Tờ Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản ngày 4/12 cho rằng Ấn Độ đang gia tăng mở rộng vai trò ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương, nơi mà họ coi là thuộc phạm vi ảnh hưởng của mình.
Vừa qua, không quân Ấn Độ đã lần đầu tiên phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu âm BrahMos. Trong tương lai, những tên lửa này sẽ trang bị cho khoảng 40 máy bay chiến đấu triển khai ở phía đông và tây Ấn Độ. Hải quân Ấn Độ cũng đang chế tạo tàu sân bay.
Ấn Độ tìm cách xây dựng được thể chế để có thể tác chiến trên hai mặt trận. Ấn Độ ngày càng ý thức mạnh hơn về nguy cơ quân đội Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương, do đó đang mở rộng phòng tuyến đến eo biển Malacca.
Tên lửa hành trình siêu âm BrahMos vừa được phóng thử nghiệm vào ngày 22/11, tại vịnh Bengal, phương tiện phóng là máy bay chiến đấu Su-30. Tên lửa đã bắn trúng mục tiêu trên biển theo quỹ đạo dự định.
Tên lửa BrahMos nổi tiếng với độ chính xác cao, đã bắn thử ở trên bộ và trên tàu chiến. Su-30 phóng thành công tên lửa BrahMos vừa qua là lần phóng đầu tiên.
Ấn Độ khẳng định: "Năng lực tác chiến của Ấn Độ đã được tăng cường vượt bậc, có thể ngăn chặn hành động quân sự liều lĩnh của đối phương. Trong tương lai sẽ lắp cho khoảng 40 máy bay chiến đấu Sukhoi”.
Theo một nguồn tin khác, tầm bắn của tên lửa hành trình siêu âm Brahmos có thể bao trùm toàn bộ Ấn Độ Dương. Nếu phóng ở căn cứ trên quần đảo Andaman - Nicobar thì có thể bao trùm lên eo biển Malacca.
Ấn Độ hoàn toàn không công bố địa điểm triển khai, nhưng đa số quan điểm cho rằng tên lửa BrahMos sẽ được triển khai ở quần đảo Andaman - Nicobar, phía đông Ấn Độ Dương, ở Visakhapatnam – bên bờ vịnh Bengal và ở bang Gujarat - phía tây của biển Ả rập.
Ấn Độ sở dĩ tăng cường khả năng quân sự áp sát eo biển Malacca là do lo ngại Trung Quốc thông qua tuyến đường này để thâm nhập vào Ấn Độ Dương.
Từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014 và nửa cuối năm 2014, tàu ngầm Trung Quốc đã lần lượt xuất hiện khoảng 3 tháng ở Ấn Độ Dương, đồng thời đã cập cảng của Sri Lanka, láng giềng lân cận của Ấn Độ.
Mùa hè năm 2017, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra đối đầu ở khu vực biên giới – khu vực Doklam. Khi đó nhiều tàu chiến của Trung Quốc trong đó có tàu ngầm đã xuất hiện ở Ấn Độ Dương.
Để tăng cường quyền kiểm soát biển ở Ấn Độ Dương, hải quân Ấn Độ đang thúc đẩy chế tạo tàu sân bay đầu tiên INS Vikrant. Do tháng 3/2017 có một tàu sân bay nghỉ hưu, Ấn Độ hiện chỉ còn một chiếc tàu sân bay, nhưng tàu sân bay INS Vikrant sẽ bắt đầu hoạt động trong vài năm tới, hình thành 2 biên đội tàu sân bay, có khả năng đồng thời tiến hành tác chiến trên hai phương hướng chính với Trung Quốc và Pakistan.
Các động thái tăng cường quân bị trên không, trên biển của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương là một mắt khâu trong "chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa" do 4 nước Nhật - Mỹ - Australia - Ấn đưa ra nhằm kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, lập trường của các nước trong vấn đề bảo đảm an ninh khu vực vẫn tồn tại sự khác biệt.
Ngày 12/11, Ngoại trưởng các nước Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ đã tổ chức hội nghị 4 bên tại Manila, tiến hành bàn bạc hợp tác bảo đảm tự do và an ninh hàng hải của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. 10 năm trước, 4 nước này cũng đã từng tổ chức một hội nghị bàn về hợp tác an ninh. Sau khi kết thúc hội nghị, các nước đã ra tuyên bố chung.
Giáo sư Srikanth Kondapali, Đại học Nehru Ấn Độ cho rằng: "Nhật Bản, Mỹ và Australia hầu như hoàn toàn đạt được nhất trí trong 9 nội dung chủ yếu có liên quan đến chiến lược này như bảo vệ trật tự pháp lý và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhưng tuyên bố của Ấn Độ không đề cập đến 3 nội dung trong đó có bảo đảm an ninh hàng hải, đã cho thấy sự khác biệt về quan điểm".
Ấn Độ cũng không trao đổi với Mỹ về chính sách an ninh liên quan đến phóng thử thành công tên lửa BrahMos lần này. Ấn Độ mong muốn hợp tác với Việt Nam về an ninh biển ở phía đông Ấn Độ Dương, đang có kế hoạch bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam. Nhưng Mỹ sẽ không để cho Ấn Độ làm xáo trộn kế hoạch an ninh khu vực do họ đóng vai trò chủ đạo.
Nhìn vào bề ngoài, Ấn Độ tham gia hợp tác 4 nước, duy trì thống nhất về hành động, nhưng trên thực tế Ấn Độ lại ưu tiên tăng cường sức mạnh quân sự, xây dựng "chiến lược Ấn Độ Dương" của riêng mình. "Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương" chẳng qua là một tuyến mở rộng của chiến lược này.