Trạm y tế lưu động tại Hà Nội điều trị cho F0 thuộc diện nào?

VietTimes – Tối nay, ngày 21/11, Sở Y tế Hà Nội đã có công điện khẩn gửi UBND các quận, huyện, thị xã để hướng dẫn việc triển khai trạm y tế lưu động điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Người dân được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Căn cứ theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế về mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19 và công điện của UBND TP. Hà Nội về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn trong tình hình mới, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn lập trạm y tế lưu động điều trị cho người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.

Theo đó, trạm y tế lưu động điều trị bệnh nhân COVID-19 có chức năng quản lý, theo dõi, điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ; khám, điều trị cho người bệnh COVID-19 nhẹ, không triệu chứng tại quận huyện; phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh COVID-19 tiến triển ở mức độ vừa và nặng; kiểm soát, ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 tại trạm y tế lưu động và ngăn ngừa lây nhiễm ra cộng đồng.

Đối tượng được cách ly, quản lý, điều trị tại trạm y tế lưu động là người bệnh COVID-19 không có triệu chứng; người nhiễm SARS- CoV-2 được khẳng định bằng xét nghiệm Realtime RT-PCR dương tính, nhưng không có triệu chứng lâm sàng; người bệnh COVID-19 mức độ nhẹ, có viêm đường hô hấp trên cấp tính gồm: Người bệnh COVID-19 có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời.

Đặc biệt, trạm y tế lưu động tại các quận, huyện không tiếp nhận phụ nữ mang thai; người mắc bệnh lý nền.

Khu cách ly phòng COVID-19 (Ảnh - BYT)

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu trạm y tế lưu động điều trị F0 mắc bệnh nhẹ, không triệu chứng phải có khu vực đón tiếp, phân loại bệnh nhân; có bảo vệ trực 24/24 giờ hàng ngày, tuyệt đối không cho phép những người không có nhiệm vụ vào cơ sở điều trị; có Barie đặt biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “TRẠM Y TẾ LƯU ĐỘNG(Cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19)... Số... hoặc tên riêng... KHÔNG NHIỆM VỤ MIỄN VÀO".

Khu vực tiếp nhận bệnh nhân F0 phải là khu vực riêng, dễ tiếp cận cho người bệnh ngay từ bước đầu; có đủ phương tiện, máy tính, máy quét QR Code để ứng dụng công nghệ thông tin rút ngắn thời gian tiếp nhận, đảm bảo chính xác thông tin.

Theo Sở Y tế Hà Nội, khu cách ly chia làm 2 loại đối tượng người bệnh để bố trí phòng gồm: Người mắc COVID-19 khỏe mạnh, không có triệu chứng và người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ (hắt hơi, sổ mũi, ho khan,...

Mỗi trạm y tế lưu động phải có 1 xe ôtô chuyên dụng hỗ trợ (có gắn bình oxy, có xe đẩy hoặc băng-ca để vận chuyển người nhiễm COVID-19 đi cấp cứu kịp thời). Trường hợp không thể sắp xếp được xe, cần phối hợp với hệ thống vận chuyển cấp cứu trên địa bàn để vận chuyển kịp thời các trường hợp nhiễm COVID-19 trở nặng nhanh nhất.

Nhân lực làm công tác chuyên môn tại trạm y tế lưu động gồm: Nhân viên y tế cho 1 kíp 5 cán bộ trong đó có 1 bác sĩ phụ trách, 2 điều dưỡng, 1 kĩ thuật viên, điều dưỡng xét nghiệm, 1 dược sĩ. Căn cứ số lượng người bệnh theo dõi và quản lý, trạm cần bố trí số lượng nhân lực và tổ chức làm việc phù hợp đảm bảo an toàn, hiệu quả; có thể bố trí các kíp, tổ làm việc theo ca/kíp hoặc hành chính trực.

Ngoài ra, trạm y tế lưu động cần bố trí kíp nhân lực thay thế, đảm bảo điều kiện hoạt động; tăng cường đào tạo, tập huấn về chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa lây nhiễm COVID-19.