Triều Tiên bất ngờ cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Malaysia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Triều Tiên vừa bất ngờ tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Malaysia nhằm phản đối phán quyết của một tòa án dẫn độ một công dân Triều Tiên tới Mỹ vì cáo buộc rửa tiền.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: TNS)
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: TNS)

Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã gọi các cáo buộc trên là “thêu dệt lố bịch và âm mưu lộ liễu” mà phía Mỹ đưa ra, gọi nước này là “kẻ thù chính của đất nước chúng ta”, nơi mà công dân nêu trên sẽ bị dẫn độ tới.

Bộ này nói rằng họ đã tuyên bố “cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Malaysia, bên đã đưa ra hành động thù địch to lớn đối với Triều Tiên, chịu thua sức ép từ phía Mỹ”. Cơ quan này cũng nói rằng Mỹ sẽ phải “trả giá tương xứng”.

Hồi đầu tháng này, một tòa án cấp cao của Malaysia đã bác tranh luận của công dân Triều Tiên Mun Chol Myong rằng cáo buộc của phía Mỹ có động cơ chính trị, và cuối cùng ra phán quyết người này có thể bị dẫn độ tới Mỹ. Mun đã sinh sống ở Malaysia trong một thập kỷ và bị bắt giữ vào tháng 5/2019, sau khi chính quyền Mỹ ra lệnh dẫn độ ông. Chính phủ Malaysia đã chấp thuận lệnh dẫn độ của Mỹ, nhưng Mun kháng cáo.

Ông Mun bác cáo buộc của Mỹ rằng ông liên quan tới việc chuyển hàng xa xỉ bị cấm từ Singapore về Triều Tiên, vi phạm các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, trong lúc đang làm việc tại Singapore vào năm 2008, trước khi chuyển tới Malaysia.

Mun cũng bác cáo buộc tham gia rửa tiền, cho rằng bản thân là nạn nhân của một lệnh dẫn độ “có động cơ chính trị” nhằm gây sức ép với Triều Tiên.

“Đây là thông tin cực kỳ xấu. Nó sẽ gây tổn thất nghiêm trọng tới các nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên” – Giáo sư Yang Moo-jin, ĐH Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nhắc tới việc Mỹ đóng băng 25 triệu USD trong các quỹ của Triều Tiên ở Banco Delta Asia vào năm 2005 cùng các lệnh cấm vận ngân hàng Macau vì cho rằng ngân hàng này rửa tiền cho Triều Tiên.

Phía Triều Tiên đã phản ứng đầy phẫn nộ, tẩy chay các vòng đàm phán đa phương mà Mỹ tổ chức để thảo luận về giải giáp hạt nhân Triều Tiên, và tổ chức cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên trong tháng 10/2016, và tiếp đó là hàng loạt vụ thử tên lửa đạn đạo.

Sau 1 năm bị đóng băng, khoản tiền này đã được giải phong tỏa vào năm 2007 sau khi một thỏa thuận về giải giáp hạt nhân đạt được. Tuy nhiên thỏa thuận này sau đó lại sụp đổ, cả Mỹ và Triều Tiên đổ lỗi cho nhau.

“Lệnh dẫn độ này nên được giải quyết dựa trên thực tế chính trị, thay vì dựa trên tính nghiêm minh của luật pháp. Giờ nó sẽ khiến cho hoạt động ngoại giao trở nên khó khăn hơn” – ông Yang nhận định.

Triều Tiên và Malaysia thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, nhưng đã chịu nhiều bước thụt lùi lớn kể từ năm 2017, do vụ ám sát người anh của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Sân bay quốc tế Kuala Lumpur.

Malaysia chưa từng chính thức cáo buộc Triều Tiên có dính líu tới vụ việc này, nhưng các công tố viên đã nêu rõ trước tòa rằng họ nghi ngờ có liên hệ với Triều Tiên. Phía Bình Nhưỡng bác bỏ mọi sự liên quan.

Sau vụ việc trên, Malaysia đã hủy miễn trừ thị thực đối với nhiều công dân Triều Tiên và trục xuất Đại sứ Triều Tiên Kang Chol sau khi ông khước từ hợp tác vụ điều tra của nước này và khẳng định rằng nạn nhân là một công dân bình thường bị chết do trụy tim.

Triều Tiên đáp trả bằng cách ngăn công dân Malaysia rời khỏi nước này, khiến 3 nhà ngoại giao và 6 thành viên gia đình họ bị mắc kẹt. 9 người này chỉ được phép trở về nước sau khi Malaysia trao trả thi thể nạn nhân Kim Jong-nam cho Triều Tiên và cho phép công dân Triều Tiên rời khỏi, bao gồm một quan chức Đại sứ quán và một nhân viên của hãng hàng không Air Koryo bị cảnh sát truy nã để thẩm vấn về cái chết của ông Kim.

Vấn đề dẫn độ xuất hiện giữa lúc mà các vòng đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng lâm thế bế tắc. Các nỗ lực ngoại giao của phía Mỹ nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân đã chững lại trong suốt hơn 2 năm, do tranh cãi về các lệnh trừng phạt mà Mỹ khởi xướng nhằm vào Triều Tiên.