Quy trình Vatican lựa chọn Giáo hoàng mới: Mật nghị Hồng y bắt đầu khi nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau lễ tang của Đức Giáo hoàng Francis, công tác chuẩn bị cho Mật nghị Hồng y – sự kiện trọng đại nhằm chọn ra vị lãnh đạo kế nhiệm – đang được gấp rút tiến hành.

Đức Giáo hoàng Francis xuất hiện trên ban công trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Peter vào ngày 13/3/2013 tại Thành phố Vatican, Vatican. Ảnh: Getty.
Đức Giáo hoàng Francis xuất hiện trên ban công trung tâm của Vương cung thánh đường Thánh Peter vào ngày 13/3/2013 tại Thành phố Vatican, Vatican. Ảnh: Getty.

Các Hồng y đủ điều kiện sẽ bước vào giai đoạn cách ly nghiêm ngặt và bắt đầu quá trình bỏ phiếu để chọn ra người kế vị ngôi vị tối cao của Giáo hội Công giáo.

Mật nghị Hồng y là gì?

Mật nghị Hồng y là tiến trình bầu chọn tân Giáo hoàng, được thực hiện bởi các thành viên của Hồng y đoàn.

Truyền thống này đã được định hình từ thế kỷ XI. Trước đây, việc chọn Giáo hoàng chủ yếu do giáo sĩ địa phương cùng giáo dân đảm nhiệm. Mật nghị với những thủ tục có tính hệ thống đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ XIII, và đến thế kỷ XVII, Giáo hội đã hoàn thiện những quy định nền tảng, phần lớn vẫn được duy trì đến ngày nay.

Mật nghị Hồng y sẽ bắt đầu khi nào?

Theo quy định, Mật nghị Hồng y sẽ bắt đầu từ 15 đến 20 ngày sau khi Giáo hoàng qua đời hoặc từ nhiệm – tức rơi vào khoảng từ ngày 6 đến 11/5. Tuy nhiên, nếu toàn bộ các Hồng y cử tri đã có mặt, quá trình này có thể được khai mạc sớm hơn.

Khi đã tề tựu đông đủ tại Vatican, các Hồng y sẽ tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối và tiến vào Nhà nguyện Sistine. Từ thời điểm đó, họ sẽ sống trong tình trạng cách ly hoàn toàn cho đến khi chọn được vị Giáo hoàng mới.

Mật nghị kéo dài bao lâu và diễn ra như thế nào?

Theo Tổng giáo phận Boston, quy trình bầu chọn diễn ra với các bước chặt chẽ và nghiêm ngặt:

Mỗi vòng bỏ phiếu bắt đầu bằng việc hai thầy nghi lễ – được chọn từ các Hồng y không có quyền bầu cử – phân phát phiếu bầu cho các Hồng y cử tri. Một nhóm hỗ trợ gồm chín Hồng y cũng được thành lập ngẫu nhiên: ba người giám sát việc bỏ phiếu, ba người thu phiếu (dành cho những Hồng y không thể rời phòng riêng) và ba người kiểm tra chéo kết quả.

Sau khi nhận phiếu, các Hồng y cử tri sẽ ghi dòng chữ Latin: “Eligo in Summum Pontificem” (Tôi bầu chọn ngài làm Giáo hoàng tối cao), kèm theo tên ứng viên mình lựa chọn.

Khi hoàn tất, mỗi Hồng y lần lượt tiến tới bàn thờ, tuyên bố:

“Tôi lấy Đức Kitô Chúa chúng ta làm chứng, và Người sẽ xét xử tôi, rằng tôi đã bầu chọn người mà tôi tin trước mặt Thiên Chúa là xứng đáng nhất để được chọn”.

Lá phiếu sau đó được gập đôi, đặt lên đĩa, và trượt vào thùng phiếu – thường là một chiếc chén thánh lớn.

Khi việc bỏ phiếu kết thúc, một trong ba giám sát viên sẽ trộn kỹ các lá phiếu, sau đó chuyển sang một bình đựng khác để đếm và đọc to từng lá phiếu. Mỗi phiếu sẽ được kiểm tra, xác nhận bởi cả ba giám sát viên, rồi được xâu lại bằng kim và chỉ thành một chuỗi liên kết.

Nếu chưa có ứng viên nào đạt đủ số phiếu cần thiết, Mật nghị tiếp tục với hai vòng bỏ phiếu mỗi ngày. Sau mỗi ngày bỏ phiếu, toàn bộ phiếu sẽ bị đốt. Trong trường hợp chưa chọn được Giáo hoàng, ống khói Nhà nguyện Sistine sẽ bốc lên khói đen – dấu hiệu cho thấy Mật nghị vẫn chưa có kết quả.

1.png
Khói trắng bốc lên từ ống khói trên mái Nhà nguyện Sistine báo hiệu Hội đồng Hồng y đã bầu ra Giáo hoàng mới vào ngày 13/3/2013 tại Thành phố Vatican, Vatican. Ảnh: Getty.

Nếu một ứng viên giành được ít nhất hai phần ba tổng số phiếu, người đó sẽ chính thức được bầu làm Giáo hoàng mới. Khi ấy, khói trắng sẽ bay lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine, báo tin vui đến toàn thể giáo dân khắp thế giới.

