Tranh cãi về vệ tinh Shijian-21 của Trung Quốc “bắt vệ tinh” trong không gian

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các chuyên gia đã quan sát thấy vụ một vệ tinh của Trung Quốc "bắt giữ" vệ tinh không còn sử dụng và mang đi đẩy vào quỹ đạo "nghĩa địa không gian". Động thái này đã gây nên sự chú ý lớn của quốc tế.
Hình mô phỏng hoạt động của vệ tinh Shijian-21 (trên) "bắt giữ" vệ tinh Beidou-G2 (Ảnh: Sohu).
Hình mô phỏng hoạt động của vệ tinh Shijian-21 (trên) "bắt giữ" vệ tinh Beidou-G2 (Ảnh: Sohu).

Vụ "vệ tinh bắt vệ tinh" gây xôn xao

Theo trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 9/2, hồi tháng 1 năm nay, các chuyên gia đã quan sát thấy một vệ tinh của Trung Quốc chụp bắt được một vệ tinh không còn sử dụng và mang nó đưa vào quỹ đạo "nghĩa địa" cách đó 300 km. Nguy cơ va chạm của các vệ tinh cũ với các tàu vũ trụ ở nơi đây là tương đối nhỏ.

Chuyên gia không gian Brien Flewelling đã trình bày về phát hiện này cho những người tham dự tại hội thảo trực tuyến qua mạng do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và Quỹ An ninh Thế giới (Secure World Foundation, SWF) tổ chức hồi tháng trước.

Brien Flewelling là nhà phân tích không gian hàng đầu tại ExoAnalytic Solutions, một công ty tư nhân của Mỹ sử dụng một mạng lưới kính thiên văn quang học rộng lớn trên toàn cầu để theo dõi vị trí của các vệ tinh.

Các chuyên gia đã phát hiện thấy vào ngày 22/1, một vệ tinh “Shijian-21” (Thực Tiễn-21) của Trung Quốc đã bất ngờ thay đổi vị trí và tiếp cận vệ tinh “Beidou-G2” (Bắc Đẩu-G2) đã ngừng sử dụng. Vài ngày sau, Shijian-21 đã "bắt" được Beidou-G2 và thay đổi quỹ đạo của nó. Hình ảnh từ ExoAnalytic cho thấy hai vệ tinh di chuyển về phía tây trong vài ngày sau đó. Ngày 26/1, hai vệ tinh tách ra và Beidou-G2 bị đẩy ra xa.

Các quan chức Trung Quốc vẫn chưa chính thức lên tiếng xác nhận vụ di chuyển trong không gian này đã diễn ra.

Tháng 3/2021, Nhật phóng vệ tinh thực nghiệm ELSA-d, thử nghiệm công nghệ thu giữ và loại bỏ các mảnh vỡ không gian (Ảnh: Deutsche Welle).

Tháng 3/2021, Nhật phóng vệ tinh thực nghiệm ELSA-d, thử nghiệm công nghệ thu giữ và loại bỏ các mảnh vỡ không gian (Ảnh: Deutsche Welle).

Được phóng vào năm 2009, vệ tinh Beidou-G2 thuộc hệ thống định vị Beidou của Trung Quốc. Nó bị trục trặc ngay sau khi phóng lên ít lâu và đã tự quay quanh Trái Đất cùng hàng triệu rác vũ trụ khác trong hơn một thập kỷ qua. Shijian-21 được phóng vào tháng 10/2021, hiện đã quay trở lại quỹ đạo địa tĩnh (GEO), tức đang quay quanh đường Xích đạo với cùng tốc độ khi Trái Đất quay, vị trí nằm phía trên bồn địa Congo.

Dọn rác vũ trụ hay là một mối đe dọa?

