Sáng 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Một trong những điểm gây tranh cãi là có nên trao thêm quyền điều tra cho cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán, kiểm ngư hay không?
Là điểm mới trong dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) lần này, song ĐB Âu Thị Mai (Tiền Giang) cho rằng, việc mở rộng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động điều tra gồm kiểm ngư, thuế, Ủy ban chứng khoán là không cần thiết. Vì thế, bà Mai đề xuất Ban soạn thảo giữ nguyên quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động điều tra, chỉ bổ sung cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu đấu tranh, xử lý loại tội phạm này trong tình hình hiện nay.
Cũng không đồng tình việc trao thêm “gậy” điều tra cho thuế, Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) lý giải, việc thu thập chứng cứ ban đầu, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, bảo vệ vật chứng, bảo vệ hiện trường là rất quan trọng có vai trò quyết định tính khách quan tạo lập chứng cứ trong hoạt động tố tụng nên cần phải có tính chuyên nghiệp cao và được đào tạo một cách bài bản. “Việc mở rộng giao cho các cơ quan không chuyên trách, dễ dẫn đến sai sót, làm oan sai, vi phạm quyền con người và quyền công dân”- ĐB Thủy lo lắng.
ĐB Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) đưa ra 3 lý do để thuyết phục Quốc hội trao quyền điều tra cho cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán và kiểm ngư |
ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) lại bày tỏ ý kiến ủng hộ giao cho cơ quan thuế được thẩm quyền điều tra ban đầu. Ông Thường phân tích, hiện giờ nhìn đâu cũng thấy việc quản lý thuế rất yếu kém, tình trạng trốn lậu thuế xảy ra rất nhiều. Mỗi năm Nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ đồng từ trốn lậu thuế, nhưng các tội phạm xử lý về thuế gần như chưa xử lý được vụ án nào.
“Qua giám sát chúng tôi thấy hoạt động của thuế rất chuyên ngành, các thanh tra thuế nắm rất sâu các quy định về thuế cũng như hoạt động thuế của các tổ chức, cá nhân. Nếu giao cho người ta thẩm quyền khởi tố ban đầu và tiến hành thu thấp các chứng cư trong một thời gian nhất định như dự thảo luật đã quy định. Tôi cho rằng tội phạm về thuế trong thời gian tới đây có thể sẽ được khắc phục”- ĐB Phạm Xuân Thường lập luận.
Còn theo ĐB Hà Công Long (Gia Lai), tội trong lĩnh vực thuế, chứng khoán, kiểm ngư là những tội phạm mà việc phát hiện đòi hỏi phải có kiến thức chuyên ngành, chuyên sâu và trên cơ sở theo dõi của cơ quan chuyên môn trong thời gian dài. Do đó, ĐB Hà Công Long nhấn mạnh, quy định giao cho các cơ quan nêu trên nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là cần thiết, giúp cho cơ quan điều tra chuyên trách nhanh chóng phát hiện tội phạm.
Dẫn tới 3 lý do để thuyết phục Quốc hội về việc cần thiết trao thêm “gậy” điều tra cho cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán, kiểm ngư, ĐB Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) lập luận, đây đều là những lĩnh vực đòi hỏi tính chuyên môn cao, điều tra viên ngoài kiến thức pháp luật còn phải am hiểu sâu sắc chuyên ngành thuế, chứng khoán, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam, cũng như trong tình hình diễn biến phức tạp ở biển Đông hiện nay. Theo ông Hòa, việc giao cho các cơ quan này tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu sẽ tận dụng nghiệp vụ của các cơ quan quản lý, hỗ trợ tốt cho cơ quan điều tra chuyên trách trong việc phá án.
Bên cạnh đó, ĐB Hòa nhấn mạnh, đối với những vụ án ít nghiêm trọng, quả tang, chứng cứ rõ ràng, có thể kết thúc điều tra, chuyển Viện kiểm sát truy tố trong thời hạn 10 ngày. Đối với những vụ án phức tạp, tiến hành thu thập chứng cứ, điều tra ban đầu trong 10 ngày, sau đó chuyển cơ quan điều tra chuyên trách tiếp tục điều tra.
Lý do thứ 3 được vị ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam nêu ra, đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước nhằm phản ứng nhanh chóng với tình hình tội phạm, đơn cử Nhật Bản có 30 cơ quan điều tra ban đầu.
Theo Infonet