc hội tuần trước, hay Ngoại trưởng John Kerry vừa đến thăm TQ cuối tuần vừa rồi.
Chúng tôi tin rằng những hành động này không hề có lợi cho việc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông, cho việc kiềm chế mà chính TQ đã cam kết, ngược lại có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng ở Biển Đông.
Chúng tôi đã kêu gọi TQ, cũng như tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông, kiềm chế, không tiếp tục chính thức hóa các tiền đồn này và không tiếp tục tiến hành các hoạt động cải tạo đảo.
Vậy ông đánh giá thế nào về phản ứng của TQ trước những quan ngại và kiến nghị của Mỹ, trong khi trên thực địa họ vẫn đẩy nhanh xây dựng, đồng thời cáo buộc các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác là xâm phạm vùng biển của họ?
Chúng tôi đã nói rất rõ nên chắc chắn TQ hiểu lập trường của Mỹ trong vấn đề này, và chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng công khai khi thấy có những hành động gây lo ngại ở Biển Đông.
Rõ ràng tiến độ và quy mô của những việc mà TQ làm để cải tạo đảo ở Biển Đông là lớn.
Chúng tôi quan sát thấy đây là một chuỗi các hành động của TQ nhằm hiện thực hóa yêu sách đường 9 đoạn ở Biển Đông. Đây là một yêu sách rất mơ hồ, chúng tôi chưa thấy có một giải thích chi tiết nào của TQ.
Ủng hộ ASEAN thể hiện rõ lập trường
Vậy Mỹ tiếp cận và có chiến lược như thế nào đối với vấn đề Biển Đông?
Trong những năm gần đây, Mỹ đã thể hiện rõ ràng rằng chúng tôi có lợi ích quốc gia mạnh mẽ ở Biển Đông. Về cơ bản, đây là lợi ích về luật pháp chứ không phải về các đảo, lợi ích nằm ở hòa bình và ổn định, tự do hàng hải, giao thương và tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi cũng có lợi ích trong việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình.
Chính phủ Mỹ sử dụng rất nhiều công cụ để duy trì các lợi ích của mình ở Biển Đông, trong đó có biện pháp ngoại giao.
Ngoài đối thoại với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền và các đối tác trong khu vực, chúng tôi tham gia các thể chế đa phương như ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á hay Diễn đàn khu vực Đông Nam Á, đảm bảo rằng các thể chế đa phương này là nơi chúng tôi có thể giúp xây dựng luật pháp mà các quốc gia trong khu vực cần tuân thủ, cũng là nơi thúc đẩy sự tuân thủ của các quốc gia này với những quy định đã được thống nhất.
Bên cạnh đó, chúng tôi hỗ trợ tăng cường năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật trên Biển Đông. Đồng thời duy trì sự hiện diện của Mỹ trong khu vực nhằm đảm bảo lợi ích về tự do hàng hải. Tôi nghĩ sự hiện diện này được các quốc gia trong khu vực hoan nghênh, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
Tất cả các yếu tố này tập hợp lại thành chiến lược của Mỹ đối với Biển Đông, và chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp này.
Vậy Mỹ sẽ hợp tác với ASEAN thế nào trong vấn đề này?
Chúng tôi thường xuyên thảo luận vấn đề này với quan chức ASEAN ở mọi cấp. Chúng tôi rất ủng hộ vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN trong vấn đề này, ủng hộ ASEAN và TQ tiến tới nhanh chóng đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), mà thẳng thắn nói thì chúng tôi chưa thấy có nhiều tiến bộ. Chúng tôi cũng khuyến khích ASEAN và TQ thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).
Chúng tôi tin rằng ASEAN càng mạnh, càng đoàn kết, thì càng có khả năng tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Tôi nghĩ Tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN sau hội nghị Thượng đỉnh gần đây nhất là khá mạnh mẽ, nêu rõ việc cải tạo đảo đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực.
Chúng tôi ủng hộ ASEAN thể hiện rõ quan ngại và lập trường của mình trong vấn đề này, và cũng khuyến khích TQ tham gia với ASEAN trên tinh thần xây dựng để nhanh chóng đạt được tiến bộ với COC.
Theo VNN