Không có gì sai khi làm việc dọn rác vũ trụ. Nhiều quốc gia khác cũng đã giới thiệu hoặc đang nghiên cứu phát triển công nghệ để dọn rác trong không gian. Vào tháng 3/2021, Nhật Bản đã phóng vệ tinh thực nghiệm ELSA-d, được thiết kế để thử nghiệm công nghệ thu giữ và loại bỏ các mảnh vỡ không gian. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng đang có kế hoạch phóng tàu vũ trụ dọn rác trong không gian vào năm 2025.

Trong khi những nỗ lực phát triển và triển khai công nghệ xử lý rác ngoài không gian có vẻ như là bình thường, một số quan chức Mỹ đã bày tỏ lo ngại về các vệ tinh xử lý rác của Trung Quốc như Shijian-21. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Vũ trụ Mỹ James Dickinson hồi tháng 4/2021 cho biết công nghệ như vệ tinh Shijian-21 của Trung Quốc trong tương lai có thể được sử dụng để "bắt giữ" các vệ tinh khác.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu dự định phóng vệ tinh dọn rác vũ trụ vào năm 2025 (Ảnh: Deutsche Welle).

Cơ quan Vũ trụ châu Âu dự định phóng vệ tinh dọn rác vũ trụ vào năm 2025 (Ảnh: Deutsche Welle).

Đây có thực sự là một mối nguy hiểm thực sự? Quỹ An ninh Thế giới (SWF) cho biết trong một báo cáo năm 2021 rằng có rất nhiều bằng chứng cho thấy cả Trung Quốc và Nga đều đang nỗ lực phát triển các công nghệ có "khả năng phản không gian" – tức khả năng phá hoại các hệ thống không gian.

Trong một báo cáo năm 2021, Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASI) của Lực lượng Không quân Mỹ cho biết vệ tinh Shijian-21 chỉ nên giới hạn trong các phương pháp thử nghiệm di dời rác vũ trụ.

Trong khi đó, Trung Quốc khẳng định vệ tinh này không dễ gây nhầm lẫn, vì nó được thiết kế để dọn dẹp những vật thể không còn đáng tin cậy. Shijian-21 là vệ tinh thử nghiệm công nghệ. Công nghệ thử nghiệm chính là công nghệ giảm thiểu mảnh vỡ vũ trụ. Nó không chỉ có thể định vị chính xác và tự thay đổi quỹ đạo của mình, còn mang theo một bộ thiết bị loại bỏ mảnh vỡ không gian, có khả năng dọn dẹp rác vũ trụ nguy hiểm. Nếu có vật thể nào có mưu đồ xấu tới gần vệ tinh hoặc trạm không gian của Trung Quốc, nó có thể tiến hành “bắt giữ”.

Tuy nhiên trang tin Sohu hôm 5/11/2021 cũng úp mở viết, Shijian-21 không chỉ là "nhân viên vệ sinh không gian", mà còn là "cảnh sát" và "vệ sĩ" của một số tàu vũ trụ quan trọng của Trung Quốc. Theo số liệu, trong không gian hiện có 1,27 tỷ mảnh rác vũ trụ kích thước trên một milimét, hầu hết trong số đó được sinh ra từ các cuộc thử nghiệm chống vệ tinh vào thời Mỹ và Liên Xô nằm trên các quỹ đạo với kích thước khác nhau, chúng đều là mối đe dọa tiềm tàng đối với các tàu vũ trụ. Hiện Trung Quốc có hàng trăm, hàng nghìn vật thể không gian đang được sử dụng, chẳng hạn như trạm không gian Thiên Cung (Tiangong), vệ tinh Shijian, các vệ tinh dẫn đường Beidou, v.v. là những vật thể không gian rất quan trọng và không có chỗ cho sai lầm, vì vậy các mảnh vỡ không gian tiềm ẩn nguy hiểm trong quỹ đạo tương ứng của chúng cần phải được loại bỏ.

Sơ đồ mô phỏng hoạt động dọn rác vũ trụ của vệ tinh Shijian-21 (Ảnh: Sohu).