Mật nghị theo chu kỳ: ba ngày liên tiếp bỏ phiếu, sau đó nghỉ một ngày. Quá trình cứ tiếp tục, và sau mỗi bảy vòng bỏ phiếu, các Hồng y sẽ lại nghỉ một lần. Nếu sau khoảng 12 hoặc 13 ngày mà chưa chọn được Giáo hoàng, các Hồng y có thể quyết định thay đổi quy chế – cho phép chọn bằng đa số đơn giản và áp dụng thêm biện pháp thúc đẩy tiến trình.

Sau khi được bầu chọn, Tân Giáo hoàng sẽ chọn tên hiệu, nhận lời tuyên thệ trung thành từ các Hồng y và ra mắt toàn thể giáo dân thành Roma cũng như thế giới.

Những ứng viên sáng giá cho ngôi vị Giáo hoàng

Trong số 252 Hồng y hiện diện tại Vatican, chỉ 135 vị đủ điều kiện tham gia mật nghị bầu chọn vị Giáo hoàng kế tiếp, theo quy định tuổi tác. Các Hồng y cử tri bắt buộc phải dưới 80 tuổi và sẽ tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối trước khi tiến vào Nhà nguyện Sistine để bắt đầu tiến trình bỏ phiếu.

Đáng chú ý, trong số 135 vị đủ điều kiện, có tới 108 Hồng y được chính Đức Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm. Điều này đồng nghĩa với việc tầm ảnh hưởng của ngài sẽ tiếp tục hiện hữu trong việc lựa chọn người kế nhiệm, ngay cả khi ngài không còn tại thế.

Về cơ cấu, Hồng y đoàn hiện nay vẫn nghiêng mạnh về châu Âu với 114 vị, tiếp theo là châu Á (37 vị), Nam Mỹ (32), châu Phi (29), Bắc Mỹ (28), Trung Mỹ (8) và châu Đại Dương (4).

Trong số những vị có quyền bầu chọn, một số gương mặt đã nổi lên như những ứng viên sáng giá, thu hút nhiều sự chú ý:

Hồng y Pietro Parolin, 70 tuổi, người Italy, hiện đang dẫn đầu các bảng dự đoán về khả năng trở thành Giáo hoàng tiếp theo. Là Quốc vụ khanh Tòa Thánh – một trong những chức vụ quyền lực nhất sau Giáo hoàng – ông từng làm việc sát cánh cùng Đức Francis trong nhiều vấn đề quan trọng.

Ông Parolin được đánh giá là một giáo sĩ trung dung, dù có lập trường bảo thủ hơn Đức Phanxicô trong một số vấn đề xã hội. Khi Ireland hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới năm 2015, ông từng gọi đó là “một thất bại của nhân loại”, cho thấy quan điểm giữ gìn giá trị truyền thống trong giáo huấn Công giáo.

Hồng y Luis Antonio Tagle, 67 tuổi, đến từ Philippines, được xem là ứng viên lý tưởng để tiếp nối di sản cải cách và mở cửa của Đức Francis.

Với bối cảnh Công giáo Á châu đang bùng nổ, đặc biệt tại Philippines, một vị Giáo hoàng gốc Á sẽ mang đến dấu ấn mới mẻ cho Giáo hội.

Hồng y Peter Turkson, 76 tuổi, là gương mặt quen thuộc trong các hoạt động xã hội của Giáo hội. Ông từng giữ vai trò Tổng trưởng Bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện và không ngừng lên tiếng về những vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, công bằng kinh tế và chống đói nghèo.

Nếu được bầu, ông Turkson sẽ trở thành vị Giáo hoàng gốc Phi đầu tiên trong gần 1.500 năm, kể từ thời Đức Giáo hoàng Gelasius I (492–496), một nhân vật nổi tiếng với những đóng góp lớn lao trong thần học và công lý cho người nghèo.

Hồng y Péter Erdő, 72 tuổi, người Hungary, là một học giả giáo luật lỗi lạc và được biết đến với lập trường vững chắc trong việc bảo vệ giáo lý truyền thống của Giáo hội. Ông từng đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Giám mục châu Âu và thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của chính thống thần học.

Đối với những ai mong muốn Giáo hội quay trở lại phong cách bảo thủ như thời Đức John Paul II và Đức Benedict XVI, Erdő đại diện cho một hướng đi quyết liệt, rời xa những cải cách của Đức Francis.

Hồng y Angelo Scola, 82 tuổi, là một tên tuổi lâu năm trong danh sách ứng viên Giáo hoàng. Ông từng là một trong những người được kỳ vọng cao nhất tại Mật nghị năm 2013, trước khi Đức Francis được bầu chọn. Là nguyên Tổng Giám mục Milan, Scola có nền tảng thần học vững chắc và được những người ủng hộ một mô hình Giáo hội tập quyền đánh giá cao.

Dù vậy, tuổi tác của ông có thể là yếu tố bất lợi, trong bối cảnh Giáo hội đang tìm kiếm một vị Giáo hoàng trẻ trung hơn để lèo lái Giáo hội trong thời kỳ mới.

Theo Newsweek