Tranh cãi về đề nghị Bí thư, Chủ tịch cấp tỉnh cũng có cảnh vệ riêng

VietTimes -- Chiều 6/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật cảnh vệ. Đáng chú ý một số ý kiến đại biểu quốc hội đề nghị cần đưa Bí thư, Chủ tịch cấp tỉnh vào đối tượng có cảnh vệ.
Ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn
Ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Cụ thể, đối tượng cảnh vệ tại dự thảo Luật cảnh vệ được xác định là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Bao gồm các chức danh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị; Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Theo đại biểu Trịnh Ngọc Thuý, đoàn đại biểu quốc hội TP HCM, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá 14, Chánh án TAND Tối cao là một trong bốn người tuyên thệ trước Quốc hội và nhân dân cả nước.

Do đó, đại biểu Trịnh Ngọc Thuý đề nghị bổ sung Chánh án TAND Tối cao vào đối tượng cảnh vệ. Ý kiến này cũng được đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – đoàn đại biểu Quốc hội Bến Tre đồng tình.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, một số cán bộ ngành toà án trao đổi với ông nói rất băn khoăn vì “cảm thấy bị lép vế, vì Chánh án TAND Tối cáo là lãnh đạo cao nhất của cơ quan thực hiện quyền tư pháp nhưng lại không được quy định trong đối tượng cảnh vệ”.

Bổ sung vào hai ý kiến trên, đại biểu đoàn Hải Phòng Đỗ Văn Bình thì cho rằng, khi địa phương có tình hình phức tạp thì có thể ảnh hưởng đến an toàn của một số cán bộ chủ chốt. Do đó, ông Bình đề nghị, ngoài 18 đối tượng được cảnh vệ theo quy định của dự thảo Luật, cần thiết bổ sung biện pháp bảo vệ đặc biệt trong thời gian nhất định đối với một số lãnh đạo chủ chốt các bộ, ngành và địa phương.

Tuy nhiên, quan điểm của cơ quan dự thảo Luật Cảnh vệ lại khác. Ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Quốc hội – xác nhận, sau khi có vụ việc nổ súng vào lãnh đạo ở một tỉnh, một số địa phương đã đề nghị Bí thư, Chủ tịch cũng nằm trong diện được cảnh vệ.

Nhưng ông Việt cho rằng, cần phân biệt rõ khái niệm cảnh vệ và bảo vệ. Trong đó, cảnh vệ là tập trung vào bảo vệ những yếu nhân, những vị trí cực kỳ quan trọng mà theo quy định hiện hành thì có khoảng 18 vị trí.

Nếu tăng thêm đối tượng cảnh vệ, thì “tăng thêm thì không chỉ tăng thêm mỗi Chánh án Tối cao, mà Tổng kiểm toán Nhà nước đụng độ nhiều lợi ích nhóm khi chống tham nhũng, tiêu cực cũng cần được là đối tợng cảnh vệ, rồi Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ ngoại giao, Bộ trưởng Công an, Quốc phòng... cũng như vậy” – ông Việt nêu vấn đề khó khăn sẽ phát sinh khi tăng thêm đối tượng cảnh vệ.

Do đó, việc giữ nguyên các đối tượng cảnh vệ như hiện nay và như dự thảo Luật Cảnh vệ là phù hợp, không cần mở rộng thêm - ông Việt nêu quan điểm.

Đồng thời với việc bảo vệ quan điểm về đối tượng cảnh vệ, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Quốc hội cũng bảo vệ các nguyên tắc về trường hợp nổ súng của người cảnh vệ khi thi hành nhiệm vụ.

Theo đó, có ý kiến cho rằng tại dự thảo quy định cán bộ chiến sĩ cảnh vệ được nổ súng sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh báo nhưng không hiệu quả là cứng nhắc và chưa phù hợp. Có ý kiến nữa còn đề nghị phải làm rõ hơn về hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ, qua đó sẽ tránh việc lạm dụng khi nổ súng.

Nhưng theo ông Võ Trọng Việt, tại dự thảo luật này đã xác định rõ các nguyên tắc trong trường hợp nổ súng có cảnh báo và không cảnh báo. Nổ súng cảnh báo khi có đối tượng đột nhập vào nơi cấm. Cao hơn, nếu đối tượng chống đối, có hành động nguy hiểm thì vô hiệu hoá.

“Vấn đề là lực lượng công an, quận đội huấn luyện người cảnh vệ sao cho xử lý các tình huống trong thực tế thật tốt” - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Quốc hội phát biểu đầy kinh nghiệm, do ông đã từng là quân nhân nhiều chục năm trước khi chuyển sang công tác tại Quốc hội. Từ đây, ông Võ Trọng Việt cho rằng chỉ cần giữ nguyên các trường hợp nổ súng của như tại dự thảo là đủ.