|
Bộ trưởng GD-ĐT thăm cơ sở đào tạo của Trường ĐH Hàng hải. Ảnh: Hạ Anh |
Hạn chế tuyển biên chế mới, tăng hợp đồng
Một trong những đề xuất được các địa phương nêu ra là câu chuyện về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.
Hà Tĩnh hiện nay đang dư thừa hơn 1.000 giáo viên, chất lượng đội ngũ không đồng đều. Còn tại Trường ĐH Hà Tĩnh, nếu chuyển đổi cơ cấu đào tạo từ “những gì mình có” (đội ngũ giáo viên chủ lực là sư phạm, kế toán) sang “những gì địa phương cần” (các ngành công nghiệp phụ trợ, môi trường,v.v...) thì sắp xếp đội ngũ sẽ là bài toán khó giải.
Còn Hải Phòng đã hoàn thiện xong đề án vị trí việc làm trong ngành giáo dục, phân công hợp lý, cụ thể hoá vai trò, trách nhiệm của từng người, trình Bộ Nội vụ từ năm ngoái, chưa được phê duyệt. Với quyền chủ động của mình, Hải Phòng đã ban hành các tiêu chí trưởng, phó phòng quận, huyện; hiệu trưởng, hiệu phó và tiến hành thực hiện. Trong khi đó, Trường ĐH Hàng hải thì chủ động nâng chất lượng đội ngũ, sau một thời gian, đã tinh giản gần 40 giảng viên không đạt chuẩn.
Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng các địa phương nên hạn chế tuyển viên chức, thay vào đó tuyển dụng theo hình thức hợp đồng, tạo sự sàng lọc, đỡ áp lực biên chế. Về cán bộ quản lý, phải có tính toán theo hướng mở và liên thông, gắn với tiêu chí cán bộ quản lý giáo dục.
Điều này vừa giải quyết được tình trạng “tắc nghẽn biên chế”, vừa tạo được "đất trống" để đón được người giỏi vào ngành. Đối với con số đang trong biên chế, tới đây sẽ áp dụng chuẩn giáo viên để phân loại, theo lộ trình “không đáp ứng được thì tinh gọn”.
Bộ trưởng Nhạ cũng ủng hộ cách “sàng lọc” giảng viên của Trường ĐH Hàng hải và đề xuất thí điểm của Hải Phòng trong cách tính định biên mới.
Sẽ sử dụng sách của nước ngoài
Nhiều đề xuất liên quan tới dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường đã được nêu ra trong các cuộc họp.
ĐH Hà Tĩnh đề xuất mở mô hình trường phổ thông liên cấp song ngữ từ bậc mầm non tới THPT, nhằm tạo môi trường thực hành khi đào tạo sư phạm và bồi dưỡng lại giáo viên.
Hà Tĩnh cũng mong muốn thí điểm dạy tiếng Anh trong trường phổ thông theo nhu cầu thực tế. Hải Phòng - nơi kỳ vọng là “trung tâm giáo dục của khu vực” - cũng đang tạo điều kiện về đất đai, chế độ ưu đãi cho một tập đoàn lớn để xây dựng mô hình liên cấp từ mầm non đến đại học, hướng tới "chất lượng quốc tế". Hải Phòng cũng đang xây dựng “văn phòng điện tử”, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến trong giáo dục.
Ủng hộ các mô hình liên cấp nói trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng đinh thêm, việc dạy và học tiếng Anh là chủ trương lớn của toàn ngành. Để đạt được mục tiêu tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, Bộ đang tập trung vào đào tạo giáo viên, hướng tới việc có thể sử dụng sách của các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh để học tập, giảng dạy.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang xây dựng cổng điện tử, hy vọng Hải Phòng sẽ đi đầu trên cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục.
“Không cầm tay, chỉ việc” các mô hình cụ thể
Tại các phiên giao ban thi đua, giám đốc sở GD-ĐT 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và 5 thành phố lớn đã nêu những băn khoăn về hướng đi trước thực tiễn bất cập của các chính sách: đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, tổ chức lớp học theo mô hình “trường học mới” (VNEN).
Khẳng định những điểm tích cực và tiến bộ của các chính sách trên, Bộ trưởng Nhạ lưu ý, khi thực hiện những chủ trương mới, cần chú ý tới các yếu tố tâm lý - văn hoá xã hội đã sẵn sàng hay chưa. Có nhiều cách tiếp cận về đổi mới phương pháp. Bộ GD-ĐT sẽ rà soát và điều chỉnh thích hợp, nhưng không “cầm tay, chỉ việc” bắt buộc lựa chọn hay không. Trên cơ sở đó, các địa phương chủ động lựa chọn cách làm phù hợp với thực tiễn của mình.
“Ép học sinh học thêm là gian dối”
Đem đến hội nghị giao ban thi đua chiều 25/6, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, nêu “2 việc tốt, 2 việc chưa tốt và 3 việc đang làm” của thành phố này. Ông hào hứng kể chuyện “mùa hè mở” ở đây và cho biết có thể kiểm soát được chuyện dạy thêm trong nhà trường, nhưng còn chuyện dạy thêm của giáo viên bên ngoài thì không kiểm soát được. Đà Nẵng chưa biết làm cách nào xử lý tình trạng: Giáo viên vẫn đưa học sinh về nhà dạy thêm, khi bị kiểm tra thì họ cho học sinh nghỉ. Trước đó, tại buổi làm việc chiều 24/6, lãnh đạo Hà Tĩnh cho biết, “đến hè, nhiều gia đình đã cho con ra Hà Nội để học thêm”.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Nhạ xác định “Không nên đánh bùn sang ao – giáo viên kêu vất vả nhưng đến khi không được phép dạy thêm thì có ý kiến phàn nàn”. Ông cho rằng, những “chiêu” ép học sinh học thêm như dạy không hết chương trình, ra đề thi vào phần “phải học thêm”,v.v...là hành vi gian dối, vi phạm đạo đức nhà giáo.
Để khắc phục một cách căn cơ những hiện tượng lệch lạc phát sinh từ dạy thêm, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo chương trình phổ thông nhẹ nhàng, cơ bản; giáo viên cố gắng giảng dạy trong giờ là xong. Như vậy, sẽ không có chuyện dạy thêm các nội dung chính khoá. Bên cạnh đó, cần đáp ứng nhu cầu về phụ đạo, bồi dưỡng của các học sinh yếu kém và học sinh giỏi.
Chuyển cơ chế "cấp phát" sang "đặt hàng"
Báo cáo tổng kết năm học của các địa phương tại phiên họp giao ban thi đua đều xác định công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh phổ thông đều gặp khó. Việc quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn vẫn đang phân tán, hoặc đã sáp nhập các trung tâm nhưng vẫn chỉ là thao tác cơ học, chưa giải được gì cho bài toán đào tạo nghề nghiệp.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay, để giải quyết từ cấp độ vĩ mô, Chính phủ sẽ quyết định thống nhất quản lý giáo dục nghề nghiệp. Còn chuyện sáp nhập các trung tâm hướng nghiệp – dạy nghề, giáo dục thường xuyên ở các tỉnh, thành thì có thể tham khảo cách làm của TP.HCM, đó là thẩm quyền phân công của chính quyền sở tại.
Sau khi tiếp nhận các phản ánh về hiện tượng trường dạy nghề được đầu tư tiền tỉ nhưng vắng học viên ở cả Hà Tỉnh và Hải Phòng, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, trong giáo dục nghề nên chuyển đổi cách làm: Hạn chế bao cấp, tăng cường xã hội hoá với các trường đào tạo nghề; “đặt hàng” và “giao nhiệm vụ” với các trường đại học theo định hướng ứng dụng, thực hành.
Thay đổi cách làm thi đua trong giáo dục
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng không nên duy trì sự cào bằng, tính “phong trào” trong thi đua giáo dục. Cần phải xây dựng các tiêu chí thi đua như bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng; từ đó tạo động lực phát triển tự thân, cạnh tranh lành mạnh cho các cơ sở giáo dục, cũng như tạo áp lực để chính quyền địa phương đầu tư, quan tâm thiết thực tới giáo dục.
Dự kiến bộ chỉ số xếp hạng thi đua này sẽ có 5 tiêu chí, trong đó nhấn mạnh tới tiêu chí đảm bảo chất lượng (về giáo viên, cơ sở vật chất, quản trị trường học). Bên cạnh đó là các tiêu chí về kỷ cương nề nếp, đổi mới sáng tạo,v.v...
Theo VNN