Tránh "nói hay, cày dở"

VietTimes -- Liệu tới đây tham nhũng trong bộ máy nhà nước có bớt đi như kỳ vọng, khi mà đối tượng thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập, ngày càng mở rộng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 1/7? 
Công tác phối hợp thẩm định tài sản của cá nhân thuộc diện phải kê khai là khâu khó vì cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng.
Công tác phối hợp thẩm định tài sản của cá nhân thuộc diện phải kê khai là khâu khó vì cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng.

Theo đó, đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập bao gồm tất cả cán bộ, công chức, sĩ quan công an, sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội đang tại ngũ; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp...

Điều đáng chú ý là, trong số những đối tượng luật quy định phải kê khai tài sản, thu nhập sẽ bao gồm cả những người giữ vị trí công tác không có nguy cơ tham nhũng, như trường hợp các quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội là chiến đấu viên ở các đơn vị trinh sát, đặc công hoặc lái xe ở các đơn vị vận tải, y sĩ, điều dưỡng trong các bệnh viện,...

Việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân ở cơ quan công quyền từ Trung ương tới địa phương được xem là một kênh quan trọng để PCTN. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, việc này bị dư luận cho là hình thức, chống đối, không thiết thực, “lãng phí và tốn kém”... Dư luận  gọi chung việc này là danh hiệu “làm đẹp sự minh bạch”. 

Bởi theo thống kê của cơ quan chức năng trong tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN vào năm 2016 thì mới xác minh được 4.800 trường hợp, phát hiện xử lý 17 người kê khai không trung thực và kỷ luật 17 người vi phạm về tổ chức kê khai tài sản, thu nhập. 

Theo thống kê năm 2017 của Nghệ An, tỉnh này có 20.219 người phải kê khai tài sản, thu nhập được niêm yết công khai, công bố tại các cuộc họp và 1 người được xác minh tài sản. Kết quả là không phát hiện việc kê khai thiếu trung thực và tham nhũng. 

Tuy nhiên, số liệu trên trái ngược hoàn toàn với thống kê và khuyến cáo từ Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT), thuộc Tổ chức Minh bạch thế giới (TI) tại Việt Nam. Theo đó, tình trạng tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam là rất nghiêm trọng.

Tránh “đánh trống bỏ dùi” trong kê khai tài sản, thu nhập của đối tượng cán bộ, đảng viên là biện pháp phòng ngừa tham nhũng từ trứng nước.

Tránh “đánh trống bỏ dùi” trong kê khai tài sản, thu nhập của đối tượng cán bộ, đảng viên là biện pháp phòng ngừa tham nhũng từ trứng nước.

Ông Lê Hồng Hà ở TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang cho rằng, đối tượng kê khai tài sản và thu nhập rộng hơn trước sẽ khiến cơ quan chuyên môn ở từng cấp tăng thêm khối lượng công việc, tốn thêm nhiều thời gian chỉ đạo, hướng dẫn, thống kê, rà soát, phối hợp kiểm tra và kết luận... 

Ông Hà tỏ ra lo ngại và đặt câu hỏi rằng, liệu các cơ quan, đơn vị, địa phương có làm được đúng quy định để việc kê khai tài sản, thu nhập góp phần PCTN hay lại rơi vào tình trạng hình thức, đánh trống bỏ dùi như trước đây. 

Tìm hiểu từ một số chuyên gia thì nhận thấy rằng, công tác kê khai tài sản, thu nhập ở ta còn một số bất cập. Bộ phận phụ trách phát bản kê khai và đến hẹn thì thu lại rồi thống kê sau đó cất vào tủ hồ sơ lưu và báo cáo công việc đã hoàn thành. Người đứng đầu đơn vị cũng dựa trên báo cáo đó để phản ánh với cấp trên hoặc đánh giá trước hội nghị cơ quan, đơn vị.

Nguyên nhân là do quy định chỉ những người “có vấn đề” thì mới bị cơ quan chức năng tiến hành xác minh tài sản, thu nhập và kết luận.

Thế nên phần đông các bản kê khai thường ít được công khai và xác minh, kết luận rồi thông báo dân chủ. Đặc biệt, việc kê khai tiến hành hằng năm, trên các bản mẫu bằng giấy không chỉ gây khó khăn cho việc niêm yết thông báo công khai mà còn gây ra tốn kém, lãng phí.

Hệ quả của cách làm trên là đã khiến cho người có nghĩa vụ phải kê khai tiến hành đại khái, không trung thực, còn đối với cơ quan chức năng thì việc này không mang nhiều ý nghĩa.

Để việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập trở thành kênh quan trọng trong PCTN, thì nên chấn chỉnh lại về cách thức tổ chức thực hiện, để không tạo ra khe hở, để người kê khai phải kê và khai trung thực, chính xác.

Cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu và tích hợp nội dung này trong phần mềm công tác quản lý cán bộ, công chức để theo dõi việc bổ sung hằng năm thì việc thống kê, quản lý sẽ chính xác và nhàn hơn.

Lâu nay, không riêng việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức bị dư luận chê là hình thức, tiến hành chưa tới nơi mà nhiều việc khác cũng ở trong tình trạng “nói thì hay nhưng cày thì dở”. 

Thế nên không lạ khi trong các nghị quyết, chỉ thị, quy định ban hành gần đây, Đảng ta luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nói đi đôi với làm; tránh nói một đằng, làm một nẻo, dễ gây ra hiện tượng mất uy tín và suy giảm niềm tin trong nhân dân.

Trong lãnh đạo, quản lý vẫn thường có câu nói nôm na là “tóm thằng có tóc, không nắm kẻ trọc đầu”. Trong việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân cũng vậy.

Nếu không xác định đúng đối tượng, tiến hành tràn nan, không tới nơi và làm quyết liệt, triệt để thì đối tượng phải kê khai cố nguy cơ tham nhũng luôn luôn tìm đối sách mà đối phó. Và như thế, PCTN sẽ chẳng thể cho kết quả như mong muốn.