Một nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đã nói rằng, các cường quốc phương Tây nên tính đến mối quan ngại an ninh chính đáng của Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. Đây được xem là một phát biểu thẳng thắn bất ngờ thể hiện sự ủng hộ công khai của Bắc Kinh đối với lập trường của Moscow trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Hãng tin Tân Hoa xã tối hôm 26/2 dẫn lời ông Qu Xing – Đại sứ Trung Quốc tại Bỉ. Theo đó, ông này đổ lỗi cuộc khủng hoảng tồi tệ ở Ukraine hiện nay là do cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây gây ra. Ông Qu kêu gọi các cường quốc phương Tây hãy “từ bỏ cách nghĩ được-mất” với Nga. Trò chơi “được-mất” mà Đại sứ Trung Quốc tại Bỉ nhắc đến có nghĩa là trong một vấn đề nào đó, sẽ có một bên được hoàn toàn và bên kia sẽ phải mất trắng. Cách nghĩ này đang bị tẩy chay bởi các nước trên thế giới đang theo đuổi mối quan hệ hợp tác theo hướng các bên cùng có lợi chứ không phải một bên mất, một bên được.
Ông Qu thẳng thừng tuyên bố, “bản chất và nguồn gốc” của cuộc khủng hoảng Ukraine chính là “trò chơi” giữa Nga với các cường quốc phương Tây, trong đó bao gồm Mỹ và Liên minh Châu Âu.
Theo Đại sứ Trung Quốc tại Bỉ, sự can thiệp từ bên ngoài của các cường quốc khác nhau vào Ukraine đang làm leo thang cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu. Ông này cảnh báo, Moscow sẽ cảm thấy bị đối xử không công bằng nếu phương Tây không thay đổi phương pháp tiếp cận.
"Phương Tây nên từ bỏ cách nghĩ lạc hậu về ‘trò chơi được-mất’, và nên quan tâm, tính đến những mối quan ngại an ninh thực sự của nước Nga”, ông Qu đã nói như vậy.
Những phát biểu trên của ông Qu là sự thể hiện lập trường công khai một cách bất thường của Bắc Kinh trong vấn đề Ukraine. Trung Quốc và Nga thường có chung cách nhìn, có chung tiếng nói trong rất nhiều vấn đề ngoại giao quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh thông thường không sẵn sàng công khai thể hiện sự ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine.
Trung Quốc cũng luôn thể hiện một lập trường và thực hiện những bước đi thận trọng để vừa tránh không bị lôi vào cuộc đối đầu Đông-Tây gay gắt hiện nay vừa không muốn làm phật lòng một đồng minh then chốt như Nga.
Những phát biểu của ông Qu cũng được đưa ra trùng thời điểm với việc Mỹ và các đồng minh Châu Âu đang bàn thảo về khả năng tung ra những đòn trừng phạt hà khắc hơn nhằm vào Moscow.
Hồi đầu tuần này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc các cường quốc phương Tây cố tìm cách chỉ đạo và áp đặt tư tưởng của họ đối với phần còn lại của thế giới. Mỹ và các phái đoàn Châu Âu chỉ trích Nga về việc hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
Đại sứ Trung Quốc Qu cho rằng việc Washington dính líu vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể “trở thành một một vấn đề gây xao nhãng trong chính sách đối ngoaijcuar nước này”.
Cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc ở Ukraine bùng lên hồi đầu năm ngoái đã trở thành mồi lửa châm ngòi cho một cuộc đối đầu quyết liệt chưa từng có giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Mỹ và Liên minh Châu Âu lao vào đổ lỗi, chỉ trích, cáo buộc Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nam Ukraine. Dù Nga đã bác bỏ thẳng thừng mọi cáo buộc trên phương Tây vẫn không tha cho Nga. Các cường quốc Châu Âu dưới sự dẫn dắt của Mỹ bắt đầu huy động lực lượng để cô lập, bủa vây nước Nga trên mọi mặt trận và ở mọi phía Về chính trị, ngoại giao, phương Tây tìm cách lôi kéo các nước trên thế giới đứng về phía mình. Trên mặt trận kinh tế, phương Tây đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Nga. Nhiều trong số các đòn trừng phạt Nga của phương Tây đang gây tổn thất lớn đến nền kinh tế Nga khi chúng nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.
Trên mặt trận quân sự, liên minh quân sự phương Tây – NATO gia tăng mạnh mẽ sự hiện diện quân sự ở sát nách biên giới Nga bằng những hoạt động triển khai vũ khí, điều binh và tập trận hay thành lập một lực lượng phản ứng nhanh nhằm đối phó với Nga.
Trong bối cảnh như thế, Nga đã quay ra tìm đến thắt chặt mối quan hệ với các nước phương Đông. Đầu tiên, Nga tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Hiện tại, mối quan hệ Nga-Trung được đánh giá là tốt nhất từ trước đến nay. Bắc Kinh đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho Nga trong bối cảnh Moscow bị các nước phương Tây dồn ép. Mối quan hệ phát triển mạnh mẽ giữa Nga và Trung Quốc trong giai đoạn này được thể hiện qua một hợp đồng khí đốt khổng lồ, sự gia tăng hợp tác trong lĩnh vực quân sự - điều không xảy ra trong thời gian trước đây, và “cái bắt tay” trong việc phá bỏ thế độc quyền của đồng đô la Mỹ trong các giao dịch quốc tế.
Theo: VnMedia