Sơ đồ mô phỏng hoạt động dọn rác vũ trụ của vệ tinh Shijian-21 (Ảnh: Sohu).

Theo Sohu, việc phóng và sử dụng Shijian-21 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc loại bỏ rác vũ trụ. Đây là một điều tốt đẹp mang lại lợi ích cho tất cả nhân loại trong việc sử dụng không gian trong tương lai. Nhưng hiện đã có một lượng rác vũ trụ rất lớn, và vẫn liên tục gia tăng, để loại bỏ chúng là cả một nhiệm vụ nặng nề và lâu dài.

Một tác dụng khác của việc phóng và hoạt động vệ tinh Shijian-21 là nó có thể uy hiếp, ngăn chặn. Nó mang theo đủ nhiên liệu và công cụ (có thể coi là vũ khí). Sohu viết, có Shijian-21 trong không gian, sẽ không còn xảy ra các vụ việc như vệ tinh Shijian-20 bị vệ tinh do thám “America-271” của Mỹ quấy nhiễu và định va đập như đã xảy ra hồi tháng 7/2021 nữa.

Không gian vũ trụ hiện ngập rác

Báo cáo của CASI cho biết, Shijian-21 có khả năng là một trong những vệ tinh bảo dưỡng, lắp ráp và sản xuất (OSAM) trên quỹ đạo của Trung Quốc. Các cơ quan vũ trụ ở nhiều quốc gia đã và đang phát triển công nghệ vệ tinh OSAM trong mấy chục năm qua. Chúng có thể là tàu vũ trụ được thiết kế để tiếp nhiên liệu, sửa chữa hoặc xử lý chất thải không gian cho các vệ tinh hiện có.

Theo thống kê của Mạng lưới Giám sát Không gian Mỹ, kể từ khi con người bắt đầu các hoạt động trên vũ trụ vào những năm 1960 đến nay, hơn 6.000 vụ phóng đã đưa hơn 50.000 vật thể vào quỹ đạo không gian. Theo Văn phòng Mảnh vỡ Không gian của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), hiện có hơn 30.000 vật thể nhân tạo đang bay trong không gian vũ trụ ngoài Trái Đất, nhưng chỉ có khoảng 5.000 vật thể còn đang hoạt động bình thường.

Xung quanh Trái Đất hiện có rất nhiều rác vũ trụ cần được dọn dẹp (Ảnh:bilibili)

Xung quanh Trái Đất hiện có rất nhiều rác vũ trụ cần được dọn dẹp (Ảnh:bilibili)

Và đó chỉ là những vật thể có thể tích đủ lớn để có thể theo dõi. Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đều đã phá nổ vệ tinh của chính họ trong không gian, tạo ra rất nhiều mảnh vụn nhỏ. Theo số liệu của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, có hơn 300 triệu vật thể nhỏ hiện đang di chuyển trong không gian, một số di chuyển với tốc độ cao tới 30.000 km/h, gấp 5 lần tốc độ của những viên đạn nhanh nhất.

ESA đã bắt đầu thử nghiệm chương trình vệ tinh Bảo trì, Lắp ráp và Sản xuất trên quỹ đạo (OSAM) vào những năm 1990 và chương trình Vật thể bay Dịch vụ Địa tĩnh (GSV) để thu giữ và sửa chữa các vệ tinh bị sự cố trong quỹ đạo địa tĩnh. Việc sửa chữa quang học thành công Kính viễn vọng Không gian Hubble vào tháng 12/1993 là một ví dụ khác về tác dụng của vệ tinh OSAM.

Cục Không gian Mỹ (NASA) đang lên kế hoạch cho nhiều sứ mệnh không gian OSAM hơn, bao gồm các chương trình có tên OSAM-1 và OSAM-2, chương trình OSAM-2 được thiết kế để in 3D các bộ phận trong không gian, hy vọng một ngày nào đó sẽ chế tạo chúng trực tiếp trong không gian do chúng quá cồng kềnh không thể được tên lửa mang vào vũ trụ.