|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang theo dõi một học viên tập luyện trong chuyến thăm Học viện Quân sự Kang Kon, tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 25/2. Ảnh: KCNA. |
Hãng thông tấn nhà nước KCNA cho hay, việc kết thúc thắng lợi chiến dịch giải phóng khu vực Kursk của Nga đã thể hiện "mức độ chiến lược cao nhất trong tình hữu nghị chiến đấu kiên định" giữa Bình Nhưỡng và Moscow.
Tuần trước, Nga tuyên bố lực lượng Ukraine đã bị quét sạch khỏi ngôi làng cuối cùng ở vùng Kursk mà họ còn nắm giữ. Tuy nhiên, phía Kiev bác bỏ thông tin này và khẳng định binh sĩ Ukraine vẫn đang hoạt động tại khu vực Belgorod, một tỉnh khác giáp biên giới Nga.
Ủy ban Quân sự Trung ương của Triều Tiên cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đưa ra quyết định triển khai quân đội dựa trên thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện mà ông ký với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm ngoái.
"Nhận lệnh từ lãnh đạo nhà nước, các đơn vị của lực lượng vũ trang Triều Tiên đã coi lãnh thổ Nga như lãnh thổ của chính mình và chứng minh mối liên minh vững chắc giữa hai nước", KCNA dẫn thông cáo của Ủy ban cho biết.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un ca ngợi những binh sĩ tham chiến là "những người anh hùng chiến đấu vì chính nghĩa và là niềm tự hào của tổ quốc".
"Triều Tiên lấy làm vinh dự khi có một liên minh với một cường quốc như Liên bang Nga", KCNA nhấn mạnh.
Giới chức Ukraine ước tính Triều Tiên đã điều khoảng 14.000 binh sĩ tới Ukraine, trong đó có 3.000 quân tiếp viện nhằm bù đắp thương vong. Do thiếu phương tiện thiết giáp và kinh nghiệm tác chiến bằng máy bay không người lái, lực lượng Triều Tiên chịu tổn thất trong giai đoạn đầu, nhưng nhanh chóng thích nghi.
Nga hôm thứ Bảy tuần trước cũng lần đầu tiên xác nhận sự hiện diện của binh sĩ Triều Tiên cùng chiến đấu bên cạnh lực lượng Nga tại Kursk. Trước đó, cả Moscow và Bình Nhưỡng đều không xác nhận cũng như không phủ nhận việc triển khai này.