Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy tham gia giao thông tại 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ. Quá trình lấy ý kiến cho thấy còn nhiều băn khoăn về tính hiệu quả của đề án này.
Buộc phải kiểm định
Bộ GTVT cho rằng việc kiểm định khí thải mô tô, xe máy nhằm cụ thể hóa lộ trình thực hiện Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố”. Đề án này vốn bị “treo” suốt 5 năm qua vì nhiều lý do.
Theo đề án, xe máy có niên hạn từ 5 năm trở lên bắt buộc phải kiểm tra khí thải định kỳ; chỉ khi được cấp giấy chứng nhận, dán tem kiểm định mới được phép tham gia giao thông. Xe không đạt tiêu chuẩn phải được bảo dưỡng, sửa chữa hoặc nâng cấp, thay thế phụ tùng và kiểm định lại.
Ông Lê Anh Tú, Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường - Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết cơ quan này đề xuất lộ trình kiểm soát khí thải đầu tiên tại TP Đà Nẵng, áp dụng từ ngày 1-7-2018 với xe máy có niên hạn trên 10 năm sử dụng; từ ngày 1-7-2019, áp dụng đối với xe sử dụng trên 5 năm. Tại các thành phố: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng và Cần Thơ, việc kiểm soát khí thải được thực hiện từ ngày 1-7-2020 đối với xe trên 10 năm sử dụng; từ ngày 1-7-2021 với xe trên 7 năm sử dụng và kể từ ngày 1-7-2022 với tất cả các xe trên 5 năm sử dụng.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong thời gian đầu triển khai đề án, chu kỳ kiểm định dự kiến áp dụng 2 năm/lần, sau đó sẽ được điều chỉnh xuống 1 năm/lần. Mức phí kiểm định và lệ phí cấp tem kiểm định đề xuất từ 100.000-150.000 đồng/lần.
Để ràng buộc trách nhiệm, đề án quy định trường hợp người dân không mang xe đi kiểm định sẽ bị lực lượng CSGT xử phạt hành chính. Mức xử phạt dự kiến áp dụng giống với lỗi vượt đèn đỏ, thiếu bảo hiểm xe máy. “Hiện dự thảo đang được xây dựng nên chưa có mức phạt cụ thể” - ông Tú nói.
Về việc phân cấp kiểm định khí thải, Cục Đăng kiểm Việt Nam dự kiến giao cho cửa hàng, đại lý ủy nhiệm của các hãng xe máy. Nơi kiểm định phải lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát. Đại diện cửa hàng xe phải ký cam kết không nâng giá khi thay thế phụ tùng cho khách, nếu vi phạm sẽ bị tước quyền.
“Người dân cũng có thể bảo dưỡng, thay phụ tùng ở bất kỳ đâu, sau đó mang xe đến các đại lý để thực hiện việc đo, kiểm tra khí thải và nhận tem chứng nhận” - ông Tú hướng dẫn.
Nên lùi thời gian triển khai
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, khẳng định việc triển khai đề án là cần thiết và ông hoàn toàn đồng tình.
Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng cần phải có lộ trình thực hiện cho phù hợp. Theo phân tích của ông Liên, hiện xe máy đang phải chịu phí nhập khẩu, phí bảo vệ môi trường qua giá xăng, phí trước bạ... nên không thể “cõng” thêm phí nữa. Hơn nữa, khí thải xe máy không phải là nguyên nhân chính duy nhất gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường bởi ngoài khí thải xe máy, các yếu tố gây ô nhiễm phải kể đến tình trạng vứt rác thải bừa bãi, khói ở các nhà máy, lò than, các khu công nghiệp...
“Tôi nghĩ rằng nên lùi việc kiểm soát khí thải xe máy đến năm 2020 mới bắt đầu thực hiện sẽ phù hợp hơn thay vì bắt đầu từ năm 2018” - ông Liên góp ý.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, khẳng định phí kiểm định không chồng phí môi trường. Theo ông, người dân đóng phí môi trường để đầu tư nâng cao chất lượng sống, còn phí kiểm định xe cơ giới trả cho việc thực hiện kiểm soát khí thải để các xe không xả khói đen ra môi trường .
Xe “cùi bắp” cần gì kiểm định!
Chúng tôi đã tiếp xúc một số người dân tại TP Hà Nội về dự thảo đề án kiểm định khí thải xe máy và hầu hết không ủng hộ. Anh Nguyễn Nhã Hải, nhân viên sửa xe ở quận Nam Từ Liêm, cho rằng do điều kiện kinh tế nên loại xe “cùi bắp” (xe cũ) vẫn còn sử dụng phổ biến. Với những loại xe này, người dân chẳng lưu tâm mấy đến việc đi kiểm định vì vừa mất thời gian vừa... tốn thêm tiền.
Theo NLĐ