|
Đó là ý kiến của nhiều họa sĩ tham dự buổi phát động cuộc vận động thiết kế các hình thức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị và trang trí thủ đô Hà Nội năm 2016, do Sở Văn hóa - thể thao (VH-TT) Hà Nội tổ chức sáng 29-3.
Họa sĩ Trần Khánh Chương - chủ tịch Hội Mỹ thuật VN - cho rằng những năm gần đây, Hà Nội có nhiều việc trang trí gây phản cảm, dẫn đến có nhiều ý kiến trong dư luận.
“Thủ đô của chúng ta mở rộng, xây dựng nhiều mà sự lộn xộn cũng nhiều. Đôi khi tôi có cảm giác sự trang trí đường phố Hà Nội lại cộng thêm vào cho sự lộn xộn đó” - ông Chương nhấn mạnh.
Ông cũng phản đối việc giăng đèn qua đường trên các tuyến phố thủ đô và không nên để quá nhiều đèn xanh, đỏ ở trung tâm thủ đô như hiện nay.
Họa sĩ Nguyễn Thủy Liên cũng đồng quan điểm khi nói rằng trang trí Hà Nội hiện nay quá lạm dụng ánh sáng xanh đỏ lòe loẹt:
“Nhiều nơi tôi đi qua thấy có nhiều đèn treo trên đầu quá, chỉ sợ rơi vào đầu. Xung quanh hồ Gươm cũng có một giàn đèn bao quanh như giàn mướp.
Có lẽ chúng ta cần phải nghĩ lại cách thức trang trí thủ đô, thiên về những cái bền vững và thật. Hiện nay chúng ta đang trang trí bồi đắp quá nhiều cái giả cho Hà Nội” - ông Liên nêu quan điểm.
Họa sĩ Nguyễn Huỳnh Mai nói: “Chúng ta đã sống qua thời bao cấp lâu rồi, nhưng đến bây giờ công tác “cờ đèn kèn trống” (công tác thi đua và trang trí) thì vẫn mang nặng tính bao cấp quá. Tôi đi qua phố Thụy Khuê, Ô Quan Chưởng... thấy có nhiều cổng cổ rất đẹp.
Nhưng cứ đến những ngày lễ là đủ các loại cờ quạt, biểu ngữ được treo trên đó... làm phá tan hết các di tích. Nên tôi đề nghị xin đừng trang trí gì trên các di tích nữa. Vì nó rất phản cảm”.
Ông Tô Văn Động - giám đốc Sở VH-TT Hà Nội - cho biết sau khi kết thúc cuộc vận động (thời gian nhận tác phẩm từ ngày 18 đến 22-4), Sở VH-TT sẽ công bố các mẫu thiết kế để người dân, báo chí góp ý rồi mới quyết định có thực hiện trên phố hay không.
Theo Tuổi trẻ