F0 tăng chóng mặt: Hà Nội có giải pháp gì để ứng phó?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Những ngày gần đây, F0 ở Thủ đô đang tăng nhanh. Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, Hà Nội đã lên nhiều phương án ứng phó.
Trạm y tế lưu động tại phường Kim Giang, Thanh Xuân được trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh - Khánh Hà)
Trạm y tế lưu động tại phường Kim Giang, Thanh Xuân được trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh - Khánh Hà)

Thành lập hơn 500 trạm y tế lưu động

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, cùng với 20 trạm y tế xã lưu động đặt tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

Hiện nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch/phương án chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai mô hình trạm y tế lưu động.

Căn cứ thực tế diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ chuẩn bị các điều kiện về địa điểm, nhận lực, trang thiết bị, thuốc,… để sẵn sàng thiết lập thêm các trạm y tế lưu động đưa vào sử dụng khi dịch diễn biến phức tạp, lây lan rộng trong cộng đồng.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân (Ảnh - BYT)

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân (Ảnh - BYT)

Để các trạm y tế lưu động hoạt động có hiệu quả, lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu trạm y tế lưu động phải niêm yết lịch trực, đường dây nóng, có biển hiệu, biển chỉ dẫn đặt ở nơi dễ nhìn; xây dựng quy chế làm việc, phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ; đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất bao gồm như nơi trực, nơi tiếp đón, khám và tư vấn, nơi theo dõi, khu vệ sinh, điện nước,… để phục vụ người dân.

Về nguồn nhân lực, mỗi trạm y tế lưu động bố trí 5 nhân viên y tế, trong đó có 1 cán bộ y tế nắm rõ địa bàn, còn các cán bộ y tế khác huy động thêm từ các bệnh viện, cơ sở y tế ngoài công lập.

Yêu cầu đặt ra là các trạm y tế phải có đủ trang thiết bị thiết yếu cho phòng chống dịch COVID-19, đủ trang thiết bị khám, chữa bệnh thông thường và danh mục thuốc theo quy định. Đặc biệt, các trạm y tế lưu động cần trang bị đầy đủ bình ôxy sẵn sàng khi có bệnh nhân.

Hiện, trạm y tế lưu động tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm với 5 cán bộ y tế đã được kích hoạt. Trong trường hợp dịch lan rộng, phường sẽ bổ sung thêm 1 trạm y tế lưu động.

Quận Hà Đông cũng đã xây dựng phương án lập 17 trạm y tế lưu động ở 17 phường. Trung tâm Y tế quận đã khảo sát nhà văn hóa, trường học, công sở đang xây dựng, trường mầm non để chọn nơi đặt trạm y tế lưu động. Trường mầm non cơ sở 2 Phú Lương sẽ là địa điểm dự kiến sẽ tiếp nhận từ 160 đến 200 F0.

Mở rộng cơ sở điều trị F0 mắc bệnh nhẹ

Nhằm chủ động ứng phó khi số ca F0 trên địa bàn tăng nhanh, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Theo đó, thành phố thí điểm điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm "4 tại chỗ", do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế tại 5 cơ sở gồm: Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường Thạch Bàn (quận Long Biên) với quy mô 150 giường, Trường THCS Tiền Yên (huyện Hoài Đức) quy mô 300 giường; Phòng khám đa khoa Minh Phú (huyện Sóc Sơn) quy mô 200 giường; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Thanh Trì quy mô 300 giường; Trường Mầm non Lê Thanh A (xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức) quy mô 200 giường.

Theo tìm hiểu của PV, BVĐK Đức Giang là BV tuyến đầu điều trị COVID-19 của Hà Nội từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại BV (Ảnh - Minh Thuý)

Bác sĩ khám cho bệnh nhân tại BV (Ảnh - Minh Thuý)

TS. BS. Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BVĐK Đức Giang - cho biết: "BV đang điều trị 150 bệnh nhân, hệ thống oxy trung tâm là 20 m3 oxy khí lỏng, tương đương 17.000 m3 khối khí, đảm bảo cung cấp oxy cho người bệnh. Hiện BV có thể đáp ứng điều trị thở máy 250-300 người và 200 bệnh nhân thở oxy".

Ngoài ra, BV đang siết chặt lại quy trình, sử dụng lực lượng nhân viên y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 đã được tập huấn và có kinh nghiệm chống dịch. Một số bệnh viện khác như Hà Đông, Thanh Nhàn,... bổ sung trang thiết bị vật tư, sẵn sàng nhân lực và vật lực khi dịch lan rộng.

Tại quận Nam Từ Liêm, ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Phòng Y tế quận Nam Từ Liêm - cho hay: Hiện 10 phường trong quận có hơn 100 F1 đủ điều kiện cách ly tại nhà, gồm: người già, bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ em. Các gia đình cách ly F1 tại nhà đều đáp ứng đủ điều kiện - có phòng riêng, nhà vệ sinh riêng, có người chăm sóc, thu gom rác thải,...

Tại quận Hà Đông, ông Trương Kỳ Phong - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hà Đông - cho biết: Từ đầu tháng 11, người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai và người dưới 18 tuổi (trẻ em) là F1 đủ điều kiện đã được cách ly tại nhà.

Trên địa bàn quận đang có khoảng 70 F1 cách ly tại nhà, trải rộng gần như ở tất cả các phường. Ngoài ra, khu vực này sử dụng khu ký túc xá Đại học Đại Nam, phường Phú Lãm, làm nơi cách ly tập trung F1 với quy mô tối đa 320 